Thấy gì ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Ngọc Anh 14/02/2023 06:54

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng năm 2022 là năm khó khăn nhất của thị trường trái phiếu DN đã qua, 2023 hy vọng sẽ là năm phục hồi.

Năm 2023 hy vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục. Ảnh: Đào Hưng.

Gần đây nhất, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex mã chứng khoán AGM đã tổ chức Hội nghị Chủ sở hữu trái phiếu tại tỉnh An Giang để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý 2 gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001.

Trước đó, hồi cuối năm 2022, Angimex tuyên bố mất khả năng thanh toán lãi 2 lô trái phiếu (lãi suất 7%/năm). Lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, Công ty cổ phần Lâu đài trắng (Vũng Tàu) công bố thông tin về chậm thanh toán lô trái phiếu. Theo kế hoạch thanh toán là ngày 5/1/2023 nhưng Lâu Đài trắng lùi sang ngày 28/2/2023. Lý do là thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng phải thanh toán khoản trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư vào ngày 30/12/2022 với gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng, song không thể trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư. Công ty cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được Công ty công bố.

Lãnh đạo Công ty Đức Long Gia Lai cho hay, nguyên nhân khiến Công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế...

Đáng chú ý, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu DN nào trong năm 2023. Điều này hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm 2022 khi có 7 đợt phát hành trái phiếu DN ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, tổng giá trị phát hành lên tới 29.280 tỷ đồng.

Theo thống kê của VBMA, cả năm 2023 sẽ có khoảng 285.000 tỷ đồng trái phiếu tới kỳ hạn đáo hạn. Riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu DN đáo hạn là hơn 17.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Dự kiến trong tháng 2/2023, giá trị trái phiếu DN đáo hạn là hơn 5.200 tỷ đồng, toàn bộ là trái phiếu DN phát hành riêng lẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, năm 2022 là năm đầy sóng gió đối với thị trường trái phiếu DN. Nguyên nhân có nhiều nhưng ông Thuân cho rằng nguyên nhân lớn nhất đó là sự minh bạch thông tin trên thị trường còn thấp và yếu, trong khi trái phiếu riêng lẻ lại “vô tình” đến tay nhà đầu tư cá nhân quá nhiều thông qua các khâu phân phối trực tiếp và trung gian.

“Hiện có gần 1,3 triệu tỷ đồng trái phiếu DN riêng lẻ đang lưu hành nhưng thông tin cho nhà đầu tư gần như không có, ngoài các tài liệu phương án phát hành đã cũ từ vài năm trước” - ông Thuân nói và cho rằng yếu tố nền tảng thị trường không chỉ phụ thuộc vào các chính sách và quy định của cơ quan nhà nước, mà cần những hướng dẫn chi tiết và thông lệ tốt, như: bản chào bán trái phiếu, cẩm nang tư vấn và phân phối trái phiếu, cẩm nang đánh giá tín dụng và tín nhiệm… Tuy nhiên, những yếu tố này đang trong quá trình hình thành. Vì vậy, năm 2023 hy vọng thị trường trái phiếu DN sẽ hồi phục khi những hướng dẫn chi tiết đi cùng với việc thông tin ngày một minh bạch hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu DN theo đúng thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính xác định quan điểm tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu DN theo hướng ổn định, lành mạnh; không tạo ra tâm lý tẩy chay trái phiếu DN, tránh tình trạng nhà đầu tư yêu cầu tất toán, mua lại trước hạn trái phiếu hàng loạt. Việc phát hành và đầu tư trái phiếu DN theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước tạo ra khung pháp lý để các bên giao kết đầu tư, kinh doanh. Để sớm ổn định tâm lý thị trường, Bộ Tài chính liên tục phát hành thông cáo và có văn bản yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực, thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các DN trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định như cơ cấu về mặt kỳ hạn, cơ lãi suất hay phương thức thanh toán trái phiếu.

“Các vụ việc vi phạm trên thị trường trái phiếu DN vừa qua là những sự kiện riêng lẻ, không đại diện cho toàn thị trường” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấy gì ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO