Lương và bài toán 'nợ đồng lần'

Lê Minh Long 02/09/2018 08:30

Theo Báo cáo “Tiền lương tối thiểu ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu kinh tế và hính sách (VEPR), tốc độ tăng lương tối thiểu (LTT) chung và LTT vùng tương đối cao. Cụ thể, trong hai thập kỷ qua, tốc độ tăng lương cơ sở hàng năm trung bình đạt gần 19%.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ này giảm xuống dưới 10%. Với LTT vùng, tốc độ tăng lương giai đoạn 2009 - 2016 cao hơn nhiều so với tốc độ gia tăng CPI và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tại cả 4 vùng, tốc độ tăng LTT đều đạt mức trên 20%. Tốc độ tăng tiền LTT vùng bình quân cao hơn gần 4 lần so với tốc độ tăng GDP và cao hơn 3 lần so với tốc độ tăng chỉ số giá.

Lương và bài toán 'nợ đồng lần'

Tăng lương vẫn là bài toán khó.

Năm nay, lương tối thiểu vùng tiếp tục tăng, mức lương mới cao hơn mức cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng.

Đã qua 11 lần tăng lương

Tính từ năm 2008 đến năm 2018 Chính phủ đã 11 lần điều chỉnh mức LTT trong doanh nghiệp (DN), năm 2017 mức LTT vùng bình quân là 3.138.000 tăng thêm 5,97 lần so với năm 2007 (450.000 đồng), mức tăng bình quân hàng năm là 18,52% (trong đó DN trong nước tăng bình quân là 21,85%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,18%), tốc độ điều chỉnh đều cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), tăng năng suất lao động và tốc độ tăng chỉ số giá (CPI), trong giai đoạn này GDP tăng bình quân khoảng 6,7%, năng suất lao động tăng khoảng 3,9%, CPI tăng 10,7% nếu tính chỉ số giá lương thực, thực phẩm thì tốc độ tăng bình quân khoảng gần 13%.

Nếu so với mức LTT chung trước 2011 và mức lương cơ sở hiện nay của khu vực hành chính thì mức LTT bình quân trong DN gấp 2,41 lần (3,138 tr/1,3tr), tuy nhiên nếu so với nhu cầu sống tối thiểu thì mới đáp ứng được khoảng gần 90% nhu cầu theo cách tính của bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính theo mặt bằng năm 2011 và có điều chỉnh lại vào năm 2016. Như vậy tốc độ tăng LTT trong giai đoạn vừa qua là khá cao nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Từ những con số trên cho thấy, rõ ràng Việt Nam có mức tăng LTT vùng khá cao và nhanh. Tuy nhiên phần lớn người lao động vẫn không đủ sống. Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát lương và đời sống lao động năm 2018 tại các địa phương trên cả nước. Cuộc khảo sát thực hiện ở 25 tỉnh, thành và công đoàn ngành có đông công nhân làm việc, đại diện cho 4 vùng lương, như: Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Bình Dương...Kết quả khảo sát cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay, chỉ 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm là khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Làm thêm giờ - cực chẳng đã

Theo ông Vũ Quang Thọ- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), so với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%, nhưng người lao động có dư dật và tích luỹ chỉ ở mức 17,4 %. Số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%”.

Về mức lương của người lao động hàng tháng, kết quả khảo sát cũng cho thấy, khi làm đủ giờ công, ngày công, người lao động sẽ nhận được trung bình là hơn 4,6 triệu đồng.

Lương và bài toán 'nợ đồng lần' - 1

Thống kê từ các DN khảo sát, tiền lương cơ bản trung bình của người lao động sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng (Vùng I là 4,76 triệu; vùng II là 4,57 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng; vùng IV là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng là 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người Việt Nam là 9,5 triệu đồng. Lao động và quản lý người nước ngoài là 30,3 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân người lao động, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Cụ thể, có tới có 44,0% người lao động được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ), với số tiền nhận được trung bình 832.000/người/tháng.

Theo ông Thọ, thực tế người lao động bị buộc phải làm thêm giờ chứ không thích thú gì, bởi mức lương còn thấp.

Cần những đột phá mạnh mẽ

Để giải quyết triệt để câu chuyện “lương tăng nhưng không đủ sống” đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ LTT vùng.

Về lý thuyết kinh tế, trong trường hợp mức LTT thấp hơn so với mức lương phổ biến trên thị trường thì việc áp dụng LTT không có nhiều tác động. Trường hợp mức LTT cao hơn so với mức cân bằng của thị trường thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế, bởi sẽ có nhiều lao động bị thất nghiệp hơn và DN cũng sẽ thu hẹp sản xuất do không thể thuê mướn lao động với mức chi phí mong muốn. Tuy nhiên, LTT vẫn được áp dụng phổ biến ở hầu hết các quốc gia để bảo vệ người lao động yếu thế.

Đối chiếu với các điều kiện trên, có thể thấy việc áp dụng LTT hiện nay ở Việt Nam tồn tại nhiều bất cập như chỉ áp dụng đối với người có hợp đồng lao động mà chưa chú trọng tới hơn 50% lao động làm việc tại khu vực hộ gia đình, lao động tự do và hàng triệu công chức. Ngoài ra, mức LTT hiện nay chủ yếu đóng vai trò là mức “sàn” để DN, người lao động đóng các khoản nghĩa vụ tài chính bắt buộc. Chính vì vậy theo nhiều chuyên gia cần đưa LTT về đúng với bản chất thật của nó. LTT phải được áp dụng đối với tất cả tầng lớp lao động, kể cả đối với công chức nhà nước. Việc áp dụng mức LTT phải phù hợp với tình hình thực tế năng suất lao động, cung - cầu lao động trên thị trường lao động và mức sống thực tế người lao động. Ngoài ra, nên quy định lương tối thiểu theo giờ lao động, thay vì áp dụng theo tháng để làm căn cứ tính các nghĩa vụ tài chính như hiện nay. Đặc biệt, đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất là đối tượng lao động yếu thế, đang làm việc tại khu vực hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do... có mức lương thấp.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, trong các nền kinh tế thị trường, cần lưu ý rằng điều chỉnh lương cần được thực hiện thông qua đàm phán tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là thương lượng tập thể giữa các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động (và các tổ chức của họ, khi thích hợp). Chính phủ tránh can thiệp trực tiếp vào việc điều chỉnh lương trong các DN tư nhân. Ở rất nhiều nền kinh tế thị trường tiên tiến, phần đa tiền lương của người lao động được điều chỉnh bằng các thỏa ước tập thể, được đàm phán thông qua thương lượng tập thể.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 27) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN. Theo đó đối với khu vực DN, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức LTT vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong DN nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương và bài toán 'nợ đồng lần'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO