Tái hiện hai tác phẩm văn học kinh điển trên sân khấu kịch

Cao Ngọc (thực hiện) 14/12/2021 09:00

Sân khấu Lệ Ngọc vừa khởi công cùng thời điểm hai vở diễn là “Vụ án người đốt đền” (đạo diễn Lê Quý Dương) và “Vang bóng một thời” (đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai). Đây là những vở diễn kinh điển dựa trên các tác phẩm văn học kinh điển của văn học thế giới và Việt Nam.

Nhân dịp này, nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất, chỉ đạo nghệ thuật của hai tác phẩm đã có những chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết.

Nghệ sĩ Văn Hải.

PV:Ông có thể cho biết lý do sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng hai vở diễn trong thời điểm bây giờ, dịch bệnh đang vẫn còn rất phức tạp?

Nghệ sĩ Văn Hải: Tình hình dịch Covid-19 nên các sân khấu gần như phải đóng cửa. Để khơi nguồn và giữ lửa đam mê của các nghệ sĩ, sân khấu Lệ Ngọc quyết định dựng hai vở có tầm cỡ. Vở “Vụ án người đốt đền” của tác giả người Nga Grigorin và “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Hiếu cảm tác từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân. Chúng tôi đã ấp ủ hai vở này từ rất lâu, nay quyết định dàn dựng trong dịp này, cũng là để chuẩn bị cho ngày bình thường trở lại, có tác phẩm mới phục vụ công chúng.

Kịch mục của sân khấu Lệ Ngọc có nhiều mảng từ dân gian, thiếu nhi, kịch lịch sử... Với “Vụ án người đốt đền” là kịch bản nổi tiếng từng được Nhà hát Kịch Việt Nam cách đây mấy chục năm đã dàn dựng, biểu diễn rất thành công, nay chúng tôi dựng để thể nghiệm những cái khó của kịch bản đó. Lần dựng của Nhà hát Kịch Việt Nam là có những “cây đa cây đề” cả diễn viên lẫn đạo diễn như NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng… Vì thế, đây cũng là áp lực với vở diễn dàn dựng sau. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm dựng để đào luyện cho diễn viên của sân khấu Lệ Ngọc có dịp thử nghiệm những gì mới mẻ, mong muốn mang tới cho khán giả một cách nhìn mới, một cách làm mới kịch bản này.

Còn với kịch bản vở diễn “Vang bóng một thời” dựa trên truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân thì có những nét đẹp đi vào lòng người, rất xứng đáng được đưa lên sàn diễn. Cũng là cái khó, khiến nhà văn Nguyễn Hiếu phải viết đi viết lại mới có thể lột tả được tinh thần của truyện ngắn này.

Với kịch bản quá nổi tiếng của vở “Vụ án người đốt đền”, đạo diễn trẻ Lê Quý Dương có cách tiếp cận như thế nào?

Đạo diễn Lê Quý Dương gần như đã viết lại kịch bản gốc cho ngắn gọn, xúc tích hơn, gần gũi hơn với thời đại hiện nay. Vì kịch bản được tác giả người Nga viết những năm 70 của thế kỷ trước, nhìn lại sự kiện từ thời cổ đại, nay ta lại từ góc nhìn của người thế kỷ XXI nhìn vào kịch bản và sự kiện đó. Do đó vở diễn sẽ có khá nhiều khác biệt. Cũng xin nói thêm về hai đạo diễn tham gia 2 vở diễn lần này. Đây đều là những “người trẻ” với sân khấu và đã từng tham gia dàn dựng cho sân khấu Lệ Ngọc và chúng tôi ghi nhận những cố gắng, những sáng tạo của họ nên mời hai đạo diễn tiếp tục cộng tác cho lần khởi công này. Sân khấu Lệ Ngọc luôn chào đón các đạo diễn trẻ để cùng với tập thể nghệ sĩ của đơn vị có được những tác phẩm hay, đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

Các nghệ sĩ tham gia vở “Vụ án người đốt đền” nghiên cứu kịch bản.

Vậy thông điệp được gửi gắm qua hai vở diễn là gì?

Tôi cùng đạo diễn Lê Quý Dương có cùng ngồi để tìm phương hướng thực hiện vở diễn thì đều nhận ra, kịch bản “Vụ án người đốt đền” tố cáo những kẻ hèn kém nhưng muốn ghi tên mình vào sử sách nên đã gây ra những tội ác phi nhân loại, hủy hoại cái đẹp để buộc người đời sau phải nhớ đến chúng. Trong khi đó, hiện nay vẫn có những người đã nổi tiếng mà lại dựa vào sự nổi tiếng để thực hiện những việc xấu. Vì vậy, vẫn có thể cảnh báo bằng câu chuyện kịch cổ xưa này. Còn với kịch bản “Vang bóng một thời” với nhà văn Nguyễn Hiếu lại là sự phản biện lại với vở diễn trên, nó tìm thấy sự trân trọng cái đẹp từ những con người làm những nghề như đao phủ mà vẫn xin và gìn giữ chữ của tử tù.

Sau một năm đầy khó khăn, nhưng sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tục cho ra vở mới, vậy kế hoạch tương lai của đơn vị là gì?

Sân khấu Lệ Ngọc đã có hàng chục lễ khởi công, nhưng với cá nhân tôi, đây là lễ khởi công đáng nhớ nhất vì nó hội tụ được tất cả những “cây đa cây đề” của các thể loại sân khấu như Chèo, Cải lương, Rối… Ví dụ như NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSƯT Lê Chức - nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa Rối Trung ương...

Bản thân NSƯT Lê Chức cũng chia sẻ rất vui được tham gia, diễn trên sàn diễn dù tuổi đã ở độ “thất thập cổ lai hy”. Còn NSND Tiến Dũng thì khẳng định, chuyên ngành anh học là diễn viên, vì thế, trở lại với nghề thủa ban đầu đeo đuổi, cùng đứng trên sàn diễn với các bậc tiền bối là niềm hạnh phúc rất lớn của nghệ sĩ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái hiện hai tác phẩm văn học kinh điển trên sân khấu kịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO