Tàng trữ từ 0,05kg tê tê có thể bị phạt tù

Thu Hương 02/06/2016 11:43

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo Ngày Môi trường thế giới 2016: Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã do Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức tại Hà Nội, ngày 1/6. 

Lực lượng chức năng bắt giữ 1 vụ vận chuyển buôn bán động vật hoang dã. Ảnh: TL.

Theo Báo cáo Tổng quan chính sách buôn bán loài hoang dã của Việt Nam công bố năm 2008, ước tính Việt Nam sử dụng từ 3.700 đến 4.500 tấn các loài hoang dã cho các mục đích như thực phẩm, thuốc, đồ trang sức, thú nuôi từ hoạt động buôn bán loài hoang dã hợp pháp.
Đối với các hoạt động buôn bán loài hoang dã bất hợp pháp, từ năm 2010-2015, Hải quan Việt Nam đã thu giữ khoảng 18.000 kg ngà voi, 55.200 kg tê tê, và hơn 235kg sừng tê giác từ các lô hàng trái phép ở Việt Nam. Riêng trong thời gian từ năm 2015 đến hết tháng 4/ 2016, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ, triệt phá thành công 35 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới, khởi tố 5 vụ, thu giữ nhiều tang vật.

Thiếu hành lang pháp lý để xử lý

Lý giải điều này, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho rằng đối với những sự việc liên quan đến động thực vật hoang dã, không phải bắt vụ nào xử vụ đó. Nguyên nhân là vì sau khi bắt và thu giữ tang vật, cần phải chờ thời gian giám định. Hiện Việt Nam không có mẫu giám định, nhiều khi phải nhờ đến các tổ chức quốc tế hoặc đưa ra Viện Khoa học hình sự Bộ công an, Viện của Quân đội giám định. Thứ hai, muốn xử lý được thì phải có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trong khi đó, sau khi phát hiện, bắt giữ các tang vật này, việc tìm ra người chủ thực sự của lô hàng là không đơn giản. Theo ông Nguyễn Duy Giảng, Vụ trưởng vụ Kiểm sát và giám sát án hình sự (Viện kiểm sát NDTC), nhiều vụ việc chúng ta chỉ… xử lý được các đối tượng vận chuyển!

“Luật pháp rất nghiêm minh nhưng phải cá thể hoá những người vi phạm. Những vụ nào có đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới xử lý được” - Thiếu tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh.

Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 có 2 điều 234 và 244 khắc phục được những điều này. Cụ thể, Bộ Luật hình sự mới bao gồm nhiều điều khoản và hình phạt nặng hơn đối với tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã. Mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã là tù 15 năm và 2 tỷ đồng tiền phạt. Đối với các tổ chức thương mại là 15 tỷ đồng tiền phạt và bị đình chỉ hoạt động kinh doanh vĩnh viễn.

Tăng cường phối hợp liên Bộ ngành

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng tham mưu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), việc buôn bán, vận chuyển vận trái phép các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nhiều diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, manh động. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức nhằm trốn tránh sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng như: lợi dụng việc tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử để khai báo sai tên hàng; cất giấu lẫn trong các mặt hàng được khai báo chính ngạch; lợi dụng việc chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che dấu cảng xếp hàng gốc; thay đổi tuyến đường đi từ Nam Phi đi qua các nước thứ 2, thứ 3 rồi mới về Việt Nam nhằm đánh lạc hướng các lực lượng chức năng trong việc theo dõi các tuyến vận chuyển trọng điểm; cất giấu trong các hầm, vách bí mật, tự gia cố trên các xe tải nhỏ, xe ôtô du lịch hoặc tàu, thuyền…

Trước thời điểm Bộ Luật hình sự năm 2015 có hiệu lực, dự báo có thể các đối tượng sẽ tăng cường buôn lậu, vận chuyển động vật hoang dã nhằm tránh bị xử lý hình sự hoặc xử lý theo mức nhẹ (theo BLHS 1999) trong trường hợp bị phát hiện, bắt giữ, nhất là đối với sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê. Vì vậy, tháng 3 và 4 năm 2016, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành 2 văn bản cảnh báo về thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã và chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan trong toàn ngành tiếp tục tăng cường, chú trọng đấu tranh đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm.

Đồng thời, Cơ quan Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan thực thi pháp luật khác như: Công an, Biên phòng, Kiểm lâm ... tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực đường mòn lối mở, triển khai đồng bộ các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ với mục tiêu: tăng cường công tác truy tố và thực thi pháp luật về động, thực vật hoang dã; tăng cường hợp tác quốc tế trong chia sẻ, trao đổi thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi; tuyên truyền giảm nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ các loài động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàng trữ từ 0,05kg tê tê có thể bị phạt tù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO