Thái độ rõ ràng

Tinh Anh 07/11/2020 06:39

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng sẽ tốt hơn nếu chỉ thẳng vào từng vấn đề chứ không lòng vòng, chung chung không có địa chỉ cụ thể.

Dư luận xã hội đang rất quan tâm đến bài phát biểu của nữ nghị sĩ Phạm Thị Minh Hiền thảo luận về Báo cáo kinh tế - xã hội do Chính phủ trình Quốc hội. Bà Hiền đánh giá, trong năm 2020, Chính phủ đã “ghi” được rất nhiều “điểm tốt” trong lòng người dân cả nước: Sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đồng hành, chia sẻ, cứu trợ người dân trong phòng, chống đại dịch, thiên tai.

Từ đó lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, quật cường, khơi dậy sức mạnh nội tại trong nhân dân để mọi người đồng sức, đồng lòng, ứng biến vững vàng trước thảm họa thiên tai. Chính phủ đã củng cố niềm tin của nhân dân, khiến mọi người đoàn kết, tương thân tương ái, sáng ngời tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong lúc dầu sôi lửa bỏng, khó khăn hoạn nạn.

Hình ảnh các y bác sĩ, những người lính và cả người dân dù không máu mủ ruột rà nhưng chẳng ngại gian nguy, lao mình vào “điểm nóng” thể hiện nghĩa cử cao đẹp đã thật sự ghi dấu ấn vô cùng đặc biệt về lòng yêu nước, về tình quân dân, sự trung hiếu với Tổ quốc, với đồng bào trong thời bình hôm nay.

Song, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Nữ nghị sĩ cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ chưa thực sự chỉ ra được những tồn tại yếu kém là ở đâu, khi nào, ai là người người phải chịu trách nhiệm. Nếu không nhận diện được rất có thể sẽ tạo thành căn bệnh đùn đẩy, né tránh trong việc làm rõ, xử lý trách nhiệm.

Để chứng minh quan điểm của mình, ĐBQH của Đoàn Phú Yên nêu: Dù Chính phủ thừa nhận còn những tồn tại, hạn chế nhưng lại không “chỉ mặt đặt tên”, không gắn địa chỉ cụ thể đối với từng nội dung, lĩnh vực còn yếu kém. Khi nói về những hạn chế, thiếu sót, rất cần chỉ rõ địa phương, cơ quan, đơn vị nào thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm... để xảy ra sai sót, gây tốn kém nguồn lực thì mới có thể tránh được sự bức xúc, giận dữ của dư luận xã hội khi phát sinh những vụ việc nổi cộm.

Bà Hiền dẫn ra ví dụ về việc ban hành văn bản chung chung để trốn tránh trách nhiệm, cương quyết không nhận sai của Bộ GDĐT. Trong khi cả xã hội bức xúc vì bộ SGK lớp 1 vì dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền... Nữ đại biểu Quốc hội khẳng định, lỗi trong SGK chỉ có sai hoặc đúng, tại sao lại bao biện bằng một câu hết sức chung chung là bộ SGK lớp 1 có “nội dung chưa phù hợp”?

Ví dụ mà bà Hiền chỉ ra đối với Bộ GDĐT chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông. Còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp ra văn bản chỉ đạo, điều hành, báo cáo cấp trên... đều luôn có các cụm từ chung chung, để rồi không ai sai cả, có chăng chỉ là “lỗi thằng đánh máy”. Trong báo cáo của hầu hết các tỉnh bao giờ cũng có các câu: Còn biểu hiện bè cánh, thiếu trách nhiệm, chạy chức chạy quyền... nhưng đó là ai, ở đâu thì đố biết.

Đó là lý do vì sao trong nhiều năm qua, dù Chính phủ vẫn đang nỗ lực xây dựng bộ máy kiến tạo, nhưng lại vẫn có không ít cán bộ, công chức, viên chức cửa quyền, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, doanh nghiệp để vòi vĩnh phí lót tay, bôi trơn.

Đó là lý do vì sao có khá nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đã bị kỳ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: Lỗi nhỏ không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thì sẽ tích cóp lại thành sai phạm lớn, dẫn đến tay nhúng chàm thì khó mà gột rửa.

Khi mà còn nể nang, né tránh không chỉ ra cụ thể, chi tiết nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm, chỉ mặt đặt tên cụ thể cá nhân, đơn vị sai phạm, sẽ không bao giờ có thể khắc phục được, đừng nói tới việc triệt tiêu tiêu cực.

Vẫn là lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nơi nào làm tốt nguyên tắc dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch thì nơi đó sẽ hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực.

Nơi nào còn biểu hiện bè phái, lợi ích nhóm, nể nang, né tránh, nơi đó cấp ủy và chính quyền sẽ mất sức chiến đấu, phát sinh nhiều cán bộ tha hóa, biến chất. Vì thế, thái độ rõ ràng, mạch lạc chính là một trong những công cụ tiết chế tiêu cực hữu hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái độ rõ ràng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO