Taliban và còn gì nữa?

Thanh Đức (tổng hợp) 30/08/2021 07:38

Ngày 28/8, Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi kêu gọi các nước trong khu vực hỗ trợ thành lập một chính phủ bao gồm tất cả các nhóm sắc tộc và chính trị ở Afghanistan. Ông Raisi đã nói điều đó trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pakistan khi ông này có chuyến thăm Tehran.

Tuy nhiên, đó là điều rất khó khi mà Taliban trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát Afghanistan, kể từ ngày 16/8 khi các tay súng lực lượng này tiến vào Thủ đô Kabul, kết thúc gần 3 tháng giao tranh với đội quân rệu rã của ông Ashraf Ghani. Và chiến dịch cuối cùng của Taliban cũng chỉ diễn ra 11 ngày là kết thúc.

Ngổn ngang khó khăn đang đợi đất nước Afghanistan. Nhưng quan trọng trọng nhất lúc này là việc thành lập chính phủ. Một mình Taliaban “độc quyền lãnh đạo” hay là một chính phủ liên hiệp nhiều thành phần? Đó là vấn đề đang nhận được sự chú ý của dư luận quốc tế.

Vậy, hiện tại Afghanistan có những lực lượng chính trị nào, và vị trí của từng lực lượng ra sao? Giới quan sát cho rằng, cuộc chiến quyền lực tại Afghanistan trước mắt (cụ thể là sau ngày 31/8 khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ về nước) cũng như lâu dài là giữa Taliban, ISIS-K (Khorasan), al-Qaeda và Liên minh phương Bắc (NRF).

1.Taliban

Taliban hình thành từ năm 1994 và đã kiểm soát Kabul vào tháng 9/1996, từ đó lãnh đạo Afghanistan trong vòng 5 năm. Sự lãnh đạo này chấm hết sau sự kiện tấn công khủng bố bằng máy bay ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ, do Mạng lưới al-Qaeda tiến hành. Tổng thống Mỹ khi đó, ông George W.Bush kêu gọi Taliban giao nộp các thủ lĩnh của al-Qaeda đang ẩn náu ở nước này, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng Taliban đã từ chối. Vì thế, ông W.Bush liền hành động với Chiến dịch “Tự do bền vững”, nhắm vào Taliban và al-Qaeda bằng các cuộc tấn công quân sự trên đất Afghanistan.

Ngày 7/10, Chiến dịch “Tự do bền vững” bắt đầu với các đợt ném bom vào các lực lượng của Taliban. Ngày 13/11, Kabul thất thủ. Ngày 7/12, lực lượng này để mất thành trì cuối cùng là Kandahar, đặt dấu chấm hết cho chế độ của Taliban. Ngay sau đó, lực lượng Liên minh phương Bắc do Mỹ hậu thuẫn tiến vào Kabul, Taliban phải rút về phía Nam. Tuy nhiên, trong 20 năm kế tiếp, Taliban dần xây dựng lại lực lượng và đến khi phát động tấn công vào lực lượng quân chính phủ kể từ đầu tháng 5/2021 thì họ đã có tới 100.000 tay súng.

Theo CNN, nhân vật đang dẫn dắt Taliban là Haibatullah Akhundzada, một giáo sĩ. Phó tướng của ông Akhundzada là Abdul Ghani Baradar - người hiện đứng đầu ủy ban chính trị của Taliban. Ông Baradar đã quay trở lại Afghanistan vào ngày 17/8, sau 20 năm sống lưu vong với tuyên bố một hội đồng gồm 20 thành viên cấp cao nhất sẽ đảm nhận vai trò lựa chọn các lãnh đạo của Taliban.

2.Al-Qeada

Với al-Qaeda, cũng kể từ năm 2001 khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan thì mạng lưới này tan nát. Tuy nhiên, Douglas London, cựu lãnh đạo bộ phận chống khủng bố ở Nam Á và Tây Nam Á của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ năm 2016-2018, cho biết trong 5.000 trường hợp được Taliban thả tại căn cứ không quân Bagram gần đây có nhiều thành viên al-Qaeda. Theo ông London, những trường hợp này có khả năng tái tập hợp những gì còn sót lại của al-Qaeda ở Afghanistan và một số quốc gia trong khu vực. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng thừa nhận rằng, al-Qaeda vẫn hiện diện ở Afghanistan.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc cho rằng, các lãnh đạo cấp cao của al-Qaeda vẫn có mặt tại Afghanistan cùng hàng trăm tay súng. Đáng chú ý, theo giới quan sát trong khu vực thì Taliban vẫn “khá thân thiết” với al-Qaeda.

3.ISIS-K

Một lực lượng đáng kể nữa là ISIS-K, đã tự nhận tiến hành 2 vụ đánh bom liều chết và nổ súng vào đám đông khi họ đang đổ về sân bay Kabul, ngày 26/8, khiến 170 người Afghanistan, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Chữ cái “K” trong cụm ISIS-K là từ viết tắt của Khorasan - nhánh của IS ở Pakistan và Afghanistan. Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ đã cảnh báo về sự lớn mạnh của ISIS-K cũng như sự liều lĩnh của tổ chức này khi thực hiện nhiều vụ tấn công. Một quan chức tình báo Mỹ từng chia sẻ với CNN rằng lực lượng của ISIS-K còn bao gồm cả các cựu phiến quân thánh chiến tại Syria cùng nhiều kẻ khủng bố nước ngoài.

Trong một báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây đã đề cập: “ISIS-Khorasan đã lợi dụng bất ổn chính trị và bạo lực gia tăng trong thời gian qua bằng cách tấn công các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của cộng đồng tôn giáo thiểu số nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi”. Điều đó cho thấy ISIS-K muốn thể hiện là kẻ cạnh tranh sức mạnh với Taliban, mặc dù có quy mô khá nhỏ.

4.Liên minh phương Bắc (NRF)

Một lực lượng đáng kể nữa là Liên minh phương Bắc, ở miền Bắc Afghanistan và được coi là “hậu duệ” của Liên minh phương Bắc được Mỹ ủng hộ cách đây 20 năm, với tên gọi Mặt trận Quốc gia kháng chiến (NRF), do Ahmad Massoud lãnh đạo. Cha của Massoud là ông Ahmad Shah Massoud- cựu lãnh đạo Liên minh phương Bắc bị Taliban ám sát ngay trước vụ khủng bố do al-Qaeda tiến hành 11/9/2001 trên đất Mỹ.

NRF có 9.000 thành viên, thời gian gần đây liên tục lên tiếng “ tránh thêm đổ máu tại Afghanistan” và kêu gọi thành lập một bộ máy chính phủ mới. Tuy nhiên, trong khi đó, qua bài đăng trên tờ The Washington Post ngày 19/8, thủ lĩnh của NRF đã kêu gọi Mỹ ủng hộ vũ khí. Và rằng, nếu Taliban không đàm phán thì sẽ đối mặt với sự kháng cự trên khắp đất nước.

Như vậy, việc có được một chính phủ mới của Afghanistan không dễ dàng gì. Cuộc tranh giành quyền lực ở đất nước này đã diễn ra từ lâu, khi các nhóm khác nhau được cho là có sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Vì thế, Taliban cho dù “có công” khi đánh đổ chính phủ của ông Ashraf Ghani thì cũng không dễ tự mình thành lập được chính phủ, trong khi các nhóm còn lại cũng đều là các nhóm vũ trang.

Ngày 28/8, Taliban tuyên bố chuẩn bị thành lập chính phủ mới ở Afghanistan khi cuộc sơ tán của Mỹ sắp kết thúc. Reuters ban đầu dẫn lời Mujahid - phát ngôn viên chính của phong trào Taliban nói rằng “nội các mới sẽ được thành lập trong vòng một hoặc hai tuần”. Ông Mujahid cũng cho biết, một số quan chức đã được bổ nhiệm để điều hành các tổ chức quan trọng bao gồm các Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Nội vụ và Ngân hàng Trung ương. “Khó khăn kinh tế sẽ được giảm bớt khi có chính phủ mới” - ông Mujahid nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Taliban và còn gì nữa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO