Tái diễn lừa đảo 'việc nhẹ, lương cao'

Hoàng Chiến 23/03/2023 07:42

Tình trạng phát tán tin nhắn trên mạng xã hội có nội dung tuyển dụng việc làm với thù lao hậu hĩnh đang diễn biến phức tạp trở lại. Thế nhưng, không ít lao động, đặc biệt là những lao động trẻ như học sinh, sinh viên vẫn… “sập bẫy”.

Tái diễn chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.

Bẫy “miếng mồi ngon”

Tình trạng lừa đảo dưới dạng tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” đã xuất hiện trong một thời gian dài, tuy nhiên gần đây tình trạng này tiếp tục “nóng” trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng cách thức lừa đảo.

Theo đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng tin tuyển dụng hoặc thực hiện các tin nhắn, cuộc gọi mạo danh để thu hút con mồi. Trong đó, thủ đoạn này chủ yếu tập trung vào việc tiếp cận những người có nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online bằng những công việc đầy hứa hẹn với mức lương cao nhưng yêu cầu thấp. Những công việc thường được các đối tượng này sử dụng như: Nhân viên chốt đơn; nhân viên xử lý đơn hàng, cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử; nhân viên thu âm,…

Sau khi nạn nhân đã chấp nhận “làm việc”, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ “làm nhiệm vụ” để nhận hoa hồng. Thông thường, các nhiệm vụ này đều rất đơn giản như like, share cho một kênh, tài khoản mạng xã hội nào đó qua các ứng dụng hoặc website trung gian. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, người tham gia sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để tạo niềm tin.

Tiếp đó, các gói nhiệm vụ có giá trị cao, hoa hồng nhiều hơn sẽ lần lượt được đưa ra. Người dùng sẽ buộc phải mua các gói nhiệm vụ cao hoặc giới thiệu người cùng tham gia để có thể rút được tiền. Nạn nhân lúc này với tâm lí muốn có được tiền sẽ sẵn sàng giới thiệu người thân, bạn bè hoặc nạp tiền vào để thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi người tham gia mua những gói nhiệm vụ có giá trị rất lớn hoặc nhận ra mình có dấu hiệu bị lừa đảo, các app, website sẽ liên tục báo lỗi hoặc ngừng hoạt động, các đối tượng lừa đảo cũng “cao chạy xa bay”. Còn nạn nhân lúc này mới “ngã ngửa” khi biết mình bị lừa.

Mạnh tay xử lí

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, tình trạng lừa đảo thông qua mạng xã hội dưới chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” đã không còn mới. Tuy nhiên, đánh vào lòng tham, nhu cầu tìm việc của các đối tượng như học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp, người kém hiểu biết,… chiêu thức này vẫn có tác dụng. Minh chứng cho điều đó là số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên cả nước.

“Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.

Nếu tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp gọi điện đe dọa ép người nghe điện thoại phải chuyển tiền nếu không sẽ làm hại đến họ và gia đình họ thì có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đây chỉ là số ít ví dụ về thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, thực tế còn rất nhiều chiêu trò khác nữa” - Luật sư Hùng nhận định.

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khung hình phạt theo quy định hiện hành như vậy chưa thực sự đủ sức răn đe.

Bởi theo phân tích của Luật sư Đoàn, thực tế ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, số tiền chiếm đoạt từ lớn tới rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh trật tự, ổn định xã hội mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn cho biết, việc xử lý nghiêm cũng như tăng cường các biện pháp đối với các đối tượng lừa đảo này trong thời gian tới là điều cần thiết.

Ngoài ra, mỗi người dân cần tuyên truyền, chia sẻ cho gia đình, bạn bè, những người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để mọi người nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh.

Đặc biệt, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cơ quan công an nhanh chóng nắm bắt thông tin, xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật và có thông báo, cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo mới.

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), các bài đăng quảng cáo lừa đảo trên mạng xã hội hoặc thông qua tin nhắn, cuộc gọi đã nở rộ một thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lí dứt điểm. Đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng tham hoặc sự sợ hãi của người dùng,… để dụ dỗ người dân tham gia. Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, hoạt động theo hội nhóm trên Zalo, Telegram... nhằm lôi kéo người dân để dễ dàng lừa đảo hơn. Thậm chí, chúng còn tạo ra những tải khoản ảo giả danh người dùng rồi chụp hóa đơn nhận hoa hồng với giá trị cao nhằm tạo lòng tin với người tham gia. Do đó, khi nhận được tin nhắn quảng cáo mang tính chất lừa đảo, kiếm tiền, đầu tư hay bất kỳ sự nghi ngờ nào, người dùng cần phải chặn ngay số điện thoại và chuyển thông tin đó lên trang web chongthurac.vn của Chính phủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái diễn lừa đảo 'việc nhẹ, lương cao'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO