Tây Nguyên không chỉ có voi

Phương Hà 03/08/2020 19:00

Tôi hay nhủ bạn bè nếu có tới Tây Nguyên, bất kỳ một xó xỉnh nào đó của xứ Tây Nguyên mênh mông, thì nhớ chọn mùa này – mùa khô, nếu muốn mang về miền đồng bằng dịu êm của mình được chút gì đó thật sự khác biệt. Và nếu muốn cảm nhận Tây Nguyên “chất” nhất, không đâu bằng Đắc Lắc.

Có thể nhiều người sẽ phản đối, nhưng với riêng tôi, sau khi đã đi từ cực Nam tới cực Bắc, cực Đông sang cực Tây, qua nhiều cao nguyên hợp thành vùng đất lạ lùng này, tôi tự cho mình cái quyền nhận xét như vậy.

Và ít vị khách nào đến Đắc Lắc, thủ phủ được định vị một cách không chính thức của vùng cả thế kỷ nay, mà không muốn tới Buôn Đôn, nếu không, thì cũng được chủ nhà đưa tới Buôn Đôn. Những vị chủ nhà hiếu khách khốn khổ, đi Buôn Đôn với tiếng thở dài não nuột. Có người thậm chí sỗ sàng bảo thẳng khách: Có gì ở đó đâu!

Rồi sau đó bầu đoàn vẫn lốc nhốc lên đường, vượt qua chặng đường hơn 50km tính từ thành phố Buôn Ma Thuột. Con đường uốn lượn qua những làng xóm khá sầm uất, những nếp nhà sàn của người Ê Đê nép dưới rặng me cổ thụ, tầng tầng lớp lớp cà phê, những trảng cỏ mênh mông bằng phẳng đến khó hiểu bỗng vọt lên một cây kơ nia đơn độc. Loại cây mắc bệnh tự kỷ này không có nhu cầu gần gũi đồng loại, đến cành lá cũng không tỏa ra mà khép chặt vào thân, nhất là trong ráng chiều đỏ rực, chúng vươn thẳng lên trời tạo ra một hình ảnh vừa kiêu hãnh, vừa nhuốm vẻ u sầu cô liêu.

Và vào đến Buôn Đôn lừng danh. Thực ra giờ gọi là buôn Trí A. Buôn Đôn thành tên của cả một huyện. Chủ nhà thông thạo dẫn khách đi một vòng từ đầu tới cuối buôn. Nhiều nhất là những cửa hàng bán quần áo, khăn khố thổ cẩm dệt hoa văn, nhưng hoa văn của người Chăm ở đồng bằng Nam Trung bộ là phần nhiều, sợi dệt màu nhuộm cũng chẳng còn chút gì là “thủ công truyền thống”. Ở buôn Trí, phần đông phụ nữ mặc những chiếc váy Lào. Bởi ở đây, nhiều người gốc gác Lào.

Người nổi tiếng nhất buôn, chủ nhân ngôi nhà sàn bề thế nhất, có bộ sưu tập sừng thú, cung nỏ, đồ nghề săn voi từng được mượn đi trưng bày ở nhiều nơi, chất đầy trên tầng gác mà chỉ người thân thiết lắm mới được đặt chân vào, mang cái tên: Khăm Phết Lào. Khách du lịch không mấy người biết tới căn phòng đặc biệt của dòng họ bao đời là chủ làng này, thành ra từ đầu buôn tới cuối buôn chỉ thấy thuốc ngâm rượu hiệu Ama Kông. Buôn Đôn, giờ có vẻ nổi tiếng nhờ Ama Kông – cụ già mới qua đời cách đây không lâu, lấy vợ sinh con khi tuổi đâu chừng tám chục, chứ không phải bằng vào quá khứ huy hoàng và những cánh rừng, thác nước hùng vĩ tới choáng ngợp.

Lịch trình của du khách tới Buôn Đôn, mà từ giờ, ta nên gọi chính xác là buôn Trí A, là ghé vào cạnh nhà Ban quản lý khu du lịch, ngắm nghía mấy chú voi không mấy khi nguôi vẻ thờ ơ bị xích dưới gốc me hoặc cột nhà sàn, mua vé cưỡi voi đi một vòng. Sau mươi phút lắc lư trên lưng voi cùng anh quản tượng người địa phương điều khiển voi bằng chiếc móc sắc nhọn và thứ ngôn ngữ khách chịu chết, là trèo xuống, hí hửng rằng mình đã biết mùi làm chủ loài động vật vĩ đại của rừng già.

Tiếp đó là mua vé, dập dềnh bước lên cầu treo bắc chằng chịt trong rặng si khổng lồ nổi trên mặt sông Sêrêpôk, mà nghe đâu tất cả bắt nguồn từ một gốc. Người tỏ vẻ lãng mạn thì tìm đoạn bờ cát, nhúng chân xuống nước, lơ đãng ngắm qua bên kia sông, mặc những bông hoa sao quay tròn trong gió đang tìm đường hạ xuống mặt sông cuộn bọt sóng vì phải lao qua nhiều ghềnh đá. Bên đó là rừng quốc gia York Đôn, nơi mấy chú voi Tánh Linh hung hãn một thời được mang tới thả. Lãng mạn nữa là trong tiếng nước rì rào chảy dưới chân, bữa trưa được bày ra dưới tán si, nhà hàng phục vụ món ăn quen thuộc bao nhiêu năm vẫn bán ở đây là cơm lam, gà nướng chấm muối ớt xanh, canh chua cá lăng. Và kết thúc hành trình là tìm mua vài thang thuốc Ama Kông với niềm tin sự mạnh mẽ sẽ quay trở lại với các quý ông.

Thế là Buôn Đôn. Và nắng chói chang đợi khách trên đường về.

Nhưng nếu Buôn Đôn chỉ thế, thì có gì để quay lại Buôn Đôn lần thứ hai, lần thứ ba, và bao nhiêu lần nữa không thể đếm được? Để trở thành nỗi thao thiết lẩn vào một góc kín đáo trong ký ức, một ngày bất chợt bùng lên thôi thúc?

Nếu bạn chỉ đến Buôn Đôn để cưỡi voi, ăn gà nướng, và mua thuốc Ama Kông, thì Buôn Đôn sẽ cho bạn đúng ngần ấy thứ. Nếu bạn muốn Buôn Đôn ngấm Tây Nguyên vào tâm hồn bạn, Buôn Đôn sẽ cho bạn không chỉ đủ khi ở đó mà ám ảnh nhiều thời gian sau nữa. Một trảng cỏ không thấy điểm kết chuyển động ào ạt như sóng. Một bóng cổ thụ cô độc dưới mặt trời đỏ rực. Một cánh rừng khộp khô khốc trơ trụi. Những cây cẩm liên đỏ sẫm ào ạt trút lá. Nắng bỏng rát. Mặt đất ngùn ngụt hơi nóng. Gió gào thét không ngừng. Mùa khô Tây Nguyên bày ra đủ mọi khía cạnh khắc nghiệt nhất của nó ở vùng đất này.

Ngay nơi mặt đất bỏng cháy, những lùm tre cỏ cao ngang tầm người kiên nhẫn xanh, xòe ra những túm lá mảnh mai. Người phụ nữ thả ngực trần tắm táp ven sông, mặc trên kia là đông đúc khách lạ. Loại cà đắng chỉ ngon nhất khi nấu với cá khô. Dân làng sẵn sàng xiên một con gà, không nướng trực tiếp mà cắm xa xa bếp than hồng trọn buổi sáng để có món gà nướng tưởng không đâu có thể làm ngon hơn nữa. Một nắm lá é cất khô trên giàn bếp để giã món muối trứ danh. Mùa khô, lá é tàn hết cả, chỉ có cách đó mới giữ được cho món ăn nguyên vị. Mấy gốc xoài khổng lồ nay để cột voi ấy cũng kể câu chuyện của nó nếu bạn muốn nghe, rằng nó đích thực là cây xoài rừng, tỏa một mùi thơm mê dại chứ không phải thứ mùi nhè nhẹ dìu dịu, ngon một vị đậm đà chứ không ngọt ngào dễ dãi như giống xoài nhà. Và đây mới là thực sự lãng mạn: chỉ cần lọc qua lớp ánh trăng, là nguyên sơ như từ thuở hồng hoang hiện về, xóa nhòa thời gian, không gian. Trăng thực sự là thứ đặc biệt ở Tây Nguyên, mà tôi chưa từng gặp được ở đâu. Trong một đêm trăng như thế, lang thang trên triền sông Sêrêpôk, tưởng tượng thời Henri Maitre làm cuộc thám hiểm Tây Nguyên, đất trời cũng chỉ mênh mang, hoang hoải đến thế mà thôi.

Ngày nay mộ “vua voi” Khun Jo Nob hoành tráng ở trên đường vào buôn Trí. Nhắc đến vị tù trưởng (mtau) này, chỉ còn huyền thoại săn voi, rằng nghe đâu ông săn được đến chừng 500 con voi. (Về huyền thoại này, trong một lần lang thang buôn Trí, tôi được nghe cách tính đầu voi của bà con hơi khác cách hiểu thô thiển của chúng ta: rằng nếu săn được con voi trắng, sẽ được tính bằng bao nhiêu đầu voi thường, nếu săn được voi đầu đàn, sẽ được tính bằng số lượng cả đàn voi. Không rõ thông tin tôi nghe đúng mấy phần, nhưng có vẻ phải có kiểu tính tương tự thì mới ra con số khổng lồ ấy được).

Lọc qua thời gian, huyền thoại về Khun Jo Nob còn lại tài săn voi là nổi bật nhất. Vậy mà đọc lại “Rừng người Thượng” (Les Jungle Moi) của Henri Maitre, ta gặp một Khun Jo Nob, một Buôn Đôn khốc liệt hơn nhiều: “Ở phía Tây, nổi tiếng nhất trong số các mtau đó là hai thủ lĩnh cũ ở buôn Thu – nay là Buôn Đôn – tên là Jau và Hiau. Cầm đầu một băng gồm người Lào, người Ja rai và người Ra dê, chúng cướp phá các ấp vùng trung lưu sông Srépok… Sau khi Jau và Hiau chết, sự nghiệp của họ được tiếp tục một cách xứng đáng bởi một người tên là Thu, tức Khun Yo Nob hiện nay ở buôn Đôn, lai nửa Lào và nửa Mnong, y chỉ ngưng các cuộc cướp phá đầy hiệu quả của y khi chúng ta tới. Suốt nhiều năm, ngôi làng buôn Đôn của y, nơi trú ẩn của đám người Lào chuyên buôn lậu và buôn bán nô lệ, chỉ là một hang ổ của bọn cướp”.

Lãng mạn hơn nữa là đặt được bước chân vào rừng York Đôn, nghe tiếng chim đêm đập cánh xao xác, vô tình trông thấy mẹ con đàn lợn rừng, hay một chú nai đi lẻ hoảng hốt quay đầu phóng ngang sườn đồi. Thậm chí, chỉ gió và những trảng cỏ đuôi chồn bạt ngàn cũng có thể thổi mãi trong lòng người, bởi thứ tự nhiên như gió khi thổi ở nơi này cũng mang phong vị khác.

Vì vậy, tôi luôn nhủ bạn bè, nếu muốn biết Tây Nguyên thật sự, hãy đến giữa những ngày khắc nghiệt nhất. Nếu tới Buôn Đôn, đừng chỉ mua thuốc Ama Kông mang về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên không chỉ có voi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO