Tháng 7 ở Ngã ba Đồng Lộc

HẠNH NGUYÊN 14/07/2023 07:41

Tháng 7 - tháng tri ân, dòng người nườm nượp tìm về Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh trên mảnh đất linh thiêng này.

Lịch sử hào hùng

Những ngày này, dù tiết trời nắng nóng, oi bức nhưng không làm chùn bước dòng người hướng về ngã ba Đồng Lộc. Tập thể Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đang tất bật chuẩn bị những việc quan trọng cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ TNXP.

Lần dở những trang sử hào hùng, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc Trần Đình Ước rưng rưng nhắc lại với chúng tôi quá khứ bi tráng của một thời hoa lửa. Ngã ba Đồng Lộc nằm trong thung lũng giao cắt giữa hai

Học sinh dâng hương tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Quốc lộ 15A và 15B, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của lực lượng TNXP.

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc được ví như “yết hầu”, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Để giữ vững huyết mạch giao thông từ Bắc vào Nam, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24/7/1968.

Loạt bom thứ 15 trong ngày trút xuống Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có một quả bom đã phát nổ gần căn hầm chữ A (nơi 10 chị đang tránh bom) làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, từ 17 đến 24 tuổi. Cũng tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, nơi đây đã gắn liền với tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ với những chiến công vang dội như: Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, La Thị Tám…

Với tinh thần đó, từ cuối năm 1964 đến năm 1972, quyết tâm đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ.

“Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ với gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân, mỗi mét vuông đất ở Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom. Vào lúc cao điểm nhất, tại ngã ba này đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và TNXP làm nhiệm vụ phá bom, mở đường” - ông Ước nói.

Trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cũng cho biết thêm, từ một địa danh được ví là “túi bom”, là “vùng đất chết” trong chiến tranh, ngày nay Ngã ba Đồng Lộc đã được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng như của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, nơi đây đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, với nhiều quần thể di tích, công trình ý nghĩa, tiêu biểu được đầu tư xây dựng, tôn tạo xứng tầm.

Quá khứ là bệ phóng của tương lai

Tháng 7, dòng người đến với Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc như đông hơn. Mảnh đất này từng một thời là “chảo lửa, túi bom”, lại đón muôn triệu bước chân từ khắp bốn phương trời. Chiều Đồng Lộc thoang thoảng gió, cái nắng cũng dịu nhẹ hơn phần nào, trong dòng người về nguồn, có những người mới đến lần đầu, có người năm nào cũng đến, nhưng trong tất cả là những cảm xúc bồi hồi, xúc động.

Từng người, từng người dâng nén hương thơm tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Những lời rì rầm khấn nguyện, những sự cảm phục xen lẫn tự hào rừng rực chảy trong mỗi người. Và, nước mắt dâng tràn khi nghe các anh, chị hướng dẫn viên thuyết minh lại sự dũng cảm của 10 nữ anh hùng đã mãi mãi nằm lại nơi ngã ba huyền thoại này.

Chiều miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như khắc vào tâm tư người đến thăm nỗi xúc động, luyến lưu.

“Là TNXP từng chiến đấu ở chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, nên tháng 7 năm nào tôi cũng về đây để ôn lại một thời hoa lửa và tưởng nhớ đồng đội của mình. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức một thời vẫn sống mãi trong tôi” - cựu TNXP Võ Thị Thanh (xã Trung Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) xúc động nói.

Trong dòng người ở Ngã ba Đồng Lộc không chỉ có những cựu binh, lực lượng bộ đội, công an, TNXP, các đoàn du lịch mà còn có cả những gia đình đưa con cháu đến và cả những đoàn học sinh từ các trường học trên cả nước cùng về đây như để tìm về với lịch sử hào hùng dân tộc.

Xem mô hình tái hiện lại chiến trường Đồng Lộc năm xưa và những hiện vật ở bảo tàng, thế hệ trẻ chưa một lần biết sự khốc liệt thật sự của chiến tranh, của mất mát, của đau thương và những hạnh phúc rất đỗi bình thường trong những năm tháng khói lửa ấy, các em đã rất xúc động. Không ít những người trẻ, khi nhìn những hiện vật, khi nghe những câu chuyện, họ càng nghe rõ hơn lòng mình, càng hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Lắng mình sau khi đọc bức thư của chị Võ Thị Tần - Đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552 gửi cho mẹ trước khi hy sinh, đôi mắt em Nguyễn Thanh Hoài (học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng, Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhòe đi vì xúc động. Em chia sẻ: Nghỉ hè, em được bố mẹ đưa về Ngã ba Đồng Lộc. Về đây, về với chứng tích lịch sử em mới hiểu hết được giá trị lịch sử của quê hương, dân tộc. Chuyến đi thực tế này sẽ tạo động lực giúp em học tập tốt hơn.

“Mỗi năm Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón tiếp và hướng dẫn cho trên 400.000 lượt khách. Riêng tháng 7 năm nào cũng đông hơn thường lệ, mỗi ngày đón từ 1.000 - 2.000 lượt du khách đến đây tham quan và dâng hương” - ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng 7 ở Ngã ba Đồng Lộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO