Ngày 29/7, Đoàn giám sát do ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo nhanh của UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác bảo vệ môi trường cho thấy: Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, từng bước đi vào nền nếp, cơ bản đảm bảo các quy định của pháp luật.
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có nhiều chuyến bìến tích cực; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách cho các nhiệm vụ, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh đã quy hoạch 5 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và 75 khu xử lý tập trung tại các địa phương. Đến nay đang triển khai thực hiện 3 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và có 42 khu xử lý chất thải rắn đang hoạt động.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã huy động trên 630 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo số liệu thống kê, hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2.100 tấn/ngày, trong đó 85% khối lượng được thu gom, xử lý bằng 2 hình thức chủ yếu là chôn lấp và đốt. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng hơn 1,2 triệu tấn, trong đó 92,5% được tái chế, tái sử dụng.
Trên địa bàn tỉnh có 348 giấy phép khai thác khoáng sản còn thời gian hoạt động. Tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây xói lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Từ năm 2014 - 2020, các Sở ban ngành, địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại đối với hơn 2.600 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, xử lý vi phạm hành chính đối với gần 2.000 cơ sở, doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh đã có 45/82 cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm và được rút khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên địa bàn tỉnh có 348 giấy phép khai thác khoảng sản còn thời hạn hoạt động, trong đó có 334 giấy phép khai thác được UBND tỉnh cấp và 14 giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; có 96 khu vực mỏ đã khai thác hết trữ lượng hoặc hết thời hạn được UBND tỉnh ban hành Quyểt định đóng cửa mỏ.
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động khai thác khoáng sản đang được tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sông người dân…
Tuy nhiên, tình hình khai thác khoáng sản trái phép làm vật liệu xây dựng vẫn còn diễn ra nhiều, đặc biệt là tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên tuyến sông Mã, sông Chu, sông Tào Xuyến, sông Lèn tập trung tại các huyện Quan Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa…
Một số tàu, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm, lợi dụng ban đêm, sử dụng vòi hút sâu dưới lòng sông từ 10-15 m để tham gia hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép gây sạt lở một số hệ thống đê điều, bờ sông và đất canh tác của người dân,…
Bên cạnh đó, trên địa bàn một số huyện, thị xã như: Thọ Xuân, Hà Trung, Bỉm Sơn, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn, Ngọc Lặc,... vẫn xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tòng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thông qua công tác giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách pháp luật về BVMT đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen về BVMT đến tổ chức, cá nhân, các doanh nghìệp, hộ sản xuất kinh doanh… thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải trong sản xuất kinh doanh và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đúng quy định. Qua đó góp phần nâng cao ý thức cùa người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đề nghị tỉnh Thanh Hóa làm rõ thêm một số nội dung: việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội gặp thuận lợi, khó khăn như thế nào, nhất là đối với việc quy hoạch quản lý, xử lý chất thải, nước thải; Thanh Hóa có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào, việc khắc phục tình trạng thiếu nước do hạn hán, nắng nóng, ngập úng, lũ quét vào mùa mưa ở địa phương để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; tỉnh có giải pháp khắc phục thế nào đối với tình trạng quá tải đang ứ đọng nhiều rác tại các bãi trung chuyển; tình hình thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; việc thu gom và xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Trước những vấn đề mà đoàn giám sát nêu ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã chỉ đạo các Sở ban ngành trao đổi và làm rõ thêm một số nội dung mà đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường; MTTQ và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quan tâm quy hoạch bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư, lựa chọn công nghệ phù hợp trong xử lý rác thải; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường, trong đó MTTQ phải công khai các yêu cầu liên quan đến bảo vệ môi trường, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra.
Đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục xây dựng các mô hình khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường, ở từng khu dân cư phải lựa chọn những phần việc cụ thể về công tác bảo vệ môi trường; MTTQ các cấp vào cuộc cụ thể hơn, thiết thực hơn trong công tác giám sát, phản biện xã hội về lĩnh vực môi trường. Đối với các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, đoàn giám sát sẽ tổng hợp, gửi đến các Bộ ban ngành để sớm giải quyết các vướng mắc của địa phương.
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, tại khu B - KCN Bỉm Sơn, Thanh Hóa, đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn, Ban Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải và khai thác khoáng sản Xuân Hòa.
Tại buổi làm việc này, đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Xuân Hòa, đồng thời kiểm tra, giám sát cụ thể hệ thống xử lý chất thải rắn, hệ thống nước thải, khí thải của công ty…