Đầu tư công vẫn mất nhiều hơn được

Thúy Hằng 09/11/2018 08:30

Dường như các tồn tại, hạn chế trong đầu tư công trung và dài hạn vẫn nhiều hơn là các kết quả đã đạt được. Tỷ trọng đầu tư công giảm xuống mức 34,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội, song việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vẫn chưa ổn định.

Đầu tư công trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 đã tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền và các dự án thuộc ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư. Việc bố trí, phân bổ vốn đã ưu tiên cho các vùng khó khăn, tỷ lệ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đối với các địa phương khó khăn chiếm gần 50%.

Theo nhận xét chung, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã khắc phục dần tình trạng bị động, đầu tư cắt khúc nhưng bên cạnh đó, còn có nhiều điểm hở. Đó là việc xây dựng danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng; xây dựng kế hoạch chưa bao quát hết các hiệp định đã ký kết, làm tăng áp lực cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ đồng vốn ODA trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH).

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư. Một số quy định của Luật Đầu tư công và văn bản hướng dẫn chưa chi tiết, chưa bảo đảm tính hợp lý. Do đây là lần đầu tiên xây dựng và thực hiện KHĐTCTH nên khó tránh khỏi việc chưa nắm vững về kế hoạch trung hạn và cách thức triển khai.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất trong câu chuyện đầu tư công hiện nay là nhiều dự án đội vốn, các địa phương xin điều chỉnh vốn dẫn đến tình trạng cân đối vốn trở nên khó khăn. Giới chuyên gia cho rằng, trong khi nguồn thu ngân sách hạn hẹp, thậm chí còn bị giảm dần thì Chính phủ phải đàm phán đi vay nợ để tìm kiếm nguồn vốn bổ sung. Bởi vậy, nếu nguồn vốn đầu tư công không cân đối vốn kịp thời sẽ sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh.

Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương còn lại trong 2 năm 2019, 2020, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí khoảng 237.000 tỷ đồng. Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách trung ương là khó khăn, để thực hiện hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, tình hình giải ngân, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn giữa vốn ODA và vốn vay trong nước, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư công vẫn mất nhiều hơn được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO