Thanh tra tài nguyên môi trường: Quyền lực bị phụ thuộc

Tuấn Việt 13/03/2017 09:10

Hầu hết các vụ việc sai phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường được phát hiện đều xuất phát từ bức xúc của nhân dân, thông qua báo chí, hoặc “vì việc đã xảy ra rồi”, trong khi đó công tác thanh tra là công việc thường nhật tại các tỉnh, thành phố hiện nay. Ở đây, câu hỏi về năng lực thanh tra còn yếu, hay cội nguồn lại ở nguyên nhân khác?

Khai thác trái phép tài nguyên gây ảnh hưởng đến môi trường. (Ảnh: Hoàng Nguyên).

Năm 2017, ngành thanh tra môi trường sẽ thanh tra trách nhiệm tại 7 tỉnh gồm Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum và An Giang. Các lĩnh vực thanh tra gồm lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước.

Tại hội nghị ngành thanh tra tài nguyên môi trường diễn ra mới đây tại Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã thừa nhận “sức nóng” mà ngành TN&MT quản lý ngày một “tăng nhiệt”.

Đó là ô nhiễm môi trường trong thực tế ngày một phức tạp và đa dạng loại hình. Từ xả thải, rác thải, nguồn nước, biển, đến làng nghề, đa dạng sinh học, thời tiết. Hay sự khai thác trái phép các nguồn tài nguyên để làm giàu cho nước bạn. Kể cả những phiền hà, nhiễu nhương, thậm chí sự thiếu minh bạch liên quan đến vấn đề sử dụng đất, cấp đất…

Vậy vì sao chỉ khi người dân phản ứng dữ dội, hoặc vụ việc bị phanh phui từ báo chí, hay những chuyện xảy ra rồi như xả thải Formosa, cá chết hàng loạt ở nhiều địa phương, hàng chục năm sống cạnh rác… thanh tra mới vào cuộc, hay tổng thanh tra các lĩnh vực liên quan? Ở đây nếu đánh giá như trong các báo cáo, coi đó là những tồn tại và hạn chế của thanh tra không chỉ ngành tài nguyên môi trường, thì rõ ràng là chưa “nhìn thẳng vào sự thật”. Bản chất phải là sự làm ngơ, châm chước, là những quan hệ phụ thuộc cấp cơ sở…

Nhìn vào con số thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường năm 2016, toàn quốc đã triển khai 2.017 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 7.975 tổ chức, cá nhân, phát hiện và xử lý 2.896 tổ chức, cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 93 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 5.948 ha đất, 37 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

93 tỷ đồng so với 2.896 tổ chức. Nếu đào được một vỉa than, khai thác thêm một ụ cát, xả thải thêm vài trăm khối nước độc hại để tăng sản xuất, hoặc “sắn” thêm vài m2 đất để ở hoặc bán… có lẽ “vài đồng” tiền phạt ấy sẽ chẳng bao giờ vào đầu các cá nhân và doanh nghiệp.

Dư luận cần bằng chứng, nhưng kết luận đúng người đúng tội còn cần thiết hơn nhiều, để răn đe và không tái phạm.

Đó dường như cũng là lý do, tại nhiều địa phương mặc dù đã có kết luận thanh tra nhưng một năm sau vẫn vậy, vài năm sau người dân vẫn phản ứng và khiếu kiện. Báo cáo ngành thì toàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc vượt chỉ tiêu? Sự mất niềm tin của người dân xuất phát từ những nghịch lý tréo ngoe ấy.

Trách nhiệm thuộc người đứng đầu. Người đứng đầu lệ thuộc vào tỉnh, thành, những người quyết định cho cương vị và trách nhiệm. Phải chăng đó là nguồn cơn của việc chưa đúng người, trách nhiệm không thuộc về ai và khiến tư duy lệch lạc?

Chuyện một ông chủ tịch xã tại Lạng Sơn năm trước báo cáo một đằng, năm sau lên chức báo cáo một nẻo, trong khi người dân cả chục năm khiếu kiện vì ô nhiễm. Hiện thực sờ sờ nhưng quyền lực đã bị phụ thuộc. Liệu ngành thanh tra, không chỉ tài nguyên môi trường có bị phụ thuộc?

Nhìn thẳng vào sự thật, minh bạch công tác thanh tra là những nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại hội nghị ngành TN&MT. 94 báo cáo tại hội nghị cũng nêu cao vai trò của sự thật và minh bạch. Tuy nhiên, sự thật và minh bạch đó, đang bị quyền lực phụ thuộc. Quyết định địa phương, ở thời điểm then chốt, đôi khi là tối thượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh tra tài nguyên môi trường: Quyền lực bị phụ thuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO