Thăm thẳm bóng người

Cao Minh Anh 19/07/2021 17:07

Trần Văn Cẩn nằm trong "bộ tứ danh họa" lừng lẫy của mỹ thuật Việt Nam: Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). Ông đã để lại cho nền mỹ thuật  Việt Nam một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng cùng những tác phẩm hội họa có giá trị.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn qua nét vẽ của Mộng Bích.

1. Ngày cuối cùng của tháng 7 này, theo lịch dương, là ngày mất của danh họa Trần Văn Cẩn. Vậy là ông đã bỏ lại thế gian này đúng 27 năm, đó là ngày 31/7/1994. Mỗi khi đi ngang qua phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội), tôi cứ nhìn mãi ngôi nhà số 10. Nơi ấy, trên tầng 3, thăm thẳm bóng một danh họa với những tác phẩm mỹ thuật đa dạng và độc đáo.

Trần Văn Cẩn sinh ngày 13/8/1910 tại thị Kiến An, Hải Phòng. Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, thân phụ là một công chức bưu điện, tuy nhiên, thưở nhỏ, Trần Văn Cẩn sớm bộc lộ năng khiếu và ham thích hội họa. Đến tuổi 15, Trần Văn Cẩn thi đỗ vào Trường Bách Nghệ ở Hà Nội. Có chuyện kể rằng, khi đó ông theo học nghề vẽ dentelle (đăng ten) và làm đồ gỗ. Tốt nghiệp, Trần Văn Cẩn về làm ở Sở cá Nha Trang, chuyên vẽ những mẫu cá lạ để lưu vào hồ sơ.

Năm 1931, Trần Văn Cẩn thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo học khóa VI (1931-1936) cùng với Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Vũ Đức Nhuận… Được học chuyên về sơn dầu, nhưng Trần Văn Cẩn không bỏ qua những chất liệu thuần túy dân tộc như lụa, sơn mài.

Thời gian học ở trường, Trần Văn Cẩn cùng với Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân nghiên cứu về kỹ thuật sơn ta, để tìm cách pha chế để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài, thể nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng. Năm 1934, Trần Văn Cẩn hoàn thành tác phẩm đầu tay “Mẹ tôi” và được chọn tham dự triển lãm ở Paris (Pháp). Một năm sau đó, Trần Văn Cẩn có 4 bức "Em gái tôi" (sơn dầu), "Cha con" (lụa), "Đi làm đồng" và "Cảnh bờ sông" (khắc gỗ màu) tham gia triển lãm triển lãm lần thứ nhất Hội Khuyến khích Kỹ thuật và Công nghệ (SADEAL) sau đó được tặng giải ngoại hạng và được cử vào Ban giám khảo.

"Lều chõng" là bức sơn mài giúp Trần Văn Cẩn tốt nghiệp thủ khoa ở Trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936). Tên tuổi ông lúc đó cũng đã bắt đầu được nhiều người nhắc tới, nhưng phải đến các tác phẩm như: “Em Thúy” (sơn dầu), “Chợ tết” (lụa), “Gội đầu” (khắc gỗ), “Hai cô gái trước bình phong” (lụa), họa sĩ Trần Văn Cẩn mới thực sự nổi danh. Trong đó, bức tranh “Em Thúy”, sáng tác năm 1943.

Em Thúy (sơn dầu, 1943).

2. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác, họa sĩ Trần Văn Cẩn tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Tại Đại hội văn nghệ toàn quốc 1948 ở Việt Bắc, ông được bầu vào Ban Thường vụ văn nghệ Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến, ông tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật ở Việt Bắc, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Năm 1954, sau khi Tô Ngọc Vân hy sinh, Trần Văn Cẩn được bầu làm Hiệu trưởng và đảm nhiệm cương vị này trong suốt 15 năm (1954-1969). Bên cạnh hoạt động giảng dạy, ông còn được bầu làm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (1958-1983), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1983-1989), Đại biểu Quốc hội khóa 2... Họa sĩ Trần Văn Cẩn còn có nhiều đóng góp, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam nói chung cũng như thẩm định, tuyển chọn những tác phẩm hội họa có giá trị cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dù làm công tác giảng dạy, quản lý hay làm công tác lãnh đạo Hội, họa sĩ Trần Văn Cẩn vẫn lấy sáng tạo làm mục đích sống của mình. Vì thế, ông cố gắng đi đó đi đây, có dịp là rong ruổi trên những nẻo đường đất nước. Bây giờ, xem lại một số tác phẩm của ông, đặc biệt là bộ ký họa màu nước được Trần Văn Cẩn sáng tác trong những năm 1955- 1979 cho thấy những dấu chân ông qua những vùng miền đất nước. Những “Chân dung cô T.” vẽ năm 1963, “Cố Thiềm” (1966), “Hai thiếu phụ và em bé” (1955); hay “Thuyền sông Hương” (1954), “Ráng chiều trên Đèo Nai” (1965), “Buôn Ma Thuột” (1975), “Vá lưới” (1965), “Nữ dân quân Bảo Ninh” (1969)… thật sự như cuốn nhật ký bằng hình ảnh được họa sĩ Trần Văn Cẩn ghi chép vừa rất chân thực vừa ngập tràn cảm xúc và sự rung động từ trái tim người họa sĩ.

Từ những chuyến đi thực tế và từ những ký họa trực tiếp đó, sau này ông đã sử dụng để thực hiện những tác phẩm nổi tiếng, bằng nhiều chất liệu khác nhau như: “Tát nước đồng chiêm” (sơn mài, 1958), “Nối lại dây gầu” (sơn dầu, 1957), “Đan len” (sơn mài, 1959), “Nữ dân quân miền biển” (sơn dầu, 1960)…

Khâu áo cho con (ký họa màu, 1955).

3. Dấu ấn mà họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại còn nhiều điều để kể, nhiều câu chuyện để nhắc nhớ, thậm chí có những chuyện riêng tư đến thời điểm này vẫn là một đề tài được rất nhiều người quan tâm, mà nếu đi sâu khai thác, có thể là đề tài “ăn khách”. Thế nhưng, tôi vẫn muốn dừng lại, để một lần nữa nhìn ngắm bức tranh “Em Thúy”.

Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 37 bảo vật quốc gia (đợt 2) cho các hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có bức “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Trong Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), bức tranh “Em Thúy” mang số đăng ký 226 D96, kích thước 45x60cm, được miêu tả như sau: Bức tranh vẽ chân dung bán thân của một nhân vật thực, bé Thúy ngồi trên một chiếc ghế mây. Tác giả đặc tả em bé gái với tinh thần lãng mạn, tinh tế, trong trẻo với hòa sắc sáng ấm với những đường cong nhẹ nhàng. Tác giả đã sử dụng lối bố cục điển hình kiểu châu Âu thời đầu thế kỷ XX, để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ nghệ thuật phương Tây đương thời.

“Em Thúy” được Trần Văn Cẩn vẽ bằng sơn dầu. Đến nay, giới nghiên cứu đánh giá bức “Em Thúy” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của danh họa Trần Văn Cẩn và là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ XX.

Một nhạc sĩ người Anh, lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh Em Thúy đã thốt lên rằng: “Tôi thực sự xúc động đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh và bởi “Em Thúy” ngồi đó nhìn xuống tôi như người giám hộ những ký ức tuổi thơ… Tôi từng nói rằng, bức tranh “Em Thúy” là bản phóng tác của Mona Lisa cái nhìn đầy bí ẩn”.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng II, Huân chương Lao động hạng III và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông cũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) cho các tác phẩm: Vẽ mẫu quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1955), Tát nước đồng chiêm (sơn mài, 1958), Công nhân mỏ (sơn dầu, 1960), Nữ dân quân miền Biển (sơn dầu, 1960), Thằng cu đất mỏ (sơn mài, 1962), Mùa đông sắp đến (sơn mài, 1962), Mưa mai trên sông Kiến (sơn mài, 1972).

Tên của ông được đặt cho một con phố thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăm thẳm bóng người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO