Tạo sức bật để bước vào 'đường cao tốc'

Thuý Hằng (thực hiện) 04/08/2022 06:32

“Chúng ta cần mời các nhà đầu tư nước ngoài, gia tăng số lượng đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) châu Âu có công nghệ, khi đầu tư vào Việt Nam sẽ hỗ trợ DN trong nước, thông qua đó DNNVV học tập và phát triển được, để 2 bên cùng thắng” - TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết xoay quanh câu chuyện giúp DN nội tận dụng thời cơ từ các ưu đãi EVFTA.

TS. Tô Hoài Nam.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào thời cơ mà các DN có được từ hiệp định EVFTA?

TS. Tô Hoài Nam: Nhìn về một phương diện tổng thể, số liệu thống kê và doanh số thì các DN đang tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó có EVFTA. Điều này thể hiện rõ ở tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này, trong đó có nhóm tăng rõ là dệt may, đồ gỗ và nông nghiệp thủy sản. DN các nhóm hàng này đã tận dụng được các ưu đãi. Nhưng muốn gia tăng được giá trị lợi nhuận nữa, chúng ta cần chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn nữa cho các DN này.

Tại Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ làm chưa tốt. Hiện, các ngành hàng như may mặc, giày da chủ yếu vẫn làm gia công. Mà gia công thì tỷ suất lợi nhuận không cao, gia công doanh số lớn nhưng cũng chỉ là làm công. Điều đó chứng tỏ là chúng ta cần thay đổi tỷ trọng cơ cấu công nghiệp hỗ trợ. Các DNNVV dư địa tham gia lĩnh vực này rất lớn. Hiện nay DNNVV chưa được hưởng lợi như kỳ vọng vì họ chưa làm chủ công nghiệp hỗ trợ.

Chưa kể với nhóm giày da, may mặc liên quan đến thời trang, thương hiệu. Tại Việt Nam chỉ mới làm thương hiệu nơi sản xuất. Còn thương hiệu nhãn mác vẫn là các tập đoàn quốc tế. Chúng ta rất khó tạo nên được giá trị gia tăng, và như vậy, tỷ lệ lợi nhuận không cao. Chúng ta phải có thương hiệu, nhãn hiệu đúng nghĩa.

Nhiều quan điểm cho rằng EU là thị trường khó tính, đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Trong khi đó DN Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún, tính chuyên nghiệp chưa cao, liệu đây có là rào cản để DN Việt có thể tận dụng được cơ hội ở EU?

- Trong các hiệp định, EVFTA là hiệp định có tính kỹ thuật cao mà Chính phủ từng dùng hình ảnh là DN Việt vào EVFTA như “bước vào đường cao tốc”. Ở đây bao gồm cả tính lợi ích đó là đi cao tốc phải nhanh, thuận lợi nhưng không phải xe nào đi vào cũng đi được trên con đường cao tốc, nếu phương tiện lạc hậu thì không thể đi được. Điều này có nghĩa, DN Việt phải nâng tầm.

Cụ thể như thế này, thị trường EU đòi hỏi chất lượng, giá cả, mẫu mã, quy trình hàng hóa xuất xứ thân thiện môi trường, DN đối xử tốt với công nhân. Tôi nói đơn cử, hàng Việt Nam ở lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản vốn sẵn có lợi thế về giá vì thị trường EU họ không căn ke về giá, giá được làm bài bản. Trên yếu tố thuận lợi này, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp muốn gia tăng hàm lượng xuất khẩu, tăng trưởng lợi nhuận thì buộc phải gia tăng các điều kiện khác, nâng chất lượng dây chuyền công nghệ, cải thiện ứng xử với công nhân...

Trong nông nghiệp thì, nông dân vẫn đang thiệt thòi, người nông dân sản xuất hàng hóa để xuất khẩu đi nước ngoài, mà thu nhập rất thấp. Đó là do phân bổ lợi ích chưa tốt, phải có cơ chế để nâng cao đời sống người nông dân, thị trường EU luôn đòi hỏi thái độ đối xử với người nông dân cao hơn nữa. Đây là điều quan trọng để chúng ta nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó điều này ở Việt Nam không phải DN nào cũng làm được. Vì EU có quy định khắt khe nên chúng ta không thể nói một đằng làm một nẻo.

Tóm lại hàng hóa đi vào một thị trường bài bản, chuyên nghiệp thì đó không phải là rào cản mà đó chính là mục tiêu để cho chúng ta nâng tầm.

Theo ông DN trong nước cần thay đổi gì để tận dụng thời cơ từ EVFTA?

- Thời cơ của ta thì cũng là thời cơ của các nước đang phát triển khác, tức là nói đến tính thời gian. Mình không tận dụng được nhanh thì mình mất cơ hội, mất thị trường. Các nước đang phát triển khác cũng có những thuận lợi về nhân công rẻ như mình. Cơ quan quản lý Việt Nam phải có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ và vùng nguyên liệu. Hiện nay định hướng chỉ tiêu, và những biện pháp cụ thể còn thiếu, chúng ta cần nhiều chương trình phát triển.

EVFTA là hiệp định thế hệ mới nên nhiều quy định khá phức tạp với DN Việt Nam. Và không phải DN nào cũng hiểu được. Chúng ta cần hướng dẫn đầy đủ, cơ quan chức năng phải cung cấp các thông tin về ưu đãi thuế quan. Nếu để DN tự tìm hiểu thì chưa chắc DN đã hiểu hết và hiểu đúng.

Phải hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ phát triển và làm tốt các yếu tố liên quan đến công nghệ, đến xuất xứ hàng hoá. Mình mua nguyên liệu ở những nước mà trong hiệp định không đồng ý, thì chúng ta không đủ điều kiện bước vào “đường cao tốc”. Quan điểm của tôi là mời các nhà đầu tư nước ngoài, gia tăng số lượng đầu tư vào Việt Nam thông qua FDI. Vì họ có công nghệ, họ là người của EU. Họ mang công nghệ vào để hỗ trợ DN trong nước, thông qua đó DNNVV học tập và phát triển được, để 2 hai bên cùng thắng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức bật để bước vào 'đường cao tốc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO