Thanh Hóa: Sẽ xử lý nghiêm nếu 'găm' xăng, dầu

Nguyễn Chung 12/02/2022 06:20

Trước thông tin Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022, ông Nguyễn Tiến Hiệu - Trưởng Ban Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa quả quyết: “Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang hoạt động bình thường, không có chuyện sẽ đóng cửa”. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa cũng khẳng định: “Nếu chủ cửa hàng cũng như các đơn vị liên quan có dấu hiệu “găm hàng” sẽ kiên quyết xử lý”.

Một góc Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn.

Những ngày qua, có nhiều thông tin cho rằng, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do gặp khó khăn về tài chính đã khiến dư luận hết sức quan tâm và lo ngại. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang hoạt động đạt 70-80% công suất và dự kiến tháng 3/2022 đạt 86% công suất, những tháng tiếp theo sẽ hoạt động bình thường. Ban Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng đang làm việc với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để họ cam kết sản xuất xăng, dầu theo đúng kế hoạch kể trên.

Ông Hiệu khẳng định: “Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang hoạt động bình thường, nên sẽ không có chuyện sẽ đóng cửa vào ngày 13/2/2022. Công suất hoạt động của nhà máy giảm nhưng lượng xăng, dầu trong kho vẫn còn nên cơ bản mặt hàng này sẽ không bị khan hiếm”.

Được biết, trước đó vào tháng 1/2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hủy nhập dầu thô, giảm công suất hoạt động khoảng 20% do nhà máy thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. Sự việc này khiến thị trường xăng, dầu trong nước đứng trước nguy cơ “khan hàng”. Tuy nhiên, trên thực tế, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng kịch bản để đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu trong nước.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thức - Trưởng phòng thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 343 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, có 577 cửa hàng xăng, dầu. Tính đến thời điểm này, hoạt động kinh doanh xăng, dầu vẫn diễn ra bình thường.

Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn. Đồng thời xử lý nghiêm đối với thương nhân kinh doanh xăng, dầu tự ý ngừng bán hàng khi chưa có văn bản chấp thuận của ngành chức năng.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn cần đảm bảo nguồn cung xăng, dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện mở cửa bán hàng theo thời gian đã thông báo với cơ quan nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết sáng ngày 10/2, về việc giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng - Quyền Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: “Để đảm bảo việc cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh được thông suốt, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, ngay từ trước Tết đến nay, Cục đã tuân thủ nghiêm theo công điện chỉ đạo số 517 ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, liên tục giám sát tất cả hoạt động của các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất ngay.

Nếu chủ cửa hàng có dấu hiệu “găm hàng” thì xử lý cửa hàng. Còn trong trường hợp nếu cửa hàng hết xăng, dầu để kinh doanh thì xử lý doanh nghiệp đầu mối cung ứng. Quan điểm là xử lý nghiêm, không có ngoại lệ”.

TP HCM: Kiểm tra hàng loạt cây xăng lớn giữa bối cảnh giá xăng leo thang

Có 18 trong tổng số hàng trăm cơ sở kinh doanh xăng, dầu lớn trên địa bàn TP HCM nằm trong danh sách thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng, dầu trong năm 2022.

Động thái của chính quyền TP HCM diễn ra trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục leo thang, đồng thời một số địa phương phát hiện hành vi vi phạm các quy định của nhà nước, trong đó một doanh nghiệp kinh doanh xăng tự ý nâng giá bán. Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công thương thành phố đã ban hành văn bản (ngày 10/2) về kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng, dầu trong năm 2022. Theo văn bản này, có 18 cơ sở kinh doanh xăng, dầu lớn trên địa bàn nằm trong kế hoạch thanh, kiểm tra.

Thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra gồm đại diện Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố cùng một số cơ quan chức năng do ông Lê Hoàng Hải - Phó Chánh thanh tra Sở Công Thương TP HCM làm trưởng đoàn. Quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật. Trong đó, đoàn sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, có quyền niêm phong, thu giữ tài liệu, tang vật vi phạm và đình chỉ các hoạt động trái pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Được biết, thời gian đoàn kiểm tra triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra toàn diện các đơn vị kinh doanh xăng, dầu tại TP HCM sẽ diễn ra từ ngày 16/2 đến 31/5 tới.

LÊ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Sẽ xử lý nghiêm nếu 'găm' xăng, dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO