Thế giới bên bờ vực của nạn đói

Thế Tuấn 18/10/2021 14:30

Đại dịch Covid-19 không đơn thuần chỉ là một cơn bão càn quét khắp các châu lục, đại dịch chết người này đặt thế giới đứng trước nguy cơ thảm họa y tế, bên cạnh đó còn một mối lo khác: Đó là nạn đói.

Ngay khi đại dịch bùng phát, cuối tháng 4/2020, ông David Beasley - Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã đưa ra cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một nạn đói trên diện rộng vì Covid-19, đặt ra yêu cầu phải hành động ngay lập tức trước khi hàng trăm triệu người rơi vào cảnh chết đói. Thật đáng buồn là cho tới nay, cảnh báo ấy đang dần thành sự thực.

Vào thời điểm giữa năm 2020, WFP đã cho rằng có khoảng 30 quốc gia nghèo đối diện nạn đói, trong đó có 10 quốc gia với hơn 1 triệu người đang trên bờ vực suy dinh dưỡng. “Chúng tôi không nói về những người ôm cái bụng đói đi ngủ, mà chúng tôi nói về tình trạng cùng cực, nguy cấp, về những người đang đứng bên bờ vực chết đói. Chưa kể trong số họ còn có không ít người phải chống chọi với Covid-19 để giành lại cuộc sống” - ông David Beasley nói và nhấn mạnh, đại dịch Covid-19, vốn không ai có thể lường trước, đã đưa thế giới đến giới hạn chưa từng có. Một cơn bão thực sự. Chúng ta đang đối diện sự lan rộng của một nạn đói với quy mô lớn tình theo con số hàng trăm năm.

Hàng người xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ vì dịch Covid-19 tại ngoại ô Petroria, Nam Phi, thời điểm tháng 5/2020.

“Đại dịch đói”

Theo một báo cáo được cung cấp bởi Liên hợp quốc và WFP, ít nhất 265 triệu người đang bị đẩy đến bờ vực của nạn đói, gấp đôi con số được thống kê trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong đó, châu Phi và Trung Đông là 2 khu vực đối diện nạn dịch đói cao nhất.

Marine Danlad - chuyên gia dinh dưỡng Nam Phi cho rằng, đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho những biến động kinh tế chưa từng có. Khi thị trường “loạng choạng” trước những nhát đòn của Covid-19 thì cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp đã không sống sót khi dịch bệnh đã đi qua. Nói như Glenn Keys - CEO của công ty Aspen Medical có trụ sở tại Singapore thì “chúng ta chưa từng thấy một cuộc khủng hoảng nào như thế này trong hơn 100 năm qua”.

Tờ Washington Post dẫn lời ông Robert Redfield (CDC - Mỹ) cho biết: “Có khả năng đợt tấn công của virus SARS-CoV-2 ở Mỹ mùa đông tới sẽ gây khó khăn hơn nhiều so với đợt bùng phát chúng ta vừa trải qua”. Mà điều đó không chỉ khiến hệ thống y tế thêm một lần nữa “căng thẳng” mà còn dẫn tới khả năng suy giảm tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, khi cho rằng một “đại dịch đói” có thể tồi tệ hơn đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đang cho thấy tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc đối đầu những thách thức lớn, trong đó có việc giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực. Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực để đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững bằng cách chuyển đổi hệ thống thực phẩm. “Nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập và chi phí thực phẩm cao tiếp tục khiến việc bảo đảm chế độ ăn uống no đủ, lành mạnh đang “nằm ngoài tầm với” của khoảng 3 tỷ người trên hành tinh và chống “giặc đói” vẫn luôn là thách thức ở nhiều khu vực” - Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Tương tự, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng lên tiếng về một “đại dịch đói” có thể tồi tệ hơn đại dịch Covid-19. Theo đó, khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng trên bờ vực của nạn đói.

Đáng lo ngại là không chỉ các nước nghèo mà cả các nước giàu cũng đang đau đầu vì an ninh lương thực. Tạp chí Financial Times dẫn báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho biết trong năm 2020, gần 9% người dân tại châu Âu và Bắc Mỹ đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải và nghiêm trọng. Con số này tăng so với mức 7,7% ghi nhận một năm trước đó. Báo cáo chỉ ra những người rơi vào tình cảnh đói kém ở những nước giàu có là những người lao động tự do, hoặc lao động theo hợp đồng tạm thời.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cần giải quyết đồng thời nạn đói và xung đột, vì hai vấn đề này có tác động qua lại với nhau. Theo ông Guterres giải quyết nạn đói còn là nền tảng cho sự ổn định và hòa bình. Giải quyết nạn đói cũng chính là xóa đi “nguyên nhân gốc rễ” gây ra những bất ổn xã hội.

Thời tiết cực đoan và mất an ninh lương thực

An ninh lương thực có vẻ như “chìm xuống” do sự hoành hành khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nó vẫn hiện hữu và đi cùng loài người như một vết thương không kéo da non. Một trong những nguyên nhân giảm sút sản lượng lương thực được cho là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm đỏ, cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan và Covid-19 đã đẩy sản xuất nông nghiệp ở nhiều quốc gia lâm vào cảnh “tuyệt vọng”, với ước tính có khoảng 658,1 triệu người dễ bị tổn thương đã phải trải qua nhiệt độ khắc nghiệt. Đó chính là nguy cơ đan xen: thời tiết cực đoan - sản lượng lương thực sụt giảm - nạn đói - và Covid-19.

