Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Thất bại hôm nay, cú hích cho ngày mai

Hoàng Dương 01/08/2021 06:10

Thể thao Việt Nam (TTVN) đã thi đấu không thành công tại Olympic Tokyo đang diễn ra ở Nhật Bản mang đến cho chúng ta nhiều câu chuyện đáng phải suy nghĩ.

Trong thể thao, đương nhiên có thắng, có thua, có thất bại và có thành công. Đó là quy luật! Nhưng thử nhìn vào những thất bại mới nhất của các VĐV Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020, không ít người phải băn khoăn suy nghĩ. Không suy nghĩ sao được, khi Ánh Viên - “Tiểu tiên cá” một thời của chúng ta - lại bơi chậm đến như vậy, chậm hơn cả thành tích của… chính bản thân mình.

Ánh Viên là người duy nhất bơi hơn 9 phút (29 VĐV còn lại đều bơi ở mức hơn 8 phút), Cô thậm chí còn thua xa VĐV người Hồng Kông (Trung Quốc) Siobhan Haughey, người mà cô đã từng đánh bại ở cự ly 200 m cá nhân hỗn hợp ở Thế vận hội trẻ tại Nam Kinh hồi năm 2014 (Ánh Viên đã giành HCV…).

Sau 7 năm, Siobhan - nhận được sự đầu tư và hưởng thụ chế độ tập luyện đúng đắn từ thể thao Hông Kông, là chủ nhân của 2 tấm HCB Olympic. Còn Ánh Viên, cô vẫn chỉ là Nhà vô địch nhiều nội dung ở SEA Games (chỉ… SEA Games mà thôi) và càng lúc càng bị đấu trường Olympic bỏ xa. Tại sao? Vì cô gái dũng cảm ấy vẫn đang tự vật lộn với nỗ lực của chính bản thân mình, chỉ với giáo án và HLV “bí hiểm” sau khi chia tay HLV lâu năm của cô.

Phải chăng, vì kỳ vọng Ánh Viên quá cao, và quá thất vọng khi chứng kiến cô thất bại, người ta không ngại dùng cụm từ “về bét” để miêu tả màn trình diễn của cô ở Olympic Tokyo, khiến cộng đồng mạng dậy sóng xót thương.

Hình ảnh Ánh Viên bị miêu tả bằng cụm từ “về bét”, cũng ngậm ngùi giống như hình ảnh Hoàng Thị Duyên - vì phân phối không đúng sức ở trong lần nâng tạ của mình, đã ngã ngửa ra sau và bị tạ đè sợt mặt. Có vẻ như, khi nâng các mức tạ 95 kg, 98 kg (cử giật) và 119 kg (cử đẩy), Duyên còn gánh thêm sức nặng khác: sức nặng mang huy chương Olympic về cho TTVN, chỉ vì trên “lý thuyết”, cô có thể chiến thắng.

Những hình ảnh của Viên, của Duyên đã gợi nhớ tới hình ảnh của Tiến Minh, ở tuổi 38 vẫn phải gồng mình đại diện cho cầu lông Việt Nam ở đấu trường của Thế vận hội, đơn giản vì lứa trẻ vẫn chưa thể kế thừa. Trong trận đấu cuối cùng của Tiến Minh ở Olympic Tokyo, các BLV của VTV nhiều lần nhắc rằng Minh đã lớn tuổi, thể lực đã bị hạn chế rất nhiều, để biện minh sau mỗi tình huống mất điểm của anh.

Thế nên, việc Tiến Minh đã 38 tuổi, vẫn đến với Olympic Tokyo, chính là câu hỏi to lớn dành cho TTVN, rằng lứa kế cận anh ở đâu, có những tay vợt cầu lông nam trẻ đẳng cấp như anh không?

Thể thao, không thể cứ sống bằng sự thương cảm, ngay cả một thất bại, cũng là một bài học để sửa sai, để trưởng thành, để đứng dậy và tiến lên. Ánh Viên sẽ đứng dậy, Hoàng Thị Duyên cũng vậy. Tiến Minh có thể sẽ giải nghệ nay mai. Nhưng ngành thể thao sẽ phải làm gì để những thất bại của họ, ngày hôm nay, là cú hích cho ngày mai.

Không thể đổ lỗi cho Covid-19, cũng không thể cứ đặt tầm quan trọng vào “thành tích lý thuyết”, càng không thể chờ đợi “chu kỳ” với khát vọng huy chương Olympic, chúng ta phải làm gì, ngay từ bây giờ.

Những hạt giống hy vọng, không ở đâu xa, có thể thấy ngay từ nụ cười xinh xắn và dễ thương của VĐV Nguyễn Thùy Linh, từ màn trình diễn ấn tượng của cô trước tay vợt số 1 thế giới người Đài Bắc -Trung Quốc, trước cả những đối thủ cao to, có thể lực và thứ hạng tốt hơn đến từ châu Âu.

Thùy Linh, người chinh phục cả những khán giả - cổ động viên Đài Bắc khó tính nhất, đã trở thành “Thần tượng mới của thể thao Việt Nam”. Cô hẳn sẽ có lúc gặp phải thất bại trong tương lai, nhưng rất mong, đó không phải là thất bại để mang đến sự xót thương và thương cảm, mà là thất bại cần thiết, để học hỏi, để trưởng thành, cho cả ngành thể thao.

Thật ra, thể thao Việt Nam cũng từng giành được một tấm HCĐ ở Thế vận hội tại London hồi năm 2012. Ở kỳ giải Olympic đó, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn đã giành vị trí hạng 4 chung cuộc hạng cân 56 kg - với thành tích tổng cử là 284 kg, xếp sau Om Yul Chol (CHDCND Triều Tiên, 293 kg), Wu Jingbiao (Trung Quốc, 289 kg) và Valentine Hristov (Azerbaijan, 286 kg). Tuy vậy, đến tận tháng 12/2018, Hristov bị phát hiện sử dụng chất kích thích ở Olympic tại London. Tháng 3/2019, anh này bị tước huy chương, và do vậy, tấm HCĐ đã được trao về tận tay Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam. Tiếc là, anh đã không thể nhận HCĐ ở trên bục trao giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Thất bại hôm nay, cú hích cho ngày mai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO