Tầm nhìn và Chiến lược vaccine

Quang Ngọc 12/07/2021 06:30

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta từ trước tới nay đã chính thức bắt đầu với mục tiêu từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 tiêm chủng cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18. Đó là nỗ lực và cũng là quyết tâm hết sức lớn lao của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dự Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, ngày 10/7. Ảnh: TTXVN.

Để thực hiện mục tiêu ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã làm hết sức mình để đưa vaccine về Việt Nam. Theo Bộ Y tế, trong năm nay, chúng ta sẽ có 105 triệu liều vaccine và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Riêng trong tháng 7/2021, hơn 8 triệu liều vaccine được chuyển về, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều ca nhiễm mới phát hiện trong ngày, trong đó có nhiều ca phải truy tìm nguồn gốc lây bệnh.

Tại Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc, ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.

Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine. Trong đó có việc tìm kiếm các nhiều nguồn để mua vaccine, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, cùng đó là đẩy nhanh việc nghiên cứu, điều chế vaccine của chính chúng ta.

Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ vaccine đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở trong và ngoài nước, của cộng đồng doanh nghiệp thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Đến nay Quỹ vaccine đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vaccine phục vụ nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, vaccine sẽ được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại TP HCM, vaccine sẽ được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân thành phố, cùng với một số tỉnh có dịch ở phía Nam.

Như vậy, ngay trong tháng 7 này và những tháng tiếp theo, vaccine sẽ về nước nhiều. Vì thế, việc tổ chức điều phối và tiêm phải thật tốt. Chúng ta đã xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh, kịp thời, an toàn và hiệu quả. Hiện kế hoạch tổ chức tiêm vaccine tại chỗ cũng như tiêm lưu động đã và được chuẩn bị kỹ lưỡng, không để phí dù chỉ là một liều vaccine.

Những nỗ lực của Chính phủ được toàn thể nhân dân ghi nhận, trân trọng. Người dân kỳ vọng Chiến lược vaccine lớn nhất lịch sử lần này sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, để đất nước sớm có miễn dịch cộng đồng, từ đó bật lên phát triển, “lấy lại những gì đã mất”.

Trong 3 lần bùng phát dịch Covid-19 (kể từ đầu năm 2020) và ngay cả trong đợt bùng phát dịch lần này (tính từ ngày 27/4), Đảng, Nhà nước luôn có những phương án sáng suốt, những kế hoạch cụ thể, sát thực tế. Chính vì thế, dịch bệnh đã sớm được kiểm soát. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, người dân cả nước đồng hành cùng Chính phủ trong tất cả các giai đoạn của cuộc chiến chống Covid-19.

Chính từ sự quyết tâm, từ nhận diện tình hình chính xác, từ phương pháp đúng và sự đồng lòng, năm 2020 cho dù kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thì GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương hơn 2,9%. Năm nay, khó khăn nhiều hơn do biến chủng Delta lây lan nhanh, nhưng 6 tháng đầu năm tổng sản phẩm trong nước vẫn tăng 5,64%.

Đối diện với những khó khăn mới, không để dịch Covid-19 phá hủy những thành quả đã đạt được, thì cùng với những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine. Vì vaccine chính là vũ khí hữu hiệu để tiêu diệt virus.

Để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử thành công, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, công tác tiêm chủng luôn quán triệt tinh thần đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, đảm bảo “tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

Bộ trưởng kỳ vọng, từ chiến lược tiêm chủng rộng khắp và thần tốc này, chúng ta sẽ hình thành mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này khi điều kiện cho phép.

Tuy nhiên, cũng không thể ngay một lúc có thể tiêm chủng cho tất cả mọi người, vì thế các biện pháp phòng ngừa Covid-19 vẫn cần tiếp tục được áp dụng, đẩy mạnh, mà trước hết là quy định “5K” của Bộ Y tế. Những địa phương chưa có dịch hoặc dịch tạm lắng vẫn cần phải đề cao cảnh giác.

Đặc biệt, tại những địa phương có dịch, cần phải nghiêm túc tiến hành truy vết, xét nghiệm, phong tỏa, giãn cách, cách ly. Điều đó đem tới một số bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt, làm việc nhưng buộc phải làm vì sức khỏe cộng đồng, vì không thể để nền kinh tế bị gãy đổ.

Người dân đồng lòng cùng Chính phủ, chấp nhận khó khăn trước mắt vì mục tiêu lớn hơn rất nhiều: Dịch Covid-19 sớm được khống chế, đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường. Trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch, có vai trò rất lớn của Tổ Covid cộng đồng, trong đó có đóng góp nổi bật của cán bộ Mặt trận các cấp trong việc vận động nhân dân, bảo đảm việc kiểm soát lây lan dịch ngay từ cơ sở.

Ngay trong lúc tưởng chừng khó khăn nhất, thì ánh sáng của hy vọng đã bùng lên khi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử nước nhà đã chính thức khởi động. Nguồn sáng hy vọng đó càng giúp chúng ta vững niềm tin, càng kề vai sát cánh đồng lòng vượt qua khó khăn để tiến về phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn và Chiến lược vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO