Tăng sức chống chịu trước áp lực lạm phát

An Hà 03/08/2022 07:27

Tại cuộc họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương, chiều ngày 1/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, kết quả giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu (hơn 22% tính đến hết tháng 7/2022), thấp hơn bình quân chung cả nước (34,47%). Một lần nữa việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như kiềm chế lạm phát, kéo giảm giá các loại hàng hóa lại được đặt ra.

Giá xăng dầu giảm 4 lần liên tiếp nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn neo cao. Ảnh: Khả Hòa.

“Bơm” vốn vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến 30/6/2022, giá trị giải ngân đạt khoảng 22.689 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch giao (thấp so với bình quân cả nước khoảng 29,1% kế hoạch).

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được đặt ra, trong đó có việc áp dụng một số quy định còn lúng túng, vướng mắc; khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Nói như Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thì “khó khăn vẫn là câu chuyện giải phóng mặt bằng, mà lớn nhất là việc xác định nguồn gốc đất”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết hiện Bộ đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định sửa nhiều Nghị định để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ ban hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, thúc đẩy đầu tư và giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác.

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành phải rất chú trọng từ khâu đầu tiên, từ đăng ký dự án đầu tư đến xây dựng đề án, phê duyệt chủ trương, lập dự án đầu tư... “Nếu không bảo đảm khâu này thì có vốn cũng không thực hiện được”.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 có sự sụt giảm so với tháng 6, chỉ đạt 30,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước. Trong đó, giảm sâu ở nhiều mặt hàng chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 22,6%; sắt thép các loại giảm 23,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước xuất siêu chỉ là 21 triệu USD, thấp so với trung bình của 7 tháng cả nước xuất siêu khoảng 764 triệu USD.

Kiềm chế lạm phát đi cùng với chặn suy thoái

Trong bối cảnh đó, việc duy trì tăng trưởng GDP ở mức trên dưới 7% của cả năm 2022 phải đi cùng với kiểm soát lạm phát (mục tiêu là dưới 4%). Tuy nhiên, từ thực tế, giới chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, thậm chí suy giảm nội lực, nên việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát dưới mức trần là 4%, cũng cần được linh hoạt hơn.

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với các bộ, ngành về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô (chiều 30/7 vừa qua), ý kiến của một số chuyên gia là rất đáng chú ý. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng khái niệm “ổn định vĩ mô” không chỉ tập trung vào kiểm soát lạm phát.

“Lạm phát được duy trì ở mức thấp mà nền kinh tế bất ổn, doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì liệu có thể gọi là ổn định vĩ mô?”- ông Thiên đặt vấn đề và cho rằng tâm lý quá lo sợ lạm phát dẫn tới siết chặt nguồn cung tiền sẽ làm chậm quá trình phục hồi của phần lớn doanh nghiệp vốn đã chịu nhiều tổn thương sau 2 năm dịch bệnh.

Trong khi đó TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hạn chế lạm phát nhưng không được bỏ quên nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng.

“Sự linh hoạt của chính sách tiền tệ không phải siết chặt lại để bớt lạm phát mà thể hiện trong việc chuyển dịch tín dụng vào các ngành, các lĩnh vực cần thiết, ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị chất lượng cao” - ông Thành lưu ý.

Nhìn chung, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lúc kinh tế toàn cầu rơi vào lạm phát thì nền kinh tế Việt Nam cũng không thể không bị ảnh hưởng. Vấn đề là cần nhìn thẳng vào sự thật, một mặt kiềm chế lạm phát nhưng vẫn cần thiết phải bơm vốn vào nền kinh tế, để tránh rơi vào suy thoái. Một số ý kiến cho rằng lạm phát có thể khắc phục trong ngắn hạn nhưng nếu để thoát khỏi suy thoái thì phải cần thời gian rất dài.

Trễ đến bao giờ?

Đó là đối với kinh tế vĩ mô, còn thì với cuộc sống hàng ngày của người dân, việc kiểm soát giá cả các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu cần phải được coi trọng. Chiều ngày 1/8, giá xăng dầu đã 4 lần giảm liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng (trung bình 6.500 đồng/lít xăng) ngang với giá thời điểm đầu tháng 2/2022, nhưng giá nhiều mặt hàng hóa vẫn neo cao. Nhiều ý kiến cho rằng hàng hóa đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Vì sao giá xăng dầu đã đi xuống nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn không “quay đầu”? Về vấn đề này, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho rằng luôn có độ trễ nhất định. Theo ông Dũng, giá cả leo thang thời gian qua do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu tăng cao.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định chính giá thành sản phẩm không phải chỉ là giá xăng dầu mà còn là giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công. Các yếu tố này cùng chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện, nước… đều chưa có dấu hiệu giảm.

Độ trễ, nhưng trễ đến bao giờ? Đó là câu hỏi cần được các cơ quan quản lý nhà nước sớm có câu trả lời, để bảo đảm an sinh xã hội cùng với đó là tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước áp lực lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức chống chịu trước áp lực lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO