Tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu

Hồ Hương 20/08/2019 08:00

Việc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC đặt ra nhiều tín hiệu khả quan trong đại cuộc xử lý nợ xấu.

Tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu

Một biếm họa cho thấy xử lý nợ xấu vẫn rất khó khăn.

Sẽ sớm có thị trường mua bán nợ tập trung

Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh lớn của ngân hàng khi ảnh hưởng của nó là khiến cho dòng tiền bị tắc nghẽn.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2019 của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn, tính đến ngày 30/6/2019, tổng nợ xấu của 17 ngân hàng ở mức gần 81,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối tháng 6 đã tăng 5,5% so với đầu năm, lên mức hơn 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2018 ở mức 55,8%.

Mục tiêu xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu luôn được đặt ra hàng đầu. Bản thân VAMC cùng nhiều ngân hàng đang ráo riết bắt tay xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Do vậy việc thành lập Câu lạc bộ AMC được kỳ vọng rất nhiều trong tiến trình giảm nợ xấu. Được biết, câu lạc bộ đã nhận được sự thống nhất thành lập của 20 thành viên tham gia (VAMC và 19 công ty AMC).

Theo dự kiến, tháng 9/2019 câu lạc bộ sẽ ra mắt và tháng 12/2019 sẽ Tổ chức Hội nghị câu lạc bộ AMC lần thứ nhất. Mục đích hoạt động của Câu lạc bộ này là tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng, để gỡ nợ xấu thì việc thành lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung là điều quan trọng nhất. Vì hiện nay việc xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó có việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất do có sự khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức thẩm định giá. Điều này gây khó khăn cho bên mua, bên bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù họp cho giao dịch mua, bán nợ.

Sau khi mua các khoản nợ, bên mua nợ thực hiện quản lý, khai thác và vận hành TSBĐ cũng như rủi ro thanh khoản liên quan tới các TSBĐ này. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp. Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.

Kiến nghị nhiều giải pháp

Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của DN nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB và nghĩa vụ nộp thuế; Xem xét, nghiên cứu, bổ sung trường hợp việc sang tên, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu (xác định theo Nghị quyết 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ xấu (xác định theo Nghị quyết số 42) theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi tổ chức tín dụng, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42. Với kết quả này, sau gần 2 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, ước tính đã xử lý được gần 52% số nợ xấu (được xác định theo Nghị quyết 42).

Báo cáo hồi tháng 3 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO