Tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu tăng

M.Sang 27/06/2022 14:00

Năm 2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng phi mã từ đầu năm đến nay đã khiến khoảng 50% tàu cá đã ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhiều tàu cá ngại ra khơi vì giá xăng dầu liên tục tăng. Ảnh: VOV.

Tại Kiên Giang, theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có khoảng hơn 25% số tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ đã nằm yên trong bến nhiều tháng qua. Con số này có thể tăng lên trong thời gian tới nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao như hiện nay.

Còn tại Bạc Liêu, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã đẩy chi phí đầu vào tăng phi mã khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân vốn đã khó khăn giờ lại càng thêm khó. Rất nhiều ngư dân địa phương đánh bắt bị thua lỗ phải đưa tàu vào bờ.

Tỉnh Quảng Nam có hơn 680 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển khơi với hơn 2.600 lao động. Giá xăng dầu tăng cao, chiếm từ 60% đến 70% chi phí mỗi chuyến biển, đầu ra thủy sản không ổn định khiến nhiều chủ tàu không dám vươn khơi vì sợ thua lỗ...

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn đề nghị Bộ Công thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Theo đó, cơ quan này cho biết từ tháng 12/2021 đến nay giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.

Cụ thể, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng tới 65% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/lít, đến ngày 20/6 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít). “Chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng” - Bộ NN&PTNT nhận định.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng khiến giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng 10-15%. Điều này kéo theo chi phí đầu vào tăng 35-48%, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng tàu cá ngừng hoạt động lên tới 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê... ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Đồng thời, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, Bộ NN&PTNT cho biết số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân, cơ quan này đề xuất hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng mức lương tối thiểu theo vùng quy định tại Nghị định 90, tức khoảng 3-4,4 triệu đồng/người trong vòng 6 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO