Tạo uy tín cho thương hiệu Việt

Trung Hiếu Ảnh: Quang Vinh 07/06/2019 14:04

Sáng 7/6, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt

Bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị.

Dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; cùng thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; lãnh đạo của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương; lãnh đạo các Ban, đơn vị Đảng ủy khối và các Đảng ủy trực thuộc.

Thúc đẩy doanh nghiệp Việt khai thác tốt thị trường nội địa

Báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ của Đảng ủy Khối cho biết, qua 10 năm thực hiện, CVĐ đã được cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đồng bộ, sáng tạo gắn với phong trào thi đua sôi nổi làm cho CVĐ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Với các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện Cuộc vận động đồng bộ, hiệu quả, nhận thức, hành vi tiêu dùng của trên 800 nghìn người lao động trong Khối về việc sử dụng hàng hóa trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đi đầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh thay thế hàng nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70% - 90%. Hàng hóa nội địa trong mua sắm trang thiết bị làm việc, mua sắm công chiếm trên 95% giá trị.

10 năm qua, nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiêp trong Khối đã được Bộ Công Thương công nhận là “Thương hiệu quốc gia”, được một số tạp chí nước ngoài xếp hạng “Thương hiệu có giá trị lớn”, được đông đảo bạn hàng, đối tác, người tiêu dùng yêu thích. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong Khối đã vươn ra nhiều nước trên thế giới. Qua đó, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt - 1

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Đáp ứng sự lựa chọn của người tiêu dùng

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Tập đoàn đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai, phân phối, tiêu thụ sản phẩm và đưa ra mở rộng thị trường trong nước, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm mở rộng thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, hiện nay, các hãng thời trang trên thế giới nếu không cập nhật mẫu mã mới hàng tháng thì không thể chinh phục được người tiêu dùng. Chính vì không thể chạy theo xu thế đó của thời trang thế giới, Vinatex đã tập trung thiết kế, sản xuất những sản phẩm như quần áo đồng phục để phục vụ nhu cầu sử dụng của hệ thống doanh nghiệp Việt. Hiện nay các sản phẩm đồng phục của Vinatex đã được các DN như Vietnam Airlines, Vietcombank, EVN... sử dụng trong toàn hệ thống.

Để các sản phẩm dệt may đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và vươn ra thế giới, ông Lê Tiến Trường cho rằng doanh nghiệp cần tập trung phát triển về chất và đáp ứng sự lựa chọn thông tin của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Vinatex sẽ tập trung phát triển trung tâm thiết kế, lựa chọn thị trường và hướng đi cho riêng mình sao cho phù hợp với năng lực cạnh tranh của đơn vị và thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp Việt.

Bằng việc chú trọng các ứng dụng, việc nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, tối ưu quy trình thủ tục, giấy tờ, đổi mới phong cách phục vụ, 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV là trụ cột ngành ngân hàng, chiếm trên 55% thị phần

Để tạo điều kiện cho khách hàng trong tiếp cận dịch vụ tài chính, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) cho biết, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Agribank đã đưa ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ (SPDV) nhất là gói sản phẩm gắn kết giữa tiền gửi - thanh toán - tín dụng để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng phong phú của khách hàng.

Không chỉ có hệ thống các ngân hàng, tại thị trường nội địa, mỗi tập đoàn, tổng công ty, trong Khối đã tạo dựng thành công những thương hiệu nổi tiếng, uy tín hàng đầu quốc gia. Như Bảo Việt đứng đầu thị trường bảo hiểm, Vietnam Airlines dẫn đầu ngành hàng không, Vinatex dẫn đầu ngành may mặc; VNPT, Bưu điện Việt Nam, MobiFone là các trụ cột của ngành bưu chính, viễn thông; Xi măng Vicem chiếm trên 1/3 thị phần; Petrolimex chiếm trên 55% thị phần phân phối xăng dầu; PVN là trụ cột ngành dầu khí; Vinafood1, VRG là các trụ cột trong ngành nông nghiệp.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt - 2

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương khi thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và phối hợp, tuyên truyền, vận động nhằm phát triển thương hiệu Việt, mở rộng thị trường trong nước; đồng thời chú trọng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, các hoạt động thiết lập kênh phân phối, mở rộng thị trường và thực hiện có hiệu quả chủ trương “các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”.

“Kết quả, thành tích đó đã đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, để có được kết quả này, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị và đội ngũ cán bộ đảng viên trong Khối đã nêu cao tính gương mẫu, đi đầu; chủ động phối hợp với các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện liên doanh liên kết, triển khai các dự án, hợp tác đầu tư. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong Khối đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia, tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng cho nhà nước. Các sản phẩm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, cả những thị trường yêu cầu cao về chất lượng.

“Hàng Việt đã có chỗ đứng ngày một vững chắc trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là sự cố gắng, nỗ lực cao của các doanh nghiệp trong Khối, khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu, thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Khối”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong triển khai CVĐ khi nội dung, hình thức tuyên truyền chưa rộng khắp, ít đổi mới; chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt. Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để; chưa có chính sách ưu đãi thích đáng cho quảng bá, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa được thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt chưa mạnh dạn đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh…

Để Cuộc vận động ngày càng tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng cao.

Đồng thời cần tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy, đơn vị, cơ quan...

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đầu tư nhân lực, tài chính, đổi mới, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, để người tiêu dùng tin tưởng, quan tâm dùng hàng Việt Nam có chất lượng cao.

“Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối cần hướng dẫn Ban chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc có chương trình hành động cụ thể, thiết thực; rà soát quy chế hoạt động, tham mưu cấp ủy tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện; có cam kết triển khai Cuộc vận động bằng những nội dung sát thực, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, con số, có sơ kết, tổng kết đánh giá, nhân rộng các điển hình trong thực hiện Cuộc vận động”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ các doanh nghiệp về tổ chức, điều tra, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhấn mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là Cuộc vận động lớn, phạm vi triển khai rộng khắp ở tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, MTTQ, đoàn thể và toàn thể nhân dân, chính vì vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, có những việc làm cụ thể tạo uy tín thương hiệu Việt, góp phần tạo được sự đồng thuận ủng hộ của toàn xã hội, triển khai sâu rộng để mang lại kết quả và hiệu quả thiết thực hơn nữa.

Tại Hội nghị, Ban Thưởng vụ Đảng ủy Khối đã tuyên dương, khen thưởng 17 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu qua 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt - 3

Bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Tung Ương trao tặng khen thưởng cho các tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt - 4

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao tặng khen thưởng cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt - 5

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Bí thư Đảng ủy Khối phát biểu tại Hội nghị.

Tạo uy tín cho thương hiệu Việt - 6

Quang cảnh Hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo uy tín cho thương hiệu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO