Ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

Đức Trân 16/01/2019 08:00

Ngành Y tế cần phân cấp khám chữa bệnh, xã, huyện khám bệnh nhẹ, tỉnh, Trung ương phải tập trung vào các dịch vụ cao. Đồng thời, cần tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thay vì đợi bị bệnh thì cứu chữa…Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Y tế năm 2019, tổ chức ngày 15/1.

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

Các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến ngành y tế chiều 15/1.

Cần đẩy mạnh phân cấp khám chữa bệnh

Báo cáo tổng kết công tác của ngành y tế năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm vừa qua Bộ Y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao là: Số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (giao 26,0); Tỉ lệ tham gia BHYT đạt 87,7% (giao 85,2%). Cùng với đó, đạt và vượt 9/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản năm 2018.

Dẫu thế, ngành y hiện vẫn còn nhiều hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế. Nhiều người khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế nên tỉ lệ chuyển tuyến, vượt tuyến còn khá phổ biến.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng cung ứng dịch vụ y tế Việt Nam đang có nhiều bất cập. Nhiều bệnh viện tuyến trên đang loay hoay xử lý việc quá tải nên không tập trung được vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đối thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh. Nguyên nhân là do các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đang gồng mình để gánh hết cả các công việc của bệnh viện huyện, xã là khám chữa các bệnh nhẹ. Trong khi đáng nhẽ, các bệnh viện trung ương cần tập trung nghiên cứu, cứu chữa các bệnh nhân nặng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Do tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến khó xử lý dứt điểm đã dẫn đến quá tải bệnh viện, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người Việt phải bỏ ra nước ngoài điều trị (ước tính năm qua có khoảng 40 nghìn người với trên 2 tỷ USD chi phí khám chữa bệnh trong năm). Thêm vào đó, lợi thế của y dược cổ truyền chưa được phát huy tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh các tồn tại, ngành y tế có nhiều điểm sáng. Hiện nhiều dịch vụ y tế Việt Nam đã phát triển ngang tầm thế giới, đã có thể thu hút bệnh nhân Việt yên tâm ở lại điều trị trong nước. Ngoài ra, mỗi năm hiện nay, Việt Nam khám chữa bệnh cho khoảng 300.000 người nước ngoài (trong đó có hơn 60.000 bệnh nhân nước ngoài điều trị nội trú). Bệnh nhân nước ngoài bao gồm Việt kiều về nước, người nước ngoài công tác, học tập tại Việt Nam và người dân ở các nước lân cận như: Lào, Campuchia, Phillipines... Các dịch vụ mà người nước ngoài tới khám và điều trị ở Việt Nam đa số trong lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ, can thiệp tim mạch...

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành y tế cần phân cấp khám chữa bệnh xã huyện khám bệnh nhẹ, tỉnh, trung ương phải tập trung vào các dịch vụ cao. Đồng thời, cần tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thay vì đợi bị bệnh thì cứu chữa; Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân - 1

Một buổi khám chữa bệnh cho bà con vùng cao.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Đánh giá riêng về y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trong năm 2019, ngành y tế tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Hiện nay, cả nước đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên; Trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số lượt khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%); Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP.

Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.

Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tuyến y tế cơ sở, trong năm 2019, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và trực tiếp quản lý trạm y tế. Đối với huyện có bệnh viện đa khoa huyện được xếp hạng II trở lên cũng nên thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, trừ trường hợp đặc thù, theo yêu cầu thực tế của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Cụ thể, tất cả các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, triển khai mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân.

Các tỉnh, thành phố thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên bác sĩ từ trung tâm y tế về trạm y tế xã và ngược lại để nâng cao trình độ chuyên môn cho viên chức y tế xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động của trạm y tế xã, khám chữa bệnh từ xa. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám sáng lọc, phát hiện sớm bệnh tật cho nhân dân ngay tại cộng đồng.

Bên cạnh đó là việc củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và tăng cường năng lực giám sát bệnh không lây nhiễm. Tiếp tục nâng cao tỉ lệ và chất lượng tiêm chủng mở rộng, bảo đảm vắc xin cho tiêm chủng mở rộng, phát triển các loại hình tiêm chủng dịch vụ để người dân tiếp cận ngày càng nhiều với các loại vắc xin, đảm bảo tiêm chủng an toàn hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%.

* Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của ngành y tế chiều 15/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Năm 2018 là năm mà ngành đã đạt được những thành tựu, kết quả rất toàn diện.

Về bao phủ BHYT, 5 năm trước đây, chúng ta chỉ bao phủ được 60%. Khi ấy, Quốc hội ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đạt độ bao phủ BHYT đến 80%. Nhưng Bộ Y tế, đặc biệt là BHXH đã cùng nỗ lực, nên tính đến hiện nay, chúng ta đã vượt 80%, thực tế là 88% bao phủ BHYT.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tới ngành y tế cần tập trung vào một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thứ nhất, cần củng cố BHYT, phải phấn đấu để mọi người dân đều sử dụng BHYT; Cần thống nhất với BHXH để có cơ chế thanh toán BHYT sao cho đảm bảo đúng tinh thần: Y tế phòng là chính, y tế cơ sở là nền tảng. Y tế xã phải trở thành cánh tay nối dài của y tế huyện.

Thứ hai, cần tăng cường năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện từ trên xuống dưới. Thứ ba, năm 2019 cần phải củng cố hệ thống y tế cơ sở. Phải xây dựng mô hình quản trị, quản lý thanh toán cho y tế cấp huyện.

Thứ tư, cần cân đối giữa dự phòng và điều trị. Dự phòng và điều trị phải gắn chặt với nhau. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân phải gắn giữa chính quyền với địa phương.

Thứ năm, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện kết nối các dữ liệu vẫn còn nhiều hạn chế, tại nhiều bệnh viện vẫn chưa kết nối đầy đủ.

* Khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Sự phối hợp giữa các lực lượng trong xử lý vi phạm về ATTP còn chưa chặt chẽ, đặc biệt trong phối hợp trao đổi thông tin.

Việc xử lý dứt điểm một số tốn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo ATTP... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp….

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO