Tây Nguyên: Nỗ lực phòng chống dịch bệnh bạch hầu

Khánh Ngọc 06/07/2020 16:11

Trước tình hình bệnh bạch hầu ngày càng diễn biến phức tạp, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tại tỉnh Gia Lai một địa phương đã cho học sinh nghỉ học.

Lực lượng Y tế tại tỉnh Đắk Nông tổ chức tiêm chủng cho người dân.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngày 6/7, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo các sở: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; UBND xác huyện, thị xã, thành phố tập trung phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Tại văn bản, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nói trên chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan.

Theo nội dung văn bản, ngày 3/7, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận 1 bệnh nhân 4 tuổi tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) nhập viện điều trị, được chẩn đoán dương tính với bệnh bạch hầu và đã tử vong lúc 2h30’ ngày 5/7.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, ngày 4/7/2020, UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện Đắk Đoa đã chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời tổ chức khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng, cách ly, lấy 24 mẫu của những người tiếp xúc gần bệnh nhân để gửi xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, 9/24 mẫu lấy tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, dương tính với bạch hầu, ngành y tế đã tiến hành cho nhập viện, điều trị theo quy định.

Việc mua bán của người dân tại các ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông được kiểm soát chặt chẽ.

Liên quan đến công tác phòng chống bệnh bạch hầu, ông Nguyễn Tường Duy, Chủ tịch UBND xã Hải Yang cho hay, ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, đã thành lập 4 chốt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn xã.

Bên cạnh đó, xã vận động người dân tích cực khai báo y tế, hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Về vấn đề nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đảm bảo cho người dân sinh hoạt trong quá trình cách ly, phòng chống bệnh, hiện các cơ quan chức năng của xã đang tiến hành họp đưa ra giải pháp.

Tại huyện Đắk Đoa, sáng 6/7, ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết, UBND huyện yêu cầu cho học sinh tại vùng dịch nghỉ học, bắt đầu từ 6/7. Đồng thời, đề nghị các trường học trên địa bàn xã Hải Yang phải phối hợp với UBND các xã tuyên truyền cho học sinh trong thời gian nghỉ học hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh. Đối với các giáo viên vẫn phải đến trường trong thời gian nghỉ học để vệ sinh trường, lớp học và đảm bảo các biện pháp chống dịch.

Tại tỉnh Đắk Nông, đã có 16 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 2 ca đã tử vong. Ca tử vong thứ nhất là cháu S.T.H. (9 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long). Ca tử vong thứ 2 là cháu G.A.P. (13 tuổi, trú tại xã Đ Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong).

Là một địa phương vừa mới ghi nhận một ca bệnh bạch hầu mới ở tỉnh Đắk Nông, một lãnh đạo UBND xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết, ngày 2/7, sau khi phát hiện cháu Đ.K. (17 tuổi, người đồng bào M’Nông trú tại bon Bu N’doh, xã Đắk Wer) dương tính với bệnh bạch hầu, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức khoanh vùng, cách ly để dập dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, lập 3 chốt để kiểm soát người ra vào tại bon Bu N’doh.

Hiện tại cháu K. đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Cho đến ngày 4/7, hơn 700 nhân khẩu tại bon Bu N’doh đã được khám sàng lọc và cho uống thuốc phòng bệnh. Đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch tại địa phương đang được thực hiện rất thuận lợi.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ở địa phương chưa ghi nhận có ca nhiễm mới nào liên quan đến dịch bạch hầu. “Chúng tôi thực hiện công tác chỉ đạo nghiêm túc và có ban chỉ đạo phòng chống dịch riêng, tuân thủ điều kiện của ngành Y tế quy định.

Ở cơ sở đang thực hiện biện pháp cách ly, khoanh vùng, tiêm phòng đầy đủ. Đến nay, không phát sinh thêm ca mới nào”, bà Hạnh cho hay.

Không riêng gì hai địa phương tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, từ đầu năm đến ngày 23/6/2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (TP Kon Tum: 1 ca, Đắk Hà: 1 ca, Đắk Tô: 2 ca, Sa Thầy: 1 ca); không có trường hợp nào tử vong.

Các ổ dịch bạch hầu này được Sở Y tế chỉ đạo xử lý, khống chế kịp thời và đã qua 14 ngày không phát hiện trường hợp mắc mới.

Tại xã Hải Yang (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) lập nhiều chốt nơi phát hiện có 10 ca bệnh.

Đến ngày 24/6/2020, qua giám sát, cơ quan y tế tại tỉnh Kon Tum đã phát hiện thêm 3 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, có 2 trường hợp là người dân tộc Xơ Đăng ở xã Diên Bình, huyện Đắk Tô và 1 trường hợp là người dân tộc Ja Rai ở xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy.

Ngay sau đó, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các hoạt động khống chế ổ dịch và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Ngày 28/6/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết, kết quả xét nghiệm của 3 trường hợp trên đều dương tính với bệnh bạch hầu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân này đã được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô.

“Hiện, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang ổn định, không có dấu hiệu nguy kịch”, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum thông tin.

Ở một diễn biến khác, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk quyết định tiêm phòng trước cho trẻ 7 tuổi ở huyện Lắk - nơi giáp ranh với huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã có ổ dịch gần 2.000 liều vaccin. Thời gian tiêm dự kiến từ ngày 10/7 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên: Nỗ lực phòng chống dịch bệnh bạch hầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO