Dự án 3 về “Hỗ trợ phát triển sản xuất là một dự án thành phần” bao gồm nhiều hoạt động với nhiều cơ chế, chính sách. Để triển khai hiệu quả Dự án 3, tỉnh Sơn La đã tăng cường công tác tuyên truyền để chính quyền cơ sở và người dân hiểu đúng, hiểu đủ về chính sách có ý nghĩa then chốt.
Là tỉnh có đông đồng bào DTTS, Sơn La là một trong những địa phương có địa bàn đăc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 126 xã khu vực III và 1.449 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT. Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, tỉnh Sơn La có 112 xã khu vực III và 1.408 thôn đặc biệt khó khăn.
Với điều kiện đó, những năm qua, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhờ triển khai đúng đối tượng, trúng nhu cầu và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của các chính sách nên các dự án hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đem lại kết quả rất tích cực, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ các Chương trình MTQG 1719 đã được triển khai đồng bộ, hỗ trợ theo hướng sản xuất kết nối với thị trường, gắn việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước với vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội và vốn đối ứng của người dân. Công tác tuyên truyền được chú trọng, người dân nắm bắt được chính sách nên đã phát huy hiệu quả trong giảm nghèo, tăng giàu ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Từ năm 2021, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cùng với các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi từ nguồn ngân sách Nhà nước cơ bản đã được tích hợp vào Chương MTQG 1719. Theo ông Lường Văn Toán, sau gần 3 năm triển khai, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 đã được các địa phương trên toàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Cũng như các giai đoạn trước, để thúc đẩy phát triển vùng “lõi nghèo” của tỉnh, cùng với đầu tư hạ tầng kinh tế thì việc hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS là giải pháp trọng tâm, được tỉnh đặc biệt quan tâm khi triển khai Chương trình MTQG 1719. Sau khi được Trung ương giao vốn, căn cứ vào Nghị quyết về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết phân bổ vốn năm 2022 - 2023. Ngày 2/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UBND giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG 1719 để triển khai, trong đó có Dự án 3.
Để triển khai Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phân cấp cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần và tiến độ giải ngân nguồn vốn… Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS để tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng là giải pháp để chính quyền cơ sở và người dân hiểu đúng, hiểu đủ cơ chế để triển khai hiệu quả trong thực tiễn.