Chủ tịch IFRC, Francesco Rocca, người trình bày báo cáo cho biết: “Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có khi mà biến đổi khí hậu và Covid-19 đang đẩy các cộng đồng đến giới hạn của họ. Nếu chúng ta không cùng nhau hành động ngay lập tức thì nạn đói sẽ ập đến. Tình trạng mất an ninh lương thực do thời tiết khắc nghiệt đã trở nên trầm trọng hơn bởi Covid-19. Các hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn không chỉ do Covid-19 mà còn do sức khỏe người dân suy kiệt, trong đó có nguyên nhận do nạn đói và không đủ dinh dưỡng gây ra.

IFRC cũng đưa ra dẫn chứng: Tại Honduras, ứng phó với các cơn bão Eta và Iota trong đại dịch, cũng đồng nghĩa với việc đối phó với những thách thức bổ sung. Hàng nghìn người trở thành người vô gia cư trong những nơi trú ẩn tạm thời. Ở Kenya, tác động của Covid-19 diễn ra cùng với lũ lụt và hạn hán tiếp nối nhau, cũng như sự phá hoại của nạn châu chấu khiến hơn 2,1 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực một cách nghiêm trọng.

Tiến sĩ Julie Arrighi - Phó Giám đốc Trung tâm Khí hậu RCRC cho biết: “Không nên để các mối nguy hiểm biến thành thảm họa. Chúng ta có thể chống lại xu hướng gia tăng rủi ro và cứu được nhiều mạng sống nếu chúng ta thay đổi cách chúng ta dự đoán các cuộc khủng hoảng, tài trợ cho hành động sớm và giảm thiểu rủi ro ở cấp địa phương. Cuối cùng, chúng ta cần giúp các cộng đồng trở nên kiên cường hơn, đặc biệt là trong những bối cảnh dễ bị tổn thương nhất”.

Trẻ em Somalia nhận lương thực cứu trợ tại Mogadishu Nguồn: AFP.

Giá cả tăng “theo cấp số nhân” đã làm gia tăng sự nghèo đói

Vào đầu năm nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP), lại tiếp tục đưa ra cảnh báo khi cho rằng hơn 34 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt nạn đói. Yemen, Nam Sudan và miền Bắc Nigeria đứng đầu danh sách 20 quốc gia có nguy cơ xảy ra nạn đói và đang phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. Tuy nhiên, mặc dù phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng là ở châu Phi, nạn đói cấp tính gia tăng mạnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới, từ Afghanistan ở châu Á, Syria và Lebanon ở Trung Đông đến Haiti ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe.

Theo FAO, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 20 điểm nóng trên phạm vi toàn cầu. Giám đốc điều hành WFP David Beasley nhấn mạnh: “Chúng ta phải chứng kiến ​​thảm họa đói đang diễn ra trước mắt. Nạn đói do xung đột, chiến tranh và càng trầm trọng hơn bởi các cú sốc khí hậu, đại dịch Covid-19 đang gõ cửa hàng triệu gia đình”.

Theo FAO, chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục là 12% trong năm 2021. Giá lương thực tăng trong bối cảnh hàng triệu người bị mất việc làm vì dịch bệnh đang làm dấy lên “mối lo kép” ở nhiều quốc gia khi phải cùng lúc đối mặt dịch bệnh và nguy cơ đói kém.

Báo cáo Triển vọng lương thực được FAO công bố hai lần/năm, cho biết chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1.530 tỷ USD trong năm 2020. Trước đó, FAO cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tình hình này sẽ khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” tại nhiều quốc gia.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020 khiến chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục là 3%. Việc giá lương thực tăng cao, trong khi số người mất việc làm gia tăng; chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia.

Còn theo Giám đốc FAO ở Tây và Trung Phi Chris Nikoi, giá cả tăng “theo cấp số nhân” đã làm gia tăng sự nghèo đói, đẩy hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và tuyệt vọng. So với mức trung bình của nhiều năm trước, các sản phẩm lương thực địa phương đã tăng gần 40%, và trong một số khu vực, giá đã tăng hơn 200%. “Dịch bệnh và nạn đói đang trở thành “mối lo kép” xuất hiện cùng lúc tại nhiều quốc gia”- Tiến sĩ Chris Nikoi nhấn mạnh.

APEC và lộ trình an ninh lương thực 10 năm

Các Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết đưa ra một lộ trình mới để hướng dẫn các nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực trong 10 năm tới. Cam kết này được đưa ra tại Hội nghị An ninh lương thực cấp Bộ trưởng được tổ chức ngày 19/8 theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ APEC 2021 do New Zealand đăng cai.

Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand Damien O’Connor nhấn mạnh việc đảm bảo thế giới có nguồn cung cấp lương thực ổn định là một trong những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế APEC và các nền kinh tế còn lại của thế giới phải đối mặt, đặc biệt là sau khi các quốc gia phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ông O’Connor kêu gọi các nước cùng nhau hợp tác để vượt qua những thách thức to lớn mà thế giới đang phải đối mặt, với nhiệm vụ trước mắt là khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực do dịch Covid-19.

Về lộ trình an ninh lương thực hướng tới năm 2030, các nền kinh tế APEC bảo đảm hướng tới một mục đích chung là xây dựng một hệ thống sản xuất lương thực linh hoạt, hiệu quả và bền vững hơn, liên kết các chuỗi sản xuất, chế biến, thương mại và tiêu dùng với nhau. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng gần 2,37 tỷ người không được tiếp cận lương thực đầy đủ vào năm 2020, tăng 320 triệu người chỉ trong một năm. Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung, cả trong mạng lưới sản xuất và phân phối.

Tăng cường khả năng chống chịu

Một báo cáo công bố mới đây nhất (hôm 12/7/2021), Liên hợp quốc một lần nữa cảnh báo nạn đói trên thế giới nghiêm trọng hơn nhiều trong năm 2020, đồng thời nhấn mạnh đại dịch Covid-19 là yếu tố chính đến tình trạng này. Báo cáo “Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu” do 5 cơ quan của Liên hợp quốc cùng công bố, bao gồm Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các cơ quan của Liên hợp quốc mô tả đây là đánh giá toàn cầu đầu tiên về vấn đề này trong kỷ nguyên đại dịch.

Báo cáo dẫn ra các số liệu của năm 2020 cho thấy điều đáng lo ngại là nạn đói đã tăng lên cả về phạm vi mức độ và giá trị tuyệt đối, vượt xa mức tăng dân số. Theo đó, có khoảng 9,9% dân số thế giới được ước tính đã bị suy dinh dưỡng vào năm ngoái, so với 8,4% trong năm 2019. Gần 10% dân số thế giới ước tính bị thiếu dinh dưỡng. Châu Phi được đánh giá có tốc độ gia tăng nạn đói mạnh nhất, ước tính khoảng 21% người dân lục địa này bị thiếu dinh dưỡng.

Về tình trạng thiếu dinh dưỡng của nhóm trẻ em, ước tính 149 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị còi cọc vì quá thấp so với độ tuổi, hơn 45 triệu trẻ em quá gầy so với chiều cao, trong khi ở chiều ngược lại là 39 triệu trẻ bị thừa cân.

Các cơ quan của Liên hợp quốc cũng cho biết khoảng 3 tỷ người không có chế độ ăn uống lành mạnh, phần lớn là do chi phí quá cao. Tại nhiều nơi trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã gây ra những cuộc suy thoái nghiêm trọng và đe dọa đến việc tiếp cận nguồn lương thực.

Dựa trên các xu hướng hiện nay, báo cáo ước tính mục tiêu của Liên hợp quốc sẽ bị “bỏ lỡ” do vẫn còn gần 660 triệu người bị đói và khoảng 30 triệu người có thể ảnh hưởng do tác động lâu dài của đại dịch.

Báo cáo của Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ, tăng cường “khả năng chống chịu của những người dễ bị tổn thương nhất trước tình hình khó khăn về kinh tế”, thông qua các chương trình giảm thiểu tác động của “các cú sốc kiểu đại dịch” hoặc tăng giá thực phẩm.

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 kéo dài đã gần 2 năm khiến cho loài người phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Cho dù nhiều quốc gia đã “mở cửa” nền kinh tế nhưng còn nhiều hơn thế những quốc gia tiếp tục phải đương đầu với biến thể Delta. Trong đó, theo Liên hợp quốc, những nước nghèo sẽ tiếp tục phải chiu đựng thảm họa kép đến từ đại dịch Covid-19 và sự đe dọa của bóng ma mang tên nạn đói.

“Nếu như chúng ta đã nhận thức được rằng phải có sự phối hợp toàn cầu để chống lại Covid-19, thì chúng ta cũng cần có sự phối hợp ấy để ngăn chặn nạn đói. Trong bối cảnh hiện nay khi mà thế giới cùng chung số phận thì không lẽ gì lại để một bộ phận thiếu đói, bệnh tật” - Tiến sĩ Chris Nikoi, Giám đốc FAO Tây và Trung Phi nhấn mạnh.

G20 cam kết đảm bảo an ninh lương thực

Sau hai ngày nhóm họp tại Florence (Italy), ngày 19/9, các Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh lương thực, hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, một hệ thống lương thực bền vững và thích ứng là nền tảng của an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần đảm bảo công bằng, xóa đói giảm nghèo, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh 1/4 dân số toàn cầu hiện đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 gần đây đã khiến cho mục tiêu không còn người bị đói - một trong những Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc càng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cũng theo các Bộ trưởng Nông nghiệp G20, mặc dù trong những thập kỷ qua vẫn luôn tồn tại những rủi ro và thách thức, song hệ thống nông nghiệp và lương thực toàn cầu vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể trong sản xuất lương thực và cải thiện khả năng tiếp cận, cũng như cung cấp lương thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới bên bờ vực của nạn đói

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO