Tay lãng tử trong Miền không

Y BAN 21/05/2023 07:55

Trước nhà tôi ở gần sân Hàng Đẫy (Hà Nội) hay có khách đến bất thình lình. Nửa đêm khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ sâu bỗng cửa sắt bị đập rầm rầm, anh Cơ “điên” ơi mở cửa em Đạt “rồ” đây. Hoặc chiều hôm rầm rập một đoàn xe mô tô ba bánh toàn trai thanh gái đẹp tấp vào. Nhà bé tí xíu nhưng vẫn chứa đủ một đoàn quân “nghệ”. Trong đoàn quân "nghệ" đi qua ngôi nhà ấy có vài "nghệ" thành bạn đi đường dài cùng nhau, họa sĩ Trần Nhật Thăng là một trong số đó.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng.

Sau này nhà tôi chuyển sang doi đất lọt giữa hai con sông Hồng và sông Đuống, Thăng vẫn qua lại. Có bận Thăng đưa cả nhà sang chơi rồi ngủ lại qua đêm. Bận ấy Thăng mới có 2 cô con gái bé, chúng tôi đã nhường chiếc giường tầng 2 để cho nhà Thăng. Sau đêm ấy vài tháng Cơ “điên” và Thăng rủ nhau cà phê. Thăng khoe, vợ em lại có bầu. Cơ “điên” bảo, lại con gái cho mà xem.

Thăng bảo, em con trai độc đinh, nhà em đang mong “đít nhôm”. Y rằng Thăng có thêm một cô con gái xinh đẹp. Một bận tôi bảo Thăng, khoa học phát triển rồi, lọc toàn Y con trai là cái chắc. Thăng bảo, thôi em yêu ba đứa chúng nó lắm.

Thăng là thế, biết dừng là dừng. Thăng là tay chơi tẹt ga vì trời cho cái mẽ bên ngoài lại cho cả cái mẽ bên trong. Trong túi không biết có tiền hay không, đến nhà bạn chơi thì phải mang theo hoa và rượu và thịt quay phố cổ gói lá sen. Khi mời bạn đến nhà chơi thì phải mâm cao cỗ đầy. Còn lúc lang thang ra phố thì tuỳ.

Trần Nhật Thăng học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 1995 khóa luận tốt nghiệp Thăng không bàn về nghệ thuật hay kỹ thuật vẽ mà lại viết về nhân cách người nghệ sĩ. Thăng viết về câu chuyện của tiền nhân, chuyện thời chưa xa ngái có họa sĩ muốn vẽ khỏa thân nên ra ga Hàng Cỏ bắt một cô gái làng chơi về làm mẫu, trời lạnh mà cô mẫu phải khỏa thân hàng giờ. Khi vẽ xong họa sĩ lấy chiếc áo “ba đờ xuy” bạn vừa đi tây về tặng khoác lên người cô gái làng chơi, chiếc áo có giá ba chỉ vàng có thể mua được cái nhà phố dạo ấy.

Chuyện là anh họa sĩ đã chẻ hết ghế trong xưởng để sưởi cho mẫu trong cơn lạnh giá, khi mỏi chân quá tìm ghế để ngồi thì chỉ còn chiếc ghế duy nhất mẫu đang ngồi rồi…Vì chưa có tiền lệ khóa luận viết khác như thế nên năm ấy Thăng bị trượt tốt nghiệp.

Thời trai trẻ Thăng nổi tiếng là chàng trai lãng tử yêu như điên, bao cô gái đẹp của đất Hà thành đều là người yêu của Thăng. Gái đẹp như chất doping để Thăng cũng vẽ như điên. Thăng là một trong những họa sĩ tiên phong của hội họa sau Đổi mới ở Việt Nam cuối thập niên 1990. Với bút pháp vừa ngẫu hứng mà tinh tế, các sáng tác của Thăng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối vẽ tranh thủy mặc và thư pháp truyền thống phương Đông với phong cách trừu tượng tối giản của hội họa hiện đại. Từ năm 1998 đến 2009 Thăng làm liên tục 10 triển lãm.

Sau triển lãm 2009 Thăng có quãng nghỉ gần 10 năm, Thăng nói với tôi, em tự chơi khó mình khi bày ra cuộc chơi và chơi đến đỉnh, phải chọn con đường khác. Một quãng nghỉ để nạp năng lượng và quãng nghỉ của một ông bố tay chơi dành cho các cô con gái nhỏ.

Đến năm 2017 loạt triển lãm cá nhân “Miền” tại Chọn Gallery, Hà Nội. Năm 2018 ở xưởng vẽ gần Nhà hát Lớn Hà Nội tôi được Thăng mời đến chơi. Thăng nói, chị chọn 1 bức chị thích đi em tặng chị. Tôi lạc vào miền hội họa của Thăng với tâm thức của “lòng tham” bức nào cũng thích. Hôm ấy còn có thêm đám bạn bè và ông chồng điêu khắc. Mỗi người một ý, người bảo Y Ban phải bức màu đỏ chói chang kia hoặc màu vàng cam…

Thăng chọn cho tôi một bức, cái này hợp với chị. Thăng ký tặng. Tôi treo bức tranh trong phòng ngủ, khi nằm yên bình trên giường tôi ngước nhìn bức tranh với những nét cọ tối giản mà mỗi lúc tôi lại như lạc vào một miền đất khác nhau. Tôi đồ rằng chính bức tranh tôi được tặng là mở đầu cho “Miền không” của Thăng.

Năm 2018 Thăng “bồ kết” với đất Vân Hồ - Sơn La khi Thùy Chi vợ Thăng mở một homestay và một quán cà phê đẹp để check-in. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Thăng cũng phải vào cuộc để bưng bê đồ ăn cho khách. Vẫn cái dáng lưng thẳng tưng hai tay thũng thẵng, mặt không biểu cảm, kiệm lời thi thoảng cười kiểu vừa ngậm tăm vừa cười tôi không thể đoán được Thăng có cảm xúc gì. Đôi khi tôi bắt gặp Thăng hái một chiếc lá hoặc một cọng hoa rồi bứt đi chỉ để lại chiếc cọng cho vào miệng cắn. Nếu thấy ai bắt gặp thì cười. Đó là thời điểm vợ chồng Thăng khá khó khăn vì cuộc chót “đâm lao phải phóng theo lao”.

Một số tác phẩm của Trần Nhật Thăng.

Thăng có một cái xưởng vẽ lưng đèo, chỗ nghỉ chân để leo lên đèo Thung Khe, xung quanh là hàng quán bán ngô luộc, trứng luộc và lan rừng. Phía sau là thung lũng cây cối xanh mướt mát đầy nắng và gió. Có lẽ đấy chính là nơi “Miền không” của Thăng. Ở đấy Thăng được sống với cỏ cây hoa lá, với gió với nắng, với những người cần lao như vốn thế mà không cần phải màu mè tô vẽ. Tự nó đã thành tất cả. Thăng lại vẽ như điên với những bức tranh khổ lớn, có bức 130x480 cm. Thăng kể, em dùng Acrylic để chóng khô, giống một câu chuyện không thể kể rề rà, có bức tranh được vẽ xuyên đêm.

Tháng 4/2022, triển lãm “Miền không” của Trần Nhật Thăng tại TPHCM gây một tiếng vang trong giới hội họa bởi một khung cảnh hoàn toàn khác, bay bổng và thư thái đến lạ thường. Các nhà sưu tập đã mua gần hết những bức tranh của Thăng.

Hiện tại Thăng đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc triển lãm tiếp theo “Trong cái không có gì không” với 50 bức tranh trừu tượng đều có tên là “Không tên" được đánh số từ 1 đến 50. “Trong cái không có gì không” vẫn tiếp tục mạch nguồn của “Miền không” với những màu nâu trộn thêm đất nâu của Vân Hồ, vẫn mảnh vải của người dân tộc, vẫn vàng dát mỏng… Vẫn không có một tên cụ thể cho mỗi bức tranh để người xem không bị dẫn dắt bởi tên của tranh.

Tôi đã được xem một số bức tranh Thăng chuẩn bị cho triển lãm “Trong cái không có gì không” thì thấy trong miền mênh mang của Thăng có Phật. Thăng kể, em đã tu tập. Hơn 4 năm qua khá nhiều biến cố đến với Thăng, cha mẹ vào tuổi lão, em gái ốm và các con bước vào cuộc chiến tuổi dậy thì… Thăng kể, em phải khoanh vùng từng việc, giải quyết từng việc một, phải đặt vào bàn cân từng việc, lần từng đầu mối để gỡ rối.

À thì ra chàng lãng tử ngày nào nay đã thành một người đàn ông chín chắn rồi. Việc nhà đã lắm còn thêm việc của anh em bạn bè nữa, Thăng ôm tất. Như cái cách Thăng đã và vẫn làm. Năm 2012 Trần Nhật Thăng khởi xướng và tổ chức một số sự kiện nghệ thuật nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn và tặng tranh cho các cuộc đấu giá nhằm mục đích từ thiện.

Lại nhớ cách đây mấy năm con trai của tôi cũng dậy thì chưa thành công, tôi phải cầu cứu Thăng. Thăng đèo nó bằng xe phân khối lớn đến một ngôi chùa ở Hưng Yên. Trên đường đi Thăng để cho nó cầm lái, mày đi thử đi nhóc, tăng tốc lên, đánh võng đi… không làm được à nhóc? Để chú, tăng tốc đánh võng trên con đường đất nhỏ ngoằn nghèo. Ngôi chùa làng vắng lặng hai chú cháu ngồi tâm sự, rồi chú tặng cháu bộ quần áo thể thao xịn xò. Giờ cháu đang du học nghề đầu bếp ở Đức mỗi khi nói chuyện với mẹ không quên hỏi thăm chú Thăng.

Thăng đang thăng hoa trong “Miền không” của mình.

Tôi đùa Thăng, này không khéo sau “Trong cái không có gì không” là đến “Trong cái không có một ông sư” đấy. Thăng lại mủm mỉm cười.

Thăng có một cái xưởng vẽ lưng đèo, chỗ nghỉ chân để leo lên đèo Thung Khe, xung quanh là hàng quán bán ngô luộc, trứng luộc và lan rừng. Phía sau là thung lũng cây cối xanh mướt mát đầy nắng và gió. Có lẽ đấy chính là nơi “Miền không” của Thăng. Ở đấy Thăng được sống với cỏ cây hoa lá, với gió với nắng, với những người cần lao như vốn thế mà không cần phải màu mè tô vẽ. Tự nó đã thành tất cả. Thăng lại vẽ như điên với những bức tranh khổ lớn, có bức 130x480 cm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tay lãng tử trong Miền không

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO