Tháo gỡ vướng mắc học phí, sách giáo khoa

LÊ ANH 08/08/2022 11:22

Thời gian gần đây, nhiều trường công lập đã tự chủ tăng học phí nhưng chưa có cơ chế tín dụng để người học tiếp cận, nhất là con em các hộ nghèo, gia đình chính sách. Thêm vào đó, việc thay đổi sách giáo khoa (SGK) cũng đang là chủ đề gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.

Nhiều người học khó tiếp cận nguồn vay tín dụng trong khi nhiều trường tăng học phí thường xuyên.

Tại TPHCM, học phí tại một số trường đại học công lập được ghi nhận đã tăng trung bình từ 60-70%, có cơ sở giáo dục đã tăng gấp từ 2-3 lần sau chỉ vài năm tự chủ. Trong khi đó, dù chưa xem xét tăng học phí nhưng dự thảo tờ trình của HĐND TP Hà Nội cũng dự trù mức học phí năm học 2022-2023 có thể sẽ tăng gấp đôi.

Có thể nói, chủ trương tăng học phí dù giúp các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học tự chủ hoạt động, giảm phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách, thế nhưng lại đang là gánh nặng đối với xã hội. Sau hai năm ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, các khó khăn chưa thể phục hồi khiến nhiều gia đình lâm vào tình thế tài chính khó xoay sở.

Đại diện Trường Đại học Sài Gòn thẳng thắn chỉ ra chính sách học phí hiện nay quy định khung thu dựa vào mức sống của dân cư ở từng vùng. Nguyên tắc này dù đảm bảo tốt chính sách xã hội nhưng lại mâu thuẫn về cân đối trong thu để bù đắp chi phí đào tạo. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi vấn đề tăng học phí đã tác động đến việc giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên khó khăn. Đồng thời, tác động làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực ở các trình độ, nhất là bậc ĐH, CĐ. Khi câu chuyện về tăng học phí chưa thể thích ứng, vấn đề về đổi mới SGK liên tục cũng khiến phát sinh các khoản chi thường xuyên đối với người học, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Mới đây, khi làm việc với TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm bài toán tăng học phí, đồng thời giải quyết các bức xúc về SGK. Theo Phó Thủ tướng, học phí là chi phí giáo dục, cần phải tăng để đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thành phố cũng cần lưu ý phần học phí tăng lên này không phải do phụ huynh, mà sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Do đó, thành phố cần tính toán các phương án, nếu miễn giảm học phí thì nguồn thu các trường không giảm; nếu tăng thì phụ huynh không phải đóng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu TPHCM dùng ngân sách mua khoảng 70% SGK để học sinh sử dụng, giữ từ năm này sang năm khác. Không chỉ riêng TPHCM, theo tính toán cả nước mỗi năm sẽ phải chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho SGK. Nếu số tiền khổng lồ này chia ra cho 63 tỉnh, thành thì “gánh nặng” sẽ quá lớn đối với các địa phương khó khăn, chưa kể các tác động đến người học ở những vùng này.

Lý giải cho câu chuyện tăng học phí hay đổi mới SGK, nhiều trường dẫn nghiên cứu kỳ vọng nguồn thu của các trường từ ngân sách từ 25,5 - 28,7% sẽ giảm xuống chỉ còn từ 2,6 - 6,1%. Trong khi đó, nguồn thu từ học phí, lệ phí và SGK sẽ tăng lên đáng kể từ 69 - 75,5%, chưa kể các nguồn thu từ hoạt động khoa học và xã hội hóa khác. Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quá trình tăng học phí thời gian qua lại không gắn với việc tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về lệ phí, học phí và các nguồn chi thường xuyên khác. Cụ thể, cơ chế về quỹ học bổng, chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí của các trường rất “nhỏ giọt”. Trong khi đó, chính sách ưu đãi vay tín dụng cho người học vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính các bất cập này cũng đã khiến giảm cơ hội được đến trường của con em các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH, CĐ theo chủ trương của Chính phủ.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước vừa trải qua hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nguồn hỗ trợ từ ngân sách vẫn đang đảm bảo tháo gỡ khó khăn đối với xã hội. Kế đó, kèm theo cơ chế tự chủ giáo dục cũng cần một lộ trình tăng học phí và đổi mới SGK phù hợp, cân bằng với nhu cầu thực tế của dạy và học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ vướng mắc học phí, sách giáo khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO