Thắp lên ngọn lửa chiến đấu của báo chí Cách mạng Việt Nam

Dạ Yến (thực hiện) 13/11/2021 06:30

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020-2021, sau khi phát động, báo chí đã quyết liệt vào cuộc với quy mô lớn, phản ánh sâu sắc thông qua những tác phẩm về đề tài chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến của báo chí Cách mạng Việt Nam.     

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài. Ảnh: Quang Vinh.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết trước thềm Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào lúc 20h tối nay (ngày 13/11), ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải khẳng định, công việc chuẩn bị cho Lễ trao giải đã sẵn sàng, trong đó công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 được đưa lên hàng đầu.

PV: Thưa ông, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sau 2 lần gặt hái được nhiều thành công, tiến tới chuẩn bị tổ chức Lễ trao Giải lần thứ 3 chắc chắn sẽ là một điểm nhấn quan trọng nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài: Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét.

Hưởng ứng quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, MTTQ Việt Nam đã chủ động triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ này.

Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể ngay từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, khoá VIII diễn ra hồi đầu năm 2017.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để triển khai Nghị quyết Trung ương 4, MTTQ Việt Nam và nhân dân, báo chí phải vào cuộc, Mặt trận phải sử dụng, phát huy thế mạnh của báo chí và Mặt trận phải làm cho sức mạnh đó tốt hơn nữa. Trên cơ sở này, ngay tại Hội nghị, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (nay là Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Sau khi phát động, báo chí đã quyết liệt vào cuộc với quy mô lớn, phản ánh sâu sắc thông qua những tác phẩm về đề tài chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến của báo chí cách mạng Việt Nam.

Mỗi lần tổ chức giải, Ban tổ chức đã nhận được hàng ngàn tác phẩm, trong đó rất nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, đi sâu bản chất sự việc, kiến giải, phân tích và đề xuất biện pháp cần xử lý, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thể hiện được phẩm chất dấn thân của nhà báo, bản lĩnh cũng như trình độ tác nghiệp để có những tác phẩm thực sự có chất lượng.

Qua đó cho thấy, ở những nơi “nóng bỏng” nhất của đời sống xã hội đều có sự xuất hiện, xông pha của các nhà báo, mạnh mẽ đấu tranh với cái xấu, nhân lên những cái tốt. Trong mọi hoàn cảnh, báo chí vẫn tiếp tục thể hiện được tính chiến đấu cùng với đó là tính nhân văn.

“Có thể nói rằng, một trong những nét mới của Giải lần này là có Giải Đặc biệt. Đây là một tác phẩm thực sự xứng đáng được tôn vinh. Điều đặc biệt hơn nữa là mùa Giải năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, cho nên Ban Tổ chức đã chuẩn bị các công việc cần thiết đảm bảo an toàn yêu cầu phòng, chống dịch tốt nhất cho buổi lễ trao giải” - Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết.

Trong ba lần chấm Giải, Hội đồng giám khảo với thành viên là các nhà báo, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí đã luôn làm việc với tinh thần khoa học, công tâm, khách quan, lựa chọn ra những tác phẩm xứng đáng nhất để trao thưởng.

Vậy theo đánh giá của ông, mùa Giải lần thứ 3 có điểm gì mới?

- Giải năm nay vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh từ những năm trước, vừa có trọng tâm vừa có điểm mới. Với sự hưởng ứng tích cực từ các nhà báo và các cơ quan báo chí tham dự Giải, Ban Tổ chức đã nhận được 1.181 tác phẩm hợp lệ của 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Trên cơ sở này, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn ra 59 tác phẩm để Hội đồng chung khảo xét chọn và đề nghị Ban Chỉ đạo công nhận các tác phẩm chính thức đoạt giải. Với tinh thần dân chủ, khách quan, các thành viên Hội đồng chung khảo đã tổ chức xét chọn kỹ lưỡng và đã tuyển chọn được 45 tác phẩm đề xuất xếp hạng Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích.

Theo sự đánh giá của Hội đồng chung khảo, các tác phẩm đều bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020-2021. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Về hình thức, các tác phẩm tham dự giải năm nay được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu, đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương.

Đặc biệt, đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; về vấn đề trục lợi chính sách để tham nhũng; những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Trong đó, mảng đề tài viết về phòng, chống tiêu cực đã có số lượng bài nhiều hơn, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, bám sát tinh thần kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể nói rằng, một trong những nét mới của Giải lần này là có Giải Đặc biệt. Đây là một tác phẩm thực sự xứng đáng được tôn vinh. Điều đặc biệt hơn nữa là mùa Giải năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, cho nên Ban Tổ chức đã chuẩn bị các công việc cần thiết đảm bảo an toàn yêu cầu phòng, chống dịch tốt nhất cho buổi lễ trao giải.

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đây vẫn là cuộc chiến đấu đầy cam go, thử thách. Vậy theo ông, làm thế nào để các nhà báo tiếp tục dấn thân trong hành trình gian khó này?

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Từ Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đến khoá XIII, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên quyết, kiên trì nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết cũng nêu rõ: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội; của báo chí”.

Như vậy, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài. Ở đó luôn có trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và báo chí.

Chúng tôi hiểu rằng, để có những bài báo chất lượng, trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên, tòa soạn phải đối mặt với những áp lực, khó khăn đến từ nhiều phía, với nhiều mức độ khác nhau. Chính vì vậy những phóng viên điều tra chống tham nhũng, lãng phí rất cần và luôn cần có sự động viên, chia sẻ, hậu thuẫn của người thân, đồng nghiệp, cấp trên, cơ quan bảo vệ pháp luật, và hơn hết là sự ủng hộ, bảo vệ của công luận và nhân dân.

Với quyết tâm của Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam sẽ luôn đồng hành với các cơ quan thông tấn báo chí và những người làm báo, cổ vũ, động viên, không để các nhà báo phải “chùn bước” trước gian khó.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan báo chí, những người làm báo sẽ tiếp tục khẳng định bản lĩnh tiên phong của mình trong cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020-2021 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h tối nay (ngày 13/11) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắp lên ngọn lửa chiến đấu của báo chí Cách mạng Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO