Tác động từ 'cú đúp' tăng giá

Minh Phương 08/04/2019 07:30

Liên tiếp giá điện, giá xăng cùng tăng trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đã phần nào tạo gánh nặng không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất. Giới chuyên gia nhận định, việc giá xăng tăng mạnh trong ngày 2/4 vừa qua, cùng giá điện cũng tăng trước đó, sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất, vận tải... từ đó tác động đến đời sống người dân.

Tác động từ 'cú đúp' tăng giá

Điện và xăng tăng giá, tác động không nhỏ tới sản xuất, sinh hoạt.

Doanh nghiệp lên tiếng

Giá xăng đã chính thức được điều chỉnh tăng sau nhiều lần cố gắng “kìm nén”. Theo lý giải của Liên Bộ Tài chính – Công thương, việc điều hành giá xăng dầu là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và tình hình thực tế của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/ lít là điều không mong muốn, song thực tế nếu không dùng Quỹ Bình ổn xăng dầu để bù thì mức tăng phải là 3.019 đồng/lít…

Trước đó, Chính phủ quyết định ngày 20/3 tăng giá điện. Vào kỳ điều hành ngày 18/3 vừa rồi, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá và dùng Quỹ Bình ổn xăng dầu để bù. Ví dụ E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Sau 15 ngày giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng nên giá xăng dầu trong nước buộc phải tăng theo.

“Bộ chia sẻ với khó khăn của DN sản xuất kinh doanh cũng như người dân tiêu dùng, việc phải tăng giá xăng lần này là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải thực hiện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, thực hiện vai trò quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu, khi sự cố với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy chiếm gần 40% nguồn cung xăng dầu cả nước xảy ra, Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị nhập khẩu 200.000m3 xăng dầu với thuế suất 20% thay vì 10% nếu nhập theo đường Hàn Quốc để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Đây là nỗ lực của Bộ Công thương trong việc đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng cũng như điều hành giá.

Tuy nhiên, việc tăng giá hai mặt hàng xăng dầu và điện tác động đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất của cộng đồng DN là khó tránh khỏi.

Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, xăng dầu chiếm đến 40% trong giá thành vận tải. Bởi vậy, việc tăng hay giảm giá xăng dầu đều tác động trực tiếp đến việc lưu thông nói chung và của các DN vận tải nói riêng. Tuy đồng tình với việc điều hành giá xăng dầu theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng ông Liên cho rằng, nhiều DN vận tải hiện nay vẫn còn phải trả nhiều khoản chi phí không chính thức. Chính vì thế, việc tăng giá cước vận tải nhiều khi không hẳn là do tăng giá xăng mà là động thái, là cơ hội để DN bù đắp các khoản chi không chính thức khác.

Trước đó, việc tăng giá điện cũng đã đẩy các DN, đặc biệt các DN ngành công nghiệp nặng vào thế khó. Nhiều DN ngành thép cho hay, chi phí điện hiện đang chiếm khoảng 10-15% chi phí sản suất ngành thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ đạt khoảng 6%. Chính bởi vậy, nhiều DN đã phải nghĩ đến việc tăng giá thành sản phẩm để giảm nguy cơ bị thua lỗ. Tuy nhiên, bản thân mỗi DN đều hiểu rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tăng giá không hề đơn giản do sẽ ảnh hưởng mạnh đến tiêu thụ hàng hóa.

Cách nào tạo sự đồng thuận?

Giới chuyên gia nhận định, việc tăng giá xăng dầu, giá điện chắc chắn sẽ tác động đến mặt bằng giá bởi các lĩnh vực này đều có tác động qua lại lẫn nhau. Phân tích kỹ hơn về góc độ thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, câu chuyện tăng, giảm giá xăng dầu theo giá thế giới là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng và của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên việc tăng giá muốn tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội thì nhất định phải có sự minh bạch, rạch ròi các vấn đề liên quan.

Tác động từ 'cú đúp' tăng giá - 1

Giá điện, giá xăng tăng kéo theo ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Phú, thời gian qua vấn đề giá cũng như thị trường nhập khẩu mặt hàng xăng dầu dù đã được nhà quản lý thực hiện một cách minh bạch hơn, song vẫn ít được công khai. “Những chi phí, lợi nhuận của ngành xăng dầu vẫn còn là dấu hỏi lớn khiến cho mỗi kỳ điều hành, giá xăng dầu tăng hay giảm người dân cũng đều có thắc mắc và tâm lý xáo trộn” - ông Phú nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, việc tăng giá xăng dầu cũng là việc bất khả kháng, bởi giá xăng dầu hiện nay đã là giá quốc tế trong khi Quỹ Bình ổn giá không thể bù được mãi được. Trong khi tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay đều phải đổi mặt với tình hình biến động của giá xăng dầu. Giải pháp để giảm thiểu khó khăn cho DN được vị chuyên gia nêu ra, đó là các DN sản xuất kinh doanh phải tìm ra cách nâng cao tính hiệu quả, giảm thiểu tối đa tác động của nguyên liệu đầu vào và chi phí vận tải. Theo ông Doanh, nhà quản lý có thể khuyến khích các DN tăng cường thay đổi công nghệ, giảm chi phí vận tải bằng cách tận dụng các tuyến vận tải đường thủy, vận tải đường sắt nhiều hơn so với chi phí tăng cao của loại hình vận tải bằng đường bộ. Riêng đối với việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vị chuyên gia nêu quan điểm, cần chuyển giao cho một đơn vị độc lập quản lý để tạo sự minh bạch, công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác động từ 'cú đúp' tăng giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO