Thêm nguồn lực cho chương trình phòng, chống bệnh lao

Lê Bảo 25/02/2023 08:30

Hiện chi phí điều trị bệnh lao đã được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, trong khi đó các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT.

Đa số bệnh nhân lao đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế rất cần thiết.

Nguồn lực còn khiêm tốn

Việc thuốc chống lao từ nguồn quỹ BHYT được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc từ tháng 7/2022 đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn quy định đi vào đời sống đã hỗ trợ cho hàng nghìn bệnh nhân lao giảm được gánh nặng trong chi phí và điều trị bệnh.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi. Trong khi đó, theo thống kê hiện tỷ lệ tham gia BHYT của người dân Việt Nam mới khoảng 90%. Như vậy, còn khoảng 10% người dân chưa tham gia BHYT. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, đối với công tác phòng, chống lao, việc phát hiện nguồn lây trong cộng đồng rất quan trọng. Song hiện nay cán bộ làm công tác phòng, chống lao tuyến tỉnh còn thiếu. Đối với tuyến huyện cán bộ chuyên trách chủ yếu kiêm nhiệm nhiều chương trình nên việc triển khai công tác phòng, chống lao, từ khâu phát hiện tại cộng đồng lại càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thiếu hụt nguồn lực phòng, chống lao ở các tuyến, dẫn tới trong cộng đồng còn nhiều người mắc bệnh nhưng chưa tầm soát.

Theo BS Châu Đương - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, sàng lọc lao chủ động là “chìa khóa” tiến tới chấm dứt bệnh lao. Hiện nay quá trình điều trị lao đã được BHYT thanh toán. Đây là nhân tố quan trọng song nếu không được đầu tư, quan tâm về nguồn nhân lực để sàng lọc lao chủ động, mục tiêu chấm dứt lao vào năm 2030 rất khó khăn. “Để có thể chấm dứt được bệnh lao rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ Nhà nước, địa phương, các cấp ngành và xã hội. Bệnh lao hiện nay hoàn toàn có thể đẩy lùi khỏi cộng đồng, nếu chúng ta thực hiện đồng loạt các giải pháp sàng lọc phát hiện bệnh, điều trị tích cực từ đó sẽ giảm nguy cơ lây lân ra cộng đồng” – BS Đương nhấn mạnh.

Tiến tới hỗ trợ 100% bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế

Theo thống kê, Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2020, nước ta có trên 172.000 người mắc và 10.400 người tử vong vì bệnh lao. Đáng chú ý, có tới 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động; khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với những chi phí rất cao, vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Chính vì vậy, dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, người mắc bệnh lao và gia đình đều cần tới 2 giải pháp đồng thời: Hỗ trợ điều trị và an sinh xã hội để có thể chữa trị dứt điểm bệnh tật, vừa vững tâm khi có thêm trợ lực giúp bệnh nhân và gia đình vơi bớt gánh nặng bệnh tật.

Trong năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã triển khai dự án Tăng cường hệ thống cộng đồng phòng, chống và chấm dứt bệnh lao (CSET) tại 7 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bến Tre và TPHCM. Tới nay, hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao đã thiết lập và nâng cao năng lực ở 6 tỉnh. 428 thành viên đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong chủ động tìm ca bệnh, hỗ trợ đưa vào và tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung vào hỗ trợ những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, hoặc gặp khó khăn về giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế… được hỗ trợ để bệnh nhân tiếp cận được và tuân thủ điều trị. Việc lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội giúp bệnh nhân bớt gánh nặng về kinh tế, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chương trình chống lao quốc gia đã nỗ lực phối hợp với Vụ BHYT, Bộ Y tế xây dựng và ban hành các chính sách liên quan đến khám chữa bệnh, cấp thuốc lao,... qua nguồn quỹ BHYT. Được biết trong thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đồng thời hướng dẫn các cơ sở điều trị lao đáp ứng các điều kiện khám chữa bệnh BHYT, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua BHYT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm nguồn lực cho chương trình phòng, chống bệnh lao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO