Thể thao Việt Nam: Hướng tới thành tích châu lục và thế giới

THANH HÀ 04/06/2023 07:40

Tại SEA Games 32, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành vị trí Nhất toàn đoàn với 359 huy chương, trong đó có 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 118 huy chương đồng. Đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam giành vị trí số 1 ở một kỳ SEA Games được tổ chức ở nước ngoài. Hai lần trước thể thao Việt Nam dẫn đầu đều ở kỳ đại hội được tổ chức ở Việt Nam (SEA Games 2003 và 2022). Từ những thành công tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam sẽ tập trung phát triển các môn thi Olympic để có thể thành công ở sân chơi đẳng cấp châu lục và thế giới.

Đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam lập kỷ lục 4 lần liên tiếp vô địch tại SEA Games.

Thành công rực rỡ

Những khó khăn cho thành tích chung sớm được dự báo với Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32 khi một số môn thế mạnh như: bắn súng, bắn cung, đua thuyền… đã không được đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games 32. Bên cạnh đó, nhiều môn thi còn gặp khá nhiều bất lợi từ quy định của nước chủ nhà như: việc ở các môn võ, nước chủ nhà được đăng ký 100% nội dung, trong khi các đoàn thể thao khác chỉ được đăng ký 70%. Cùng với đó, thời tiết khắc nghiệt trong quá trình thi đấu cũng là những khó khăn đáng kể. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, TTVN đã có kỳ SEA Games thành công rực rỡ. Trong đó, nhiều người đã gây ấn tượng, xúc động cho người hâm mộ như: Nguyễn Thị Oanh khi giành 4 tấm HCV ở cả 4 nội dung đăng ký tham dự (1.500m, 5.000m, 10.000m nữ và 3.000m vượt chướng ngại vật). Không những vậy, Nguyễn Thị Oanh gây sốc khi giành 2 tấm HCV 1.500m nữ và 3.000m vượt chướng ngại vật với khoảng thời gian nghỉ chưa đầy 20 phút giữa hai nội dung. Ở đó còn có Lê Khánh Hưng (15 tuổi) là VĐV trẻ nhất giành HCV ở môn golf. Đây cũng là tấm HCV lịch sử của golf Việt Nam ở đấu trường SEA Games. Ngoài ra, không thể không nhắc đến hai kỷ lục ở môn bơi của Phạm Thanh Bảo (100m và 200m bơi ếch nam) và hai kỷ lục ở môn cử tạ của Trần Minh Trí (67kg nam) và Nguyễn Quốc Toàn (89kg nam). Hay như 3 HCV của Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) tại SEA Games 32 đã giúp cô lập cột mốc 13 HCV ở các kỳ SEA Games mà cô tham dự. Tại SEA Games 32, một trong những chiếc HCV gây ấn tượng và khiến nhiều người hân hoan, phấn khích đã đến từ môn bóng bàn. Bóng bàn Việt Nam đã giành HCV SEA Games sau 26 năm ở nội dung đôi nam nữ với cặp đôi Trần Mai Ngọc - Đinh Anh Hoàng khi đánh bại đối thủ Singapore với tỷ số 3-1. Hai VĐV lập cột mốc cho Việt Nam còn rất trẻ, Mai Ngọc 19 tuổi, còn Anh Hoàng 21 tuổi. Lần gần nhất bóng bàn Việt Nam vô địch nội dung đôi nam nữ đã diễn ra từ năm 1997 (Vũ Mạnh Cường - Ngô Thu Thủy), thời điểm Mai Ngọc - Anh Hoàng còn chưa ra đời… Họ là những hình ảnh đẹp nhất của TTVN với tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo, sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh để mang về thành tích cao cho nước nhà.

Sau 34 năm kể từ kỳ SEA Games đầu tiên, TTVN đã khẳng định vị thế là đoàn thể thao vững mạnh, luôn có mặt trong top đầu khu vực Đông Nam Á. “Tham dự Đại hội lần này, Đoàn TTVN không chỉ vượt chỉ tiêu số lượng HCV, mà một số môn thể thao và một số VĐV đã đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều VĐV xuất sắc ở các môn thể thao Olympic. Tổng số HCV của chúng ta là 65 HCV trong khi của Thái Lan là 56 HCV, Indonesia là 41 HCV, Singapore 41 HCV…” - Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt chia sẻ sau thành công của đoàn TTVN.

12 HCV là thành tích của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32.

Tăng đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm

Không chỉ gây ấn tượng với thành tích đứng đầu Đại hội Đông Nam Á, đoàn TTVN còn nhất toàn đoàn nếu chỉ tính riêng tổng số HCV ở môn thể thao Olympic với con số 69, chiếm hơn 50% tổng số HCV. “Việc nhóm môn Olympic mang về gần 50% HCV tại Đại hội là tín hiệu đáng mừng dù thực tế chúng ta mong muốn số lượng HCV từ các môn này phải trên 80%. Tuy nhiên, đây là kỳ SEA Games mà nhiều môn Olympic thế mạnh của chúng ta không được tổ chức như đua thuyền với các phân môn rowing, canoeing; bắn súng; bắn cung... Ở nhóm các môn võ Olympic, chúng ta cũng chỉ được đăng ký 70% trên tổng số nội dung thi đấu. Vì thế việc đánh giá thành tích của các môn Olympic lần này chưa toàn diện. Ở môn bơi, chúng ta xác định mục tiêu chính là Asian Games và SEA Games là bước ban đầu để đánh giá và chuẩn bị cần thiết. Tín hiệu vui là chúng ta cũng đã phá được 2 kỷ lục ở nội dung 100m, 200m ếch; vận động viên 14 tuổi Nguyễn Thúy Hiền lần đầu tham dự SEA Games đã giành HCĐ nội dung 100m tự do nữ; vận động viên Hồ Nguyễn Duy Khoa 18 tuổi giành HCĐ 200m bướm nam. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng cùng với thời gian những vận động viên trẻ này sẽ trưởng thành và cùng bơi Việt Nam thành công tại các đấu trường quốc tế trong tương lai”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ thêm.

VĐV Dương Thúy Vi mang về tấm HCV đầu tiên cho Wushu Việt Nam ở SEA Games 32.
VĐV Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành 4 HCV tại SEA Games 32.
VĐV Thanh Nhã.

Phải khẳng định Olympic là đấu trường rất khó khăn với TTVN. Chỉ có số lượng rất nhỏ môn, nội dung và vận động viên Việt Nam có khả năng tranh chấp huy chương. Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh hay một số huy chương khác trước đó như: HCB Cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ Cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn và HCB của Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) chỉ là những điểm sáng hiếm hoi của thể thao nước nhà ở đấu trường lớn nhất thế giới. Thực tế, TTVN chưa từng sẵn sàng cho việc cạnh tranh huy chương ở Olympic. Những tấm huy chương trước đó mà chúng ta giành được do sự xuất thần của các vận động viên, mang tính thời điểm chứ không phải là một sự đầu tư có quy mô bài bản.

TTVN tới đây cần tập trung tuyển chọn, đào tạo VĐV ở các môn thể thao tầm châu lục và thế giới. “Từ 15-20 năm qua, chúng ta tranh luận với nhau rằng TTVN không nên lệ thuộc vào đấu trường SEA Games mà chỉ xem đây là đấu trường cho các VĐV rèn luyện và cọ xát. Không quá tập trung đầu tư tốn kém tiền bạc và nhân lực vào đấu trường này. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung tuyển chọn, đào tạo VĐV ở các môn thể thao tầm châu lục và thế giới. Trong chiến lược xây dựng TTVN sắp tới đang được xây dựng, chúng ta hướng mục tiêu tới đấu trường châu lục. Tôi cho rằng đó là chiến lược đúng đắn và phải kiên định phát triển theo hướng này. Bởi vì sau 30 năm, chúng ta xác lập vị thế số một ở SEA Games và cần phải cố gắng tiệm cận với trình độ châu lục. Điều đó đòi hỏi quyết tâm và định hướng của các nhà quản lý thể thao”, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, cựu trưởng đoàn TTVN nhiều kỳ đại hội đánh giá.

Từ thành tích tại SEA Games 32, TTVN đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, để đạt thành tích cao hơn, cần tăng đầu tư cho các môn trọng điểm và các nội dung mũi nhọn. Cải thiện thành tích cho các VĐV, nhằm cạnh tranh tốt hơn nữa ở Asian Games và Olympic trong thời gian tới sẽ là hướng đầu tư trọng điểm mà TTVN hướng tới sau SEA Games 32.

VĐV Phạm Thanh Bảo lập cú đúp phá kỷ lục ở môn bơi lội SEA Games 32
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thể thao Việt Nam: Hướng tới thành tích châu lục và thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO