Y tế Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Đức Trân 20/10/2019 07:00

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với ba nội dung cốt lõi của kỹ thuật số là trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và dữ liệu lớn. Y khoa nói chung và y học Việt Nam nói riêng cũng không ngoài cuộc.

Y tế Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Ảnh minh họa.

Công nghệ 4.0 trong y khoa

Theo TS.BS Trần Bá Thoại - Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam - trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán và các phần mềm hỗ trợ con người có thể phân tích các dữ liệu y tế phức tạp rất nhanh và chính xác, giúp thầy thuốc thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn, tăng dung lượng dữ liệu sức khoẻ vào máy tính, tăng dữ liệu cơ sở về bộ gen di truyền, phổ cập rộng rãi các hệ thống hồ sơ y tế điện tử, cải tiến tốc độ, tầm xử lý, nhân rộng nhận thức của con người. Máy móc với dung lượng bộ nhớ rất lớn sẽ dễ dàng giúp bác sĩ phân tích các hình ảnh y học nhanh và chuẩn xác hơn rất nhiều, đặc biệt những xét nghiệm vàng, xét nghiệm sinh học phân tử, gen di truyền…

Phẫu thuật robot, phẫu thuật máy tính hỗ trợ tránh được xâm lấn tối thiểu và giúp phẫu thuật viên điều khiển cuộc mổ bằng một trong hai cách: Trực tiếp qua điều khiển từ xa hoặc thông qua điều khiển máy tính… Mặt khác, nhiều công ty công nghệ sinh học đã sử dụng AI phát triển các liệu pháp miễn dịch để khoanh vùng, chọn lựa các liệu pháp miễn dịch phù hợp nhất nhằm điều trị ung thư.

Ngoài sự phát triển của AI, nhờ các công nghệ nano y học, ngành Y đã được “nối dài tay” hơn. Viện Đa công nghệ Worcester sử dụng kháng thể gắn trên chip ống nano carbon để phát hiện tế bào ung thư trong dòng máu. Viện MIT phát triển đầu dò ống nano carbon nhúng trong gel chích dưới da để theo dõi lượng nitric oxide trong máu giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Đại học Michigan phát triển đầu dò graphene oxide có gắn những kháng thể chống tế bào ung thư. Que vàng nano (gold nanorods) có thể phát hiện rất sớm những tổn thương thận: Khi tổn thương, thận sẽ tạo ra những protein lạ tích tụ lại ở các que nano vàng và làm thay đổi màu của chúng.

Tampon nano có khả năng hấp thu và loại bỏ các độc tố trong dòng máu; hạt nano polyethylene glycol-hydrophilic carbon (PEG-HCC) để hấp thu các gốc tự do để giảm tổn thương não sau chấn thương, đột quỵ… Trong thuốc, hoạt chất được cho bao quanh các hạt nano rồi dùng từ tính, nhiệt, ánh sáng hoặc các chất khác sẽ lôi kéo chúng đến đúng các tế bào đích… Các nhà y học nano đang ráo riết nghiên cứu nang nano insulin, thuốc chính chữa bệnh đái tháo đường; thuốc nano uống (nanoparticle taken orally) có thể đi qua niêm mạc ruột để vào máu; hạt nano chứa các enzymes ức chế sự nhân lên của virut, v.v…

Y tế Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết: Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ y khoa thế giới, ngành Y tế Việt Nam đã chuẩn bị và triển khai một số hoạt động thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/ 5/ 2017, Cục Công nghệ thông tin được giao xây dựng Đề án phát triển y tế thông minh, với mục tiêu chung là: Ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ này có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời, ứng dụng và phát triển y tế thông minh để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử.

Đề án có các mục tiêu cụ thể như: Xây dựng cơ sở pháp lý để ứng dụng và phát triển y tế thông minh; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia và hạ tầng kỹ thuật cho phát triển y tế thông minh; ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong khám chữa bệnh và phòng bệnh; ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế và vaccine, sinh phẩm y tế; ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong công tác quản lý về y tế, hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử. Trong đó nòng cốt là thực hiện 3 nhiệm vụ: Chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Bộ Y tế ban hành Thông tư 54/2017/TT-BYT về “Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu phát triển y tế điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tạo bước tiến quan trọng là quy định về bệnh viện thông minh và bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, với đầy đủ các tiêu chí hết sức rõ ràng, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý cho tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 tại các bệnh viện.

“Ví dụ như đến nay 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Các nước bạn như Nhật, Hàn Quốc làm mất 10 năm, nhưng chúng ta chỉ làm trong 2 năm, đi sau nhưng làm rất nhanh vì có kinh nghiệm và hệ thống chính trị chỉ đạo quyết liệt. Vừa qua chúng tôi cũng triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS tại một số bệnh viện thực hiện không in phim, không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng các công nghệ hiện đại mà còn có ý nghĩa về môi trường. Chúng ta không phải in phim sẽ bảo vệ môi trường rất lớn, vì mỗi tấm phim sẽ tồn tại hàng trăm năm – PGS.TS Trần Quý Tường chia sẻ: - Chúng tôi cũng đã triển khai thí điểm các hoạt động y tế từ xa, hỗ trợ tư vấn, bước đầu ứng dụng AI, ứng dụng robot trong phẫu thuật, kết nối các phần mềm trong quản lý bệnh viện với nhau tạo một nền tảng bước đầu kết nối vạn vật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Y tế Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO