Thêm nhiều mánh khoé lừa đảo của tội phạm công nghệ cao trong mùa dịch

An Chi 15/09/2021 18:00

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã điều tra và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 để làm cho người dân hoang mang, mất cảnh giác và dễ mắc bẫy.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đơn vị trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan đến dịch Covid-19 ngày càng phát triển về quy mô và mức độ tinh vi.

Gần đây nhất là vụ việc ngày 14/9, theo công an Hà Tĩnh: Đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) bắt đối tượng Phùng Việt Trinh (24 tuổi), trú tại thôn Trúc Động, xã Động Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại cơ quan Công an, Phùng Việt Trinh thừa nhận hành vi sử dụng mạng Facebook để rao bán hộp sắt, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người liên hệ mua hàng. Được biết, đối tượng từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Ngoài vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Đặng Xuân Hồng với số tiền 44 triệu đồng, trước đó cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự, Trinh đã thực hiện 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác của các khách hàng. Vụ việc đang được lực lượng chức năng mở rộng điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cùng với chiêu trò tung tin giả, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và điện thoại đang có xu hướng gia tăng trong đại dịch Covid-19 do sự chủ quan, thiếu hiểu biết, cả tin của người sử dụng. Hình thức lừa đảo thường được biến tướng qua rất nhiều chiêu trò khác nhau nhằm chiếm đoạt thông tin về tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Đó là giả mạo cán bộ ngân hàng, tổng đài chăm sóc khách hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ… để nhận tiền, nhận quà trúng thưởng. Giả mạo thương hiệu, website ngân hàng, ví điện tử với ứng dụng công nghệ cao gửi tin nhắn, email có chứa liên kết đến trang hoặc ứng dụng (link) lừa đảo yêu cầu khách hàng truy cập để giao dịch (mua bán online), nhận tiền từ nước ngoài (Western Union), nhận quà tặng, cho vay nhanh…

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn giả mạo cơ quan chức năng (tòa án, công an…) gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm và yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản gian lận để chạy án. Giả mạo người thân, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền, thanh toán chuyển khoản đến tài khoản gian lận do bị hack Facebook, Messenger, Zalo hay giả mạo tài khoản, làm quen nhờ mở tài khoản/ thẻ/ đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc mua lại với giá cao để sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo trực tuyến thời Covid-19 (Nguồn: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT))

Từ các vụ việc xảy ra trong thực tế, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến nghị mỗi cá nhân hãy chủ động báo cáo trang web có dấu hiệu lừa đảo hoặc giả mạo tại địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn. Bên cạnh đó, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tại địa chỉ https://tinnhiemmang.vn) cũng sẽ cung cấp miễn phí cho người dùng các thông tin xác thực về tổ chức, giúp người dùng nắm bắt chính xác các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại…) của tổ chức cần tìm kiếm.

Mẹo cảnh báo lừa đảo (Nguồn: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT))

Đặc biệt, ngoài việc đưa ra các khuyến cáo định kỳ, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã xây dựng “Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19” nhằm trang bị một số các hướng dẫn cụ thể để người dân, các tổ chức doanh nghiệp có những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để phòng tránh, giảm bớt đi phần nào các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm nhiều mánh khoé lừa đảo của tội phạm công nghệ cao trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO