Vị trí nào phù hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?

Hồ Hương 29/07/2019 23:00

Vị trí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục được đưa ra  lấy ý kiến góp ý tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Tại Dự thảo này, Bộ Tài chính vẫn đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức UBCK trực thuộc Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, lý do giữ nguyên là vì mô hình này đã phát huy được hiệu quả trong quản lý và điều hành (thể hiện ở việc thị trường chứng khoán đã có những tăng trưởng vượt bậc trong những năm vừa qua); việc duy trì mô hình tổ chức bộ máy UBCK thuộc Bộ Tài chính đảm bảo được yêu cầu tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực...; phù hợp với mô hình tổ chức của UBCK tại nhiều nước, phù hợp với điều kiện, đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam...

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến không đồng tình với đề xuất trên, thay vào đó kiến nghị nên để UBCK độc lập và trực thuộc Chính phủ để có thêm thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn.

Theo bà Vũ Thị Kim Liên- nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN, kể từ năm 2004, khi UBCKNN được đưa về Bộ Tài chính, Uỷ ban đã được hỗ trợ rất nhiều để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, phát triển tốt. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, bà Liên cho rằng có thể xem xét lại vị thế của UBCKNN trước yêu cầu của hội nhập quốc tế theo hướng để UBCKNN tách khỏi Bộ Tài chính.

Còn ông Nguyễn Thanh Kỳ- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng, để TTCK Việt Nam có sự bứt phá, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế, thì UBCK cần phải được độc lập hoàn toàn. Hiện nay trong 128 quốc gia trên thế giới có TTCK thì có tới 121 quốc gia có cơ quan quản lý thị trường chứng khoán độc lập. Theo ông Kỳ, đây là điều kiện, là tiền đề tốt cho mở rộng thị trường, để thị trường phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó ông Vũ Bằng- nguyên Chủ tịch UBCKNN cho rằng dù thế giới có nhiều mô hình khác nhau về vị trí của UBCKNN, có thể độc lập hay trực thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương… thì để điều hành thị trường hiệu quả điều quan trọng là thẩm quyền được quy định tốt. “Vấn đề là tăng quyền hạn, tạo đủ thẩm quyền cho Uỷ ban xử lý các tình huống. Còn trong bối cảnh hiện nay, việc đưa UBCKNN ra độc lập sẽ rất khó”- theo ông Bằng.

Trên thực tế, với quy định hiện nay, UBCKNN chỉ có thể thực hiện quyền yêu cầu đối tượng nghi vấn cung cấp thông tin, tài liệu. Nhưng không có các quyền yêu cầu buộc đối tượng đến làm việc. Giới chuyên gia cũng cho rằng, điều cần thiết hơn trong thời gian tới là cần nâng cao thẩm quyền cho UBCK trong việc giám sát thị trường; tạo cơ chế xử lý CTCK hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị trí nào phù hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO