Suy nghĩ tích cực là chìa khóa vượt qua dịch bệnh

Việt Quỳnh (thực hiện) 27/10/2021 17:53

Đạo diễn, nhiếp ảnh gia Lê Tùng Mậu (SN 1978), nghệ danh Tùng Tik Tak vốn là người yêu thể thao và luyện tập chăm chỉ hàng ngày. Không may, trong thời gian vừa qua, anh bị nhiễm SARS- CoV-2. Với Tùng Tik Tak, sống yêu thương, suy nghĩ tích cực là chìa khóa để vượt qua dịch bệnh.

Khi khu phố của gia đình bị phong tỏa dài ngày, xung quanh nơi ở cũng như trong bối cảnh TPHCM có tỉ lệ F0 cao, Tùng Tik Tak chuẩn bị trước tinh thần bản thân và người nhà có thể bị nhiễm bệnh. Khi biết mình bị dương tính mà không rõ nguồn lây vì chỉ ở trong nhà, nhu yếu phẩm được phát tới tận cửa, Tùng đã bình tĩnh đón nhận. Là một người chơi thể thao nhiều năm, hiểu khá rõ về cơ thể của mình nên Tùng xác định bệnh tới đâu, điều trị tới đó, và tìm hiểu và đọc các thông tin để sẵn sàng “sống chung” với Covid.

Bảy ngày đầu bị nhiễm, nhiếp ảnh gia Lê Mậu Tùng chia sẻ: “Đầu tôi bồng bềnh, họng như phải bỏng, toàn thân mất lực. Mắt đỏ rực, lồi ra, nóng rát. Lưng đau buốt, ớn lạnh từng cơn từ gáy tới gót chân. Bụng sình trương, nóng rực quặn thắt từng cơn. Cả người sấp mồ hôi từ sáng tới tối. Có những lúc tôi không còn nhận thức về thời gian. Chỉ biết rằng thở được là được, dù rằng hơi thở như từ cái lò rực lửa vậy”.

Sau những triệu chứng đó, là 3 ngày vô cùng kinh hoàng, anh ở giữa lằn ranh sinh tử. Xoang và họng như có hàng vạn quả cầu gai, nóng như chưa từng nóng, rát như chưa từng rát và nhức nhối giật từng cơn: “Toàn thân lạnh toát, run rẩy tôi tìm chụp được chiếc mũ len và đi vội đôi tất với bàn tay lập cập. Trùm chăn kín mít, tôi cố gắng đớp những luồng oxy quanh mình”.

Rất may mắn, Lê Mậu Tùng được vợ hết sức chăm sóc. Lúc khí sắc của anh mười phần còn một, chị ngâm chân anh trong nước gừng nóng, đắp gừng giã nhuyễn đã rang nóng lên xoang mũi, xoang trán, lưng phổi, cổ họng. Mỗi lần được chăm sóc như vậy nhịp thở cũng dần tìm lại với Tùng. Ngày nào cũng thế, Tùng lúc tỉnh lúc mê, phản ứng chậm dần, các cơn đau họng đau xoang không còn cảm nhận được nhiều nữa, thay vào đó là đau lưng đau phổi. Vợ anh cho anh uống nước hẹ xay, vị cay sộc thẳng lên não, nhờ thế anh tỉnh dần. Tuy nhiên, các cơn đau ngày càng dữ dội hơn, lưng bó, phổi khò khè… hơi thở nóng rát:

“Đến khoảng ngày thứ mười, các cơn ho bắt đầu xuất hiện. Ho quằn quại hết cơ này tới cơn khác. Bụng rỗng vì không ăn được, mà những cơn ho rút ruột ra ngoài bụng đau như chưa bao giờ đau như thế. Trong cơn mê chập chờn tôi cảm nhận thấy mùi vị của thức ăn, nhưng khi tỉnh dậy tôi lại chẳng thể nuốt nổi một miếng nhỏ. Mỗi lần nhìn gương mặt mình trong gương tôi không thể nhận ra. Hơn mười ngày chiến đấu, cơ thể tôi tóp lại, khuôn mặt trắng bệch và tôi cũng không đủ sức để nhìn được hồi lâu. Mệt mỏi vì những cơn đau kéo dài cả ngày lẫn đêm. Chỉ mong tìm ra cách để làm giảm bớt những đau đớn đó”.

Do làm việc gì Tùng cũng hay đặt mục tiêu, vì thế khi nhiễm bệnh, cơ thể có rất nhiều triệu chứng cùng lúc, anh tập chung điều trị từng triệu chứng mà cơ thể cảnh báo cao nhất: “Mỗi lần khắc phục được một triệu chứng là mỗi lần vui mừng vì đã vượt qua được một cửa ải. Đôi lúc thấy cơ thể có thêm năng lượng vì điều đó, vì mình biết rõ nếu cơ thể có thể tốt dần lên có nghĩa là đã có phản ứng tích cực từ hệ miễn dịch, đồng nghĩa với ngày khỏi bệnh không còn xa”.

Với nhiếp ảnh gia Lê Mậu Tùng, virus đã lấy đi một cơ thể tràn đầy nhựa sống và để lại một cơ thể kiệt quệ chưa từng có trong đời. Thần kinh của anh bị căng thẳng cao độ vì đau đớn dẫn tới mất ngủ kéo dài, chưa cảm nhận được một số mùi vị. Sau đó là thể chất. Anh bị sụt 5kg, thể lực yếu đến nỗi không cầm nổi cây chổi quét nhà.

Thời gian đầu phong tỏa, trước khi nhiễm bệnh, vốn hay di chuyển vì tính chất công việc nên thời gian đầu Tùng khá sốc khi phải ở nhà nhiều ngày. Nhưng sau đó, anh quyết định thay đổi trạng thái bằng cách thay đổi thói quen. Anh cùng người nhà chơi cờ vua, đọc truyện, nấu các món ăn mới. Việc tập luyện thể thao được thiết lập theo khung giờ hàng ngày: “Hoạch định lại các mục tiêu, những việc chưa làm được và tập trung tìm phương án để từng bước hoàn thiện bản thân cũng như công việc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, hy vọng có thể bù đắp được vào khoảng thời gian không có việc làm khi ở nhà vì dịch bệnh.

Những thay đổi đó đã giúp tôi cân bằng hơn về cảm xúc cũng như về quỹ thời gian hàng ngày. Có mục tiêu rõ ràng thì tinh thần cũng lên cao hơn, tập trung tốt hơn”.

Với Tùng, “khó khăn mang lại cho mọi người nhiều thách thức nhưng cũng cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Cơ hội thay đổi để thích nghi, cơ hội để trở lên mạnh mẽ hơn, cơ hội để thấu hiểu bản thân và thắt chặt tinh thần đoàn kết, sự yêu thương trong gia đình. Nên yếu tố tinh thần là rất quan trọng”.

Sống yêu thương, luôn suy nghĩ tích cực là chìa khoá để nhiếp ảnh gia Lê Mậu Tùng có thể vượt qua tất cả. Đó cũng chính là vaccine tinh thần liều cao của anh: “Covid 19 đã gieo vào lòng người dân toàn cầu nỗi sợ hãi và lo lắng về sự tàn phá nguy hiểm. Ở trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ viên của gia đình người thân, sự quan tâm hỗ trợ của những người hàng xóm tốt bụng, và chính sách kịp thời của địa phương. Chính những tình cảm và hành động trân quý ấy đã giúp mình vượt qua cơn sóng dữ lần này. Vậy nên dù cơ thể vẫn còn nhiều di chứng nhưng mình thấy cần chia sẻ và lan toả tinh thần ấy đến với mọi người tới cộng đồng. Mong sức khoẻ niềm yêu thương sự vững tâm sẽ chiến thắng đại dịch mang lại cuộc sống bình yên cho mọi gia đình”.

Hiểu được giá trị của liều thuốc tinh thần sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác phòng chống dịch Covid -19, nên sau khi khỏi bệnh, nhiếp ảnh gia Lê Mậu Tùng đã nộp đơn xin tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch của TPHCM. Anh hy vọng với những hành động dù nhỏ, sẽ góp phần hỗ trợ phần nào cho những gia đình gặp khó khăn. Hiện tại nhiếp ảnh gia Lê Mậu Tùng đang hỗ trợ tư vấn về tâm lý và y tế cho các bệnh nhân F0 tại nhà trong khu vực TPHCM, Bình Dương. Đồng thời, anh tham gia cùng các đơn vị bộ đội phát gạo tại địa bàn các phường thuộc TPHCM và chia sẻ các khoảnh khắc đó tới cộng đồng nhằm lan toả những giá trị tích cực trong xã hội: “Qua những trải nghiệm như vậy, tôi thấy rất vui vì hiểu sâu hơn về giá trị cao đẹp của những con người đang ngày đêm tham gia chống dịch tuyến đầu. Vui vì được lan toả những hành động đầy ý nghĩa và nhân văn đó”.

Nhiếp ảnh gia Lê Mậu Tùng tâm sự: “Chuẩn bị cho mình một tinh thần tích cực, nhận thức rõ ràng về virus và chuẩn bị hành trang để hóa giải nó như với những loại bệnh khác mà con người đã từng trải qua. Có như vậy mới có thể ổn định cuộc sống sau giãn cách”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Suy nghĩ tích cực là chìa khóa vượt qua dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO