Dự án đường Vành đai 4 có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội Vùng Thủ đô. Đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện có diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn. MTTQ các cấp thành phố Hà Nội đã thường xuyên nắm tình hình, lắng nghe ý kiến, tích cực hỗ trợ để người dân yên tâm thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng, góp phần đảm bảo để dự án có thể khởi công trong tháng 6/2023.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, MTTQ các quận, huyện, nhất là tại những địa bàn có Dự án đi qua như: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín đã tích cực tổ chức tuyên truyền tới hệ thống đoàn viên, hội viên, nhân dân địa phương về chủ trương, ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính cấp bách của triển khai Dự án; tuyên truyền các nội dung Luật Đất đai liên quan thu hồi và giải phóng mặt bằng (GPMB) với hình thức phong phú...
MTTQ và các tổ chức thành viên đã cử cán bộ trực tiếp tham gia là thành viên Ban chỉ đạo triển khai Dự án và thành viên Tổ công tác tuyên truyền; phối hợp Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện và Ban chỉ đạo xã, phường tổ chức hội nghị trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương chính sách pháp luật, quy định của thành phố và kế hoạch của UBND quận, huyện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di chuyển mộ, GPMB thực hiện Dự án...
Huyện Mê Linh là địa bàn có dự án đi qua 11,2km, chiếm tỷ lệ 19% của thành phố. Dự án đi qua 5 xã (12 thôn) với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 141,5ha của gần 2.700 hộ. Ông Hoàng Văn Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh cho biết, thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể của huyện đã phối hợp chặt chẽ cùng UBND cùng cấp để triển khai dự án. MTTQ 5 xã đã tham dự các buổi họp dân, kịp thời nắm bắt dư luận nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi vào dự án. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân; tại hội trường UBND xã khi họp, đối thoại cùng bà con nhân dân; đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của dự án đường Vành đai 4.
“Về cơ bản, bà con nhân dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương đầu tư dự án. Công tác kiểm đếm, duyệt dự án, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp diễn ra thuận lợi, các vướng mắc, kiến nghị của các hộ dân đã được các tổ công tác giải quyết kịp thời, đúng quy định…” - ông Tân cho biết.
Còn ông Đỗ Đức Hợi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Khai, huyện Hoài Đức cho biết, Dự án đường Vành đai 4, đoạn qua huyện Hoài Đức có chiều dài 17,1km, đi qua 12 xã, trong đó, đoạn qua xã Minh Khai có chiều dài khoảng 0,5 km; ảnh hưởng 5,86ha liên quan đến 152 hộ gia đình, cá nhân và đi qua Nghĩa trang nhân dân Ụ pháo, xã Minh Khai với diện tích 3.915m2 và di chuyển khoảng 303 ngôi mộ.
“Đến nay, xã đã chi trả kinh phí bồi thường hỗ trợ 152/152 hộ dân có đất trong phạm vi thu hồi với tổng diện tích 47.595,7m2; chi trả kinh phí hỗ trợ di chuyển mộ chí của 110 hộ gia đình. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với đất và mộ chí khoảng 54,6 tỷ đồng” – ông Hợi chia sẻ.
Ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, xác định GPMB và tái định cư là công việc khó, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp thành phố đã tích cực cùng chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong diện cần GPMB đồng thuận thực hiện, phấn đấu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
“Ủy ban MTTQ quận, huyện và các tổ chức thành viên cũng chủ động trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường, xã có Dự án đi qua nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, dư luận cán bộ và các tầng lớp nhân dân, từ đó tham mưu đề xuất phương án giải quyết, gỡ ngay khó khăn vướng mắc; báo cáo kịp thời Thường trực Quận, Huyện ủy và Ban chỉ đạo thực hiện Dự án. Qua nắm bắt cho thấy, dư luận bày tỏ đồng tình việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4 và mong sớm được khởi công, hoàn thành, tạo không gian phát triển Thủ đô” - ông Trường khẳng định.