Tạo sức hút đầu tư bằng chính sách mới

Thanh Giang 01/04/2023 07:00

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư ngoại với các dự án lớn. Chính vì lẽ đó, việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đối với việc thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Chuẩn bị điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư đến từ nước ngoài.

Ưu đãi bằng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp

Từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu. Quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu là một nội dung trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận được hơn 140 quốc gia, trong đo có Việt Nam đồng thuận. Theo quy tắc này, các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu Euro trong ít nhất hai năm ở giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.

Trước chính sách trên, dự báo nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đầu tư tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Ông Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, từ năm 2024 chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, dự tính Việt Nam có khoảng 1.025 DN FDI bị ảnh hưởng. Theo ông Lịch, Việt Nam vẫn dùng 2 công cụ ưu đãi đó là thuế và giá đất để tăng hấp dẫn dòng vốn FDI. Đặc biệt, ưu đãi thuế thu nhập DN là biện pháp quan trọng và tác động nhiều đến quyết định chọn điểm đến của các nhà đầu tư.

Đề cập đến chính sách thu hút vốn FDI thời gian qua của Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng khẳng định, từ trước đến nay Việt Nam luôn dùng công cụ ưu đãi thuế nhằm tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó có chính sách miễn thuế 4 năm đầu tiên, giảm 9 năm tiếp theo, ưu đãi 23 lĩnh vực đặc biệt, 7 lĩnh vực ưu đãi thấp hơn. Những ưu đãi này được áp dụng trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất... Thuế suất phổ thông 20%; nhưng theo ông Hiếu thì thuế thực tế đối với DN FDI hiện nay chỉ hơn 12%. Thậm chí, có một số tập đoàn còn ưu đãi thuế ở mức 2,75 - 5,95%.

“Samsung rất quan tâm đến việc áp thuế suất tối thiểu toàn cầu của Việt Nam vì họ đầu tư đến 18 tỷ USD vào Việt Nam, bởi lâu nay họ được hưởng thuế ưu đãi” - TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói. Cũng theo vị này, các DN FDI được ưu đãi rất nhiều. Bình quân thuế thu nhập DN của FDI chỉ ở mức 10 - 12%. Đây chính là lý do mà Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư ngoại.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đưa ra một số đánh giá và các con số thống kê phân tích tình hình thu hút FDI tại TPHCM. Theo đó, TPHCM hiện dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài, tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 11.273 dự án, vốn đăng ký là 55,84 tỷ USD. Riêng năm 2022, thành phố đã thu hút được 3,94 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhanh chóng có chính sách mới

Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là địa điểm hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư ngoại với các dự án lớn. Chính vì lẽ đó, việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đối với việc thu hút đầu tư FDI. Ông Phan Vũ Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời và phù hợp thì khó giữ được quyền đánh thuế tại nước chủ nhà khi các quốc gia đi đầu tư sẽ thực hiện thu thuế bổ sung. Ngoài ra Việt Nam cũng không thu được phần thuế bổ sung từ đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn có trụ sở đặt tại Việt Nam. Hiện nay, một số nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan đã tuyên bố sẽ áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt yêu cầu nhằm giành quyền đánh thuế bổ sung, không để chảy sang các quốc gia khác.

Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay đang áp dụng sẽ kém hấp dẫn với nhiều tập đoàn, DN FDI lớn khi các chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN hiện không có giá trị. Ông Lịch nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, cùng với đó là ban hành những chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Và để thích ứng với cơ chế mới này, các kiến nghị, giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ. Theo đó việc ưu tiên trước nhất là phải thúc đẩy nội luật hoá khung pháp luật tại Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoặc điều chỉnh hoạt động đầu tư cần được xem xét để hiệu chỉnh cho đồng bộ với nguyên tắc thuế mới.

“Liệu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có giảm đi hiệu quả chính sách ưu đãi thuế thu hút đầu tư nước ngoài hay không? Đối tượng tác động là các DN FDI lớn hay cả các DN FDI nhỏ? Bên cạnh đó, những tác động gián tiếp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là gì?” - Đó là những câu hỏi được ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt ra đồng thời ông Hiếu cũng đưa ra những kiến nghị cho chương trình hành động. Trong đó có việc rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi dựa trên miễn, giảm thuế thu nhập DN.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đây là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư FDI chất lượng cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng quan điểm, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng cần tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng, hướng đến tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức hút đầu tư bằng chính sách mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO