Thành công trong giông bão

Duy Phương - Việt Thắng -Thúy Hằng (thực hiện) 16/02/2021 09:00

Năm 2020 là năm “Việt Nam thành công trong giông bão”, những con số tăng trưởng đạt được là vô cùng ấn tượng. Chặng đường đầy khó khăn của năm 2020 được ví như “lửa thử vàng” đối với nền kinh tế nước nhà khi chúng ta đã về đích với nhiều chỉ tiêu đạt được, đặc biệt là tăng trưởng dương trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái nặng vì Covid-19. Năm 2021 sẽ như thế nào khi dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn? Cùng lắng nghe những nhận định của các chuyên gia về bức tranh kinh tế trong năm 2021.

Ông Trần Văn Lâm.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội: Nhiều điều kiện bứt phá

Năm 2021 cơ bản tình hình kinh tế chúng ta sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những khó nhất trong năm 2020 chúng ta đã vượt qua, bây giờ đang trên đà phục hồi.

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhưng tình hình không quá gay cấn, khốc liệt như năm 2020. Thách thức lớn nhất trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế vẫn là vấn đề dịch bệnh. Bởi trên thế giới tình hình dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm dù đã có vaccine. Còn ở Việt Nam kể cả có vaccine thì chúng ta cũng không thể tiếp cận được ngay vì cần có thời gian.

Chúng ta chống dịch khác với các nước trên thế giới, bởi chỉ cần có một vài trường hợp bệnh lây lan thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế nguy cơ lớn nhất vẫn là dịch bệnh, nếu ta ngăn cản, không để cho dịch bùng phát trong cộng đồng chúng ta sẽ có cơ hội để phát triển và có cơ hội phục hồi nhanh hơn các nước khác.

Mục tiêu tăng trưởng đặt ra từ 6-7% cũng là phù hợp và khiêm tốn trong bối cảnh chúng ta cũng lường trước được những khó khăn thách thức. Tôi cho rằng, nếu thuận lợi chúng ta có thể tăng trưởng cao hơn vì thực tế năm trước tăng trưởng hụt thì năm sau mẫu số sẽ ở mức cao, có điều kiện để tăng trưởng nhanh hơn.

Còn nếu bị tác động xấu thì có thể bị ảnh hưởng và mức 6% là khá khó khăn. Dù vậy, chúng ta cũng có những điều kiện rất thuận lợi từ thành quả của phòng chống dịch bệnh, tình hình chính trị xã hội ổn định. Hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm khi đổ vốn vào thị trường Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến nhiều dòng vốn dịch chuyển vào trong nước.

Ở các địa phương hiện nay đặc biệt tại những khu, cụm công nghiệp khu vực xung quanh các thành phố lớn, các trung tâm hiện đang “lên cơn sốt” về hạ tầng, đất đai do các nhà đầu tư ồ ạt mở rộng quy mô nhà xưởng, thuê nhân công, mở rộng nhà máy phát triển sản xuất.

Nếu chúng ta vẫn duy trì được môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh xã hội ổn định thì thu hút đầu tư sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, và điều kiện tăng trưởng còn cao hơn nữa. Đó là những điểm sáng rõ rệt của bức tranh kinh tế năm 2021 có thể nhìn thấy ngay, nhất là khi so với điều kiện các nước khác vẫn còn đang bị chìm trong dịch bệnh.

Năm 2021, nếu chúng ta tiếp tục khống chế được dịch bệnh, thì mục tiêu tăng trưởng 6-7% là khả thi.

Tất nhiên điều này còn phụ thuộc không nhỏ vào việc cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng ra sao. Thực tế, thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta liên tục được cải thiện. Từ Trung ương đến địa phương đều ý thức được làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và sản xuất, phục hồi kinh doanh, từ đó phục hồi nền kinh tế.

Tình hình hiện đang từng ngày khá dần bộc lộ ở tất cả các yếu tố từ thể chế, các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện, điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng tiến đến thực hiện các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết, mở cửa thị trường. Cùng với đó chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong tạo lập môi trường chính trị, xã hội ổn định để thu hút đầu tư. Các thành tựu trong cải thiện hạ tầng, cải thiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Đó chính là yếu tố rất thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.

TS Vũ Tiến Lộc.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Sức mạnh nội lực là “bảo bối” vượt bão giông

Năm 2020 chúng ta cực kỳ nỗ lực khi duy trì được mức tăng trưởng dương. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm bởi đại dịch Covid-19 thì đó thực sự là một kỳ tích. Có thể khẳng định, Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh. Theo đó, song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1 thì gói hỗ trợ thứ 2 cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời - những ngành mà nếu vượt khó thành công sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch… Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức nêu trên, Việt Nam vẫn nổi lên là một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong giông bão.

Cùng với chỉ số tăng trưởng GDP, kinh tế Việt Nam năm 2020 có nhiều điểm nhấn. Điểm nhấn thứ nhất phải kể đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 500 tỷ USD. Thứ hai là tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cả năm đạt gần 27 tỷ USD. Trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, kết quả này rõ ràng ấn tượng bởi thế giới năm 2020 chỉ chứng kiến sự suy giảm kinh tế. Điều đó thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế.

Những thành công nói trên, những con số đầy ấn tượng nói trên là kết quả của những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng DN.

Năm 2021 được cho là năm bứt phá của xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến việc hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, mở ra nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như EVFTA, EVIPA, RCEP, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh và Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ dệt may Việt Nam- Hàn Quốc… Quốc hội cũng đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Tất nhiên, chúng ta vẫn cần phải nhìn nhận rằng, năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở DN tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi và tiếp tục phát triển.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bối cảnh dịch bệnh kéo dài trong năm qua một lần nữa khẳng định khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế trước các biến động khó lường, và đó chính là một trong những sức mạnh nội lực cần có của mỗi doanh nghiệp. Sức mạnh nội lực chính là “bảo bối” để cộng đồng doanh nghiệp vượt mọi bão giông. Do đó, trước các thách thức mới như thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tôi cho rằng, rất cần xây dựng một trung tâm quốc tế tại Việt Nam nghiên cứu các mô hình kinh doanh có khả năng thích ứng với những đe dọa, biến động khó lường này trong tương lai.

PGS.TS Phạm Thế Anh.

PGS.TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân); Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR): Mạnh dạn thâm nhập thị trường, tận dụng các FTA

Trước hết, nói về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Chính phủ đặt ra ở mức 6,5%, đây là con số đã giảm hơn so với giai đoạn trước. Hơn nữa, mức này hoàn toàn khả thi nếu thực hiện trong điều kiện bình thường, tình hình bệnh dịch trong nước được khắc phục, dựa trên các nguồn lực mà Việt Nam sẵn có về lực lượng lao động, các cam kết mà Việt Nam tham gia tại nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi đón nhận xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, tái cấu trúc sản xuất từ các quốc gia phát triển.

Một trong những quy luật của kinh tế là quy luật năng suất biên giảm dần. Nghĩa là một quốc gia chuyển từ thu nhập thấp, tăng dần lên thu nhập cao thì tốc độ tăng trưởng sẽ có xu hướng giảm dần. Do vậy, nếu nền kinh tế của Việt Nam không có gì đột phá, vượt trội hơn các quốc gia khác về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, sáng tạo các sản phẩm công nghệ dẫn đầu… trong giai đoạn 5 năm tới thì tốc độ tăng trưởng giai đoạn sau sẽ thấp hơn giai đoạn trước.

Nhìn vào lịch sử tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấy, giai đoạn phát triển năm 1990-2000 có tốc độ tăng trưởng GDP từ 7-8%/năm, giai đoạn 2000-2010 tăng 6-7%/năm, giai đoạn 2010-2020 thì có năm chỉ tăng hơn 5%, có năm tăng hơn 6%... Các quốc gia khác cũng thế.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP trong giai đoạn 5 năm tới còn phụ thuộc vào việc khống chế dịch Covid-19. Nhiều dự đoán cho rằng, nếu nhanh thì cũng phải đến cuối năm 2021, dịch bệnh mới khống chế được hoàn toàn và sang năm 2022 kinh tế thế giới mới có thể trở lại bình thường.

Hàng dệt may là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam

Điều này cũng có nghĩa rằng, để đạt được kết quả tăng trưởng như kế hoạch phụ thuộc rất nhiều vào việc 5 năm tới chúng ta làm được gì, tạo ra gì, tạo được lợi thế gì? Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng hiện tại, tức là hoạt động sản xuất gia công, làm thuê thì giá trị gia tăng tạo ra không nhiều. Trong khi nếu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân trong nước thì GDP tất yếu sẽ tăng.

Chúng ta thấy rất rõ, hiện nay, GDP của Việt Nam chủ yếu đến từ các ngành chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu, nhưng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hàng hóa của chúng ta lại đang dựa nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nên giá trị gia tăng tạo ra sẽ bị chuyển về cho khu vực doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI vẫn đang coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn với nguồn lao động giá rẻ, nhiều ưu đãi thu hút đầu tư và các ưu đãi mà Việt Nam có từ FTA. Nên nếu tiếp tục mô hình này trong 5 năm tới thì khu vực chế biến, chế tạo vẫn giúp giải quyết việc làm một cách tốt nhất, vẫn sẽ là khu vực “bản lề” tạo ra giá trị đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế bước sang mức thu nhập cao hơn thì chúng ta sẽ mất đi nguồn lao động giá rẻ. Hơn nữa, trong khoảng 10 năm nữa, lao động của Việt Nam sẽ không dồi dào như hiện nay, vì cơ cấu dân số của chúng ta đã và đang bước vào giai đoạn già hóa. Chính vì thế, chúng ta phải chú trọng và dịch chuyển sang phát triển dựa vào khu vực dịch vụ.

Hiện khu vực này cũng đã có sự chuyển dịch, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 trong năm nay nên một số ngành như nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không… bị chững lại, chịu các thiệt hại nặng nề. Do đó, khi kinh tế phục hồi thì lĩnh vực dịch vụ phải tiếp tục được chuyển dịch, bởi đây là khu vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp và người lao động trong nước hơn.

Một lĩnh vực khác cũng không thể bỏ qua là nông nghiệp, đây được coi là trụ đỡ của nền kinh tế song thời gian dài vừa qua, những giá trị gia tăng từ khu vực này lại không nhiều. Xuất khẩu nông sản vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, không qua chế biến sâu nên giá trị gia tăng thấp, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp cũng không có trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, gần đây, chúng ta cũng đã ứng dụng công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp nên đã tạo ra được nhiều sản phẩm sạch, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đó là một điểm nhấn cần tiếp tục phát huy.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều bất cập cho nền kinh tế. Song năm 2020 chúng ta chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của xuất khẩu hàng hóa. Điều này một phần nhờ vào những cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết và thực thi trong thời gian qua. Năm 2021 và những năm tiếp sau, các FTA này sẽ tiếp tục mang đến vận hội lớn cho nền kinh tế nước nhà. Vấn đề là các DN sẽ tận dụng như thế nào?

Vì nhiều cam kết, lợi thế lại đang bị các doanh nghiệp nước ngoài “chớp” lấy do họ có kinh nghiệm, có công nghệ, chỉ cần đáp ứng về quy tắc xuất xứ là thực hiện được. Trong khi nhiều DN trong nước vẫn chưa sẵn sàng tham gia, vẫn còn đang e ngại. Bởi vậy, 2021 sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp Việt bứt phá, mạnh dạn thâm nhập thị trường, tận dụng FTA nếu không muốn đẩy các cơ hội lớn sang tay các doanh nghiệp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành công trong giông bão

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO