Theo dấu tích kho báu Vua Hàm Nghi

Nguyễn Hồng Lam 23/01/2017 09:10

Kho báu vua Hàm Nghi không chỉ tồn tại như một huyền thoại. Ít ra, những dấu tích, cứ liệu còn sót lại cũng chứng minh hùng hồn: Sự tồn tại của, không chỉ một mà có thể là nhiều kho báu vua Hàm Nghi là điều có thật. Nó đủ hấp dẫn để đốt lên khát vọng tìm kiếm ở không ít người.

Vua Hàm Nghi.

Bi kịch vương đế và sự ngộ nhận

Đầu tháng 3-2016, khi cuốn “Madam Nhu Trần Lệ Xuân – quyền lực bà Rồng” của Monique Brinson Demery, Mai Sơn dịch, NXB Hội Nhà Văn xuất bản sách vừa ra mắt, nó đã tạo ra một sức hút không nhỏ. Tuy chưa khiến đám đông phát cuồng song cũng đủ tạo nên một cơn sốt tìm kiếm và bình luận râm ran. Đáng tiếc, cuốn sách lại chứa đựng quá nhiều điểm sai tai hại về lịch sử.

Trong chương 2, có tựa đề “Những nấm mồ bị lãng quên”, nữ tác giả đã đóng một dấu sai to đùng khi viết: “Bà Nam Trân (thân mẫu bà Lệ Xuân – NV) là công chúa, con của Kiên Thái Vương (em vua Tự Đức)” (tr. 15). Thời điểm mà tác giả Monique Brinson Demery chọn để bắt đầu câu chuyện là mùa hè năm 1986, khi ông Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân bị con trai là Trần Văn Khiêm sát hại. Cô viết: “Vợ chồng ông Trần Văn Chương về hưu đã lâu; ông tám mươi tám và bà bảy mươi sáu tuổi” (tr. 16). Nghĩa là tác giả đã ghi nhận bà Nam Trân sinh vào năm 1910.

Sự thực không phải thế. Bà Thân Thị Nam Trân là con gái của ông Thân Trọng Huề (1869-1925), nguyên Thượng thư hai bộ, Bộ Học và Bộ Binh của triều đình Huế. Cụ Tổ của họ Thân vốn người họ Giáp, quê gốc Bắc Giang, vào Thừa Thiên định cư đã nhiều đời. Vốn dĩ, trong Hán tự, chữ “Giáp” gồm bộ “điền” (thửa ruộng) với nét sổ kéo dài thêm một đoạn xuống phía dưới. Do có nhiều người góp công lao với cơ nghiệp triều Nguyễn nên tên họ đã được nhà vua cho “đội mũ”, nét sổ trồi lên cao hơn một chút trên bộ “điền”, thành chữ Thân; họ Giáp do đó được cải thành họ Thân. Dù được xem như một danh thần và danh sĩ cuối triều Nguyễn, ông Thân Trọng Huề cũng không phải là người của hoàng tộc, tất nhiên không thể được phong Vương, không thể là Kiên Thái Vương, em vua Tự Đức như tác giả ngộ nhận.

Có vẻ như khi chắp vá sai lầm, tác giả đã muốn nhắm đến việc “phát triển” thêm bi kịch quyền lực và số phận cho nhân vật Trần Lệ Xuân trong sách. Tuy nhiên, dù cô không cố ý làm thế thì cái tên Kiên Thái Vương cũng đã là khởi đầu cho bi kịch vương đế của một gia đình, một dòng họ.

Sau gần 36 năm trên ngai Hoàng đế, ngày 19/7/1883, Vua Tự Đức băng hà. Bị bệnh đậu mùa từ nhỏ, Tự Đức lại không thể có con nối dõi để truyền ngôi trực hệ. Theo di chiếu, Tự Đức truyền lại ngôi báu cho Hoàng tử con nuôi trưởng Nguyễn Phúc Ưng Chân và cử ba trọng thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành làm Phụ chánh đại thần. Ưng Chân là con trai thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, năm đó (1883) vừa tròn 30 tuổi. Ưng Chân lên ngôi, thành vua Dục Đức, có ý ngả theo phái chủ hòa của Trần Tiễn Thành. Tường, Thuyết lập tức vin vào cớ Tự Đức từng nhắc trong di chiếu là ông hoàng này “có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn”, đã có ý phế; khi đăng cơ ông vua này lại cải di chiếu của tiên đế, nên đem tống giam vào cung Giảng Đường rồi đem giết sau khi tại vị hoàng đế vỏn vẹn 3 ngày!

Sau Dục Đức, đến lượt Nguyễn Phúc Hồng Dật, con út Vua Thiệu Trị, em ruột Tự Đức được đặt vào ngai vàng lấy niên hiệu Hiệp Hòa. Trên ngôi thiên tử, ông vua 36 tuổi (sinh năm 1847) cũng tỏ ra muốn thỏa hiệp với Pháp để hạn chế bớt sự lộng quyền của hai trọng thần Tường, Thuyết. Kết cục của âm mưu này là cái chết của Hiệp Hòa vì thuốc độc vào ngày 29/11/1883, sau lễ đăng cơ 4 tháng.

Ngay trong đêm Hiệp Hòa bị bức tử, Nguyễn Phúc Ưng Đăng, sinh năm 1869, con thứ 3 của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, đồng thời là con nuôi thứ ba của Tự Đức đã được lập làm vua, lấy niên hiệu Kiến Phúc. Chỉ 8 tháng sau, ngày 31/7/1884 Kiến Phúc cũng đột tử vì bệnh. Nhưng khắp kinh thành, dân chúng lại râm ran bàn tán về cái chết này như kết quả một âm mưu. Trong một lần vấn an mẹ nuôi là bà Học phi Nguyễn Thị (vợ Vua Tự Đức), ông vua trẻ mới 15 tuổi Kiến Phúc đã tình cờ phát hiện ra việc Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường và bà Học phi dan díu với nhau. Để bịt đầu mối, một lần nữa, Nguyễn Văn Tường lại phải mượn chén thuốc độc đưa vào tận long sàng ép vua phải uống.

Lẽ ra, thay thế Kiến Phúc phải là người con trai trưởng của Kiên Thái vương là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, bởi cũng giống như em ruột, Ưng Kỷ cũng là con nuôi của Vua Tự Đức. Nhưng, ở tuổi 20, Ưng Kỷ đã quá đủ lớn để có toan tính riêng, không che đậy nổi ý muốn cầu hòa với Pháp nên Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đã chủ động không lập làm vua, đề phòng hậu họa. Thay vào đó, họ chọn Nguyễn Phúc Ưng Lịch, em ruột của cả Ưng Kỷ (sau này là Vua Đồng Khánh) lẫn Ưng Đăng (Vua Kiến Phúc). Không phải là con nuôi Tự Đức, Ưng Lịch vốn dĩ hoàn toàn không liên quan gì đến ngai vàng và quyền lực vương triều.

Trước khi được rước về cung học tập, ông hoàng trẻ này đã có nhiều năm sống bình dị lẫn giữa bách tính lê dân nên ít nhiều cũng đã kịp thấm được nỗi niềm một kẻ mất nước, mới 12 tuổi đã kịp phát lộ ý thức chống Tây. Nguyễn Văn Tường, và Tôn Thất Thuyết đã quyết định chọn Ưng Lịch đặt lên ngôi báu, lấy hiệu Hàm Nghi (8/1884) để dễ bề đeo đuổi mục tiêu kháng Pháp.

Dù thất bại thì tại Tân Sở, ngày 13/7/1885, đích thân nhà vua trẻ cũng đã tự tay đóng ấn “Ngự tiền chi bảo” lên những tờ Hịch Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng mọi miền đứng lên chống Pháp.

Để loại trừ ảnh hưởng của Vua Hàm Nghi và dập tắt mầm mống kháng chiến từ trứng nước, ngay sau khi bình định xong kinh đô Huế, ngày 19/9/1885, thực dân Pháp đã vội vã dựng anh ruột Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên làm vua, lấy hiệu Đồng Khánh. Ấn truyền ngôi đã mất, danh không chính, lòng người không thuận, để tránh tiếng bù nhìn thị phi, Đồng Khánh cũng vội vã cho đúc ngay một kim ấn “Ngự tiền chi bảo” mới. Để cho khác kiểu, kim ấn mới này có mặt triện không phải hình vuông mà mang hình bát giác. Dù vậy, ông vua bù nhìn vẫn không mua chuộc được lòng người. Dân gian vẫn truyền nhau câu hát đầy oán thán:

Hàm Nghi chính thực vua trung.

Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng!

Khi còn sống Nguyễn Phúc Hồng Cai chỉ được phong tước Kiến Quốc Công. Mãi đến tháng 9/1885, sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh mới truy tôn ông là Thúc Phụ, tước Kiên Thái Vương. Chỉ có điều, một người đã mất từ 34 năm trước thì không thể tiếp tục sinh con. Kiên Thái Vương, sinh năm 1845, đã mất từ năm 1876, tất nhiên sẽ không là thân phụ của bà Thân Thị Nam Trân sinh năm 1910 được.

Một trang Kim sách, báu vật triều Nguyễn đang lưu giữ
|tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia tại Hà Nội.

Một chương bi thảm

Sau Hòa ước Giáp Tuất 1874, trước sự uy hiếp liên tục và ngày càng gia tăng của thực dân Pháp, vua Tự Đức đã chuẩn y cho xây dựng một loạt các căn cứ Sơn phòng ở hầu khắp các tỉnh miền Trung. Sơn phòng không gì khác hơn là một loại thành lũy quy mô nhỏ, có quân đồn trú, làm nhiệm vụ như biên phòng ngày nay ở khu vực sơn cước phía Tây đất nước. Nhưng mục đích sâu xa, nhà Nguyễn muốn chuẩn bị trước một loạt căn cứ hậu lộ nhằm có nơi rút lui và tổ chức kháng chiến lâu dài, nếu kinh thành Huế bị Pháp tấn công không thể giữ được.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết, theo chỉ dụ của Tự Đức, vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị được chọn làm đất lập Nha Kinh lý Sơn phòng Quảng Trị. Nhân lực xây dựng lấy từ số phạm nhân đã được phân loại.

Sau ngày vua Tự Đức băng hà, việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến càng trở nên gấp rút. “Quốc triều chính biên toát yếu” chép, cuối năm 1883, dưới triều vua Kiến Phúc, Cơ mật Viện nhà Nguyễn đã cho “dời Nha Sơn phòng Quảng Trị tới làng Bảng Sơn (nay là xã Cam Nghĩa - NV), lỵ sở phủ Cam Lộ cũng dời về trong Sơn phòng”. Tổng chỉ huy xây dựng Sơn phòng Tân Sở được chính cố mệnh đại thần Nguyễn Văn Tường đảm trách, có sự phụ tá đôn đốc của một loạt trọng thần như Phò mã Đặng Huy Cát, Tham biện Tôn Thất Lệ, Phó sứ Sơn Phòng Nguyễn Tuy... Từ kinh đô, rất nhiều vàng bạc, khí giới cũng được đốc thúc đưa ra chôn giấu tại đây. Riêng vũ khí, số lượng chuyển đi rất lớn, mất ròng rã 3 tháng mới hoàn tất. Theo dự định của Tôn Thất Thuyết, 1 triệu lượng (khoảng 33 tấn) vàng ròng, bạc nén sẽ được chuyển từ kho Phủ Nội vụ trong kinh thành Huế lên Tân Sở. Nhưng mới chuyển được 1/3, khoảng 11 tấn thì giao tranh với Pháp đã nổ ra tại kinh thành nên phải tạm ngừng.

Ngày 2 tháng 7 năm 1885, tướng Pháp De Courcy đến Huế, dẫn theo 1 tiểu đoàn lính Phi châu, 1 đơn vị đặc nhiệm sơn cước tổng cộng có 19 sĩ quan và 1024 binh sĩ. Viên tướng thực dân ngạo mạn đòi vua Hàm Nghi phải bước xuống ngai vàng đích thân ra đón, trong khi tất cả binh lính Pháp thì có thể tiến thẳng vào Hoàng thành qua cửa Ngọ Môn, vốn là cửa chỉ có hoàng Đế Đại Nam mới được quyền bước chân qua. De Courcy khước từ quà tặng của vua Hàm Nghi nhưng lại buông tối hậu thư ngang ngược: "nếu các người muốn yên ổn, thì trong 3 ngày phải nộp 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc và 200.000 francs".

Bị lăng nhục, phe chủ chiến tức giận, quyết định ra tay trước. Đêm mùng 5, rạng sáng ngày 6/7/1885 (23 tháng 5 Âm lịch), Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đem quân tấn công trại lính Pháp ở đồn Mang Cá. Chỉ sau một ngày giao tranh, Kinh đô thất thủ.

Rạng sáng 9/7, Tôn Thất Thuyết đã hộ giá (thực chất là bắt ép) vua Hàm Nghi - mới lên ngôi chưa đầy 1 năm - rời Hoàng thành vượt lên Tân Sở. Pháp một mặt cho quân bộ đuổi theo, một mặt cho thủy quân kéo tàu ra biển Nhật Lệ (Quảng Bình) chặn đường.

Tôn Thất Thuyết tự lượng thành Tân Sở quy mô vẫn còn quá nhỏ, địa thế chưa đủ hiểm trở, xa xôi để cầm cự lâu dài, không đủ sức chống đỡ nên chỉ để nhà vua và đoàn hộ giá ở lại thành có 4 ngày. Ngay sau đó, Tôn Thất Thuyết đã vội phò giá Hàm Nghi vượt lên phía thượng ngàn Đắkrông - Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, từ đó vượt sang Châu mường Mahasay của Lào. Khi Phan Đình Phùng hưởng chiếu Cần Vương khởi nghĩa, lập xong căn cứ Vụ Quang, vua Hàm Nghi lại vượt biên giới về đóng tại căn cứ núi Ấu (Hương Khê, Hà Tĩnh). Thực dân Pháp đã xua đám tay sai do Tổng đốc Hoàng Cao Khải (đồng hương làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh với Phan Đình Phùng) chỉ huy đuổi riết. Đoàn tùy tùng lại tiếp tục hộ giá hoàng đế vượt đèo Quy Hợp vào đất Tuyên Hóa, Quảng Bình. Có thời gian, đoàn ngự giá hạ trại tại chân núi Mã Cú, nay thuộc địa phận xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình.

Nhà vua và đoàn tùy tùng vừa rời đi, Pháp đã tấn công và nhanh chóng chiếm Sơn Phòng Tân Sở, cướp phá và san phẳng nơi này. Với thời gian gấp gáp, lại liên tục trong tình trạng bị truy đuổi ráo riết một thời gian dài, gần như chắc chắn vua Hàm Nghi và đoàn hộ giá không thể mang theo hết số bạc vàng châu báu, tiền bạc đã tập kết về Tân Sở từ đầu năm 1885. Ngoài phần bị quân Pháp cướp lại, số mang theo được chắc chắn sẽ phải chia nhỏ, chôn dấu lại từng phần ở nhiều nơi dọc đường bôn tẩu.

Sau hơn ba năm bôn tẩu vùng thượng đạo rừng xanh núi thẳm, vua Hàm Nghi sa cơ. Ngày 26/9/1888, tại khe Tá Bào, Tuyên Hóa, Quảng Bình, tên túc hạ manh tâm Trương Quang Ngọc đã dẫn binh giết sạch đoàn hộ giá, bắt Vua Hàm Nghi dâng cho giặc. Trương Quang Ngọc rồi thực dân Pháp đã lục xét đào xới khắp chung quanh nơi vua hạ trại hòng tìm cướp báu vật mang theo nhưng chỉ uổng công. Không ngọc tỉ, kim ấn, không bạc nén, vàng thoi, trong người đức vua chỉ còn lại một ít bạc lẻ in dấu “Hàm Nghi thông bảo” và vài ba tấm bản đồ đánh dấu một số kho báu được chôn lại ở nhiểu nơi. Kẻ ngoài cuộc có cầm bản đồ trên tay cũng không tài nào xác định nổi vị trí của những tấm bản đồ vẽ sơ sài ấy...Trong khi đó, ông vua trẻ bại vong thì trước sau không chịu nói thêm lấy nửa câu, cho đến tận ngày tạ thế tại đất nước Algeria ở châu phi xa xôi vào năm 1944.

Khoảng 2/3 ngân khố quốc gia, cùng vô số báu vật vương triều, rất nhiều kim ấn, ngọc tỷ, kim sách, kim chi ngọc diệp, đồ tạo tác quý giá…còn lại ở Kinh thành Huế đã bị De Courcy cho lính cướp phá ròng rã trong gần 2 tháng, gửi tàu thủy đem về Pháp. Theo ghi nhận của linh mục cùng thời Pène Siefert thì quân lính của De Courcy đã cướp khỏi hoàng cung một kho tàng trị giá tới 24 triệu frăng theo mệnh giá thời đó!

Những gì còn sót lại, cuối Thế chiến thứ II lại bị Nhật – Pháp thi nhau vơ vét nốt. Chỉ một phần rất nhỏ những báu vật quốc gia được Bảo Đại giao lại cho phái đoàn đại diện Chính phủ Lâm thời trong lễ thoái vị vào chiều 30/8/1945. Trong số đó có tất cả 85 kim ấn ngọc tỷ, hiện vẫn đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

Tỳ hưu vàng tại bảo tàng cung đình Huế.

Dấu tích kho báu quân vương

Khoảng đầu những năm 1980, một số đồng bào dân tộc Vân Kiều ở gần cầu Đắkrông, Quảng Trị, trong khi đi bắt cá khe đã tình cờ phát hiện trong một hốc cây lớn chìm dưới suối cả một kho tàng gồm toàn tiền cổ bằng vàng ròng và những thoi vàng nặng 1 lượng. Cùng thời gian này, một đoàn khảo sát của Bảo tàng Trung ương đã tình cờ phát hiện được tại bản Sê Bu, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị một chiếc áo dài màu đen, lót lụa đỏ, thêu kim tuyến và hình rồng 5 móng được cho là áo bào của Vua Hàm Nghi. (Dưới triều Nguyễn, chỉ có áo vua mới được thêu rồng 5 móng, từ hoàng thái tử trở xuống chỉ được phép thêu rồng 4 móng). Theo tài liệu, chiếc áo bào này Vua Hàm Nghi đã cởi tặng cho một người Vân Kiều tên là Ku Xin, vì đã có công giúp đỡ đoàn hộ giá.

Tương tự, tại thôn 5, xã Hải Phúc (huyện Đắkrông) sát với vùng căn cứ Tân Sở, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện được trong gia đình Vân Kiều một chiếc mâm đồng cổ rất lớn chạm 2 con rồng 5 móng và 5 chữ Hán: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.

Dấu tích về kho báu Vua Hàm Nghi dường như được dân chúng phát hiện khá nhiều lần với tiền vàng số lượng lớn ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Theo ông Thái Xuân Bạ, nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa, khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, bố ông tham gia dân quân xã đã từng được huy động đi thu gom “vàng Vua Hàm Nghi” do dân xã Trung Hóa phát hiện được. Tổng cộng có 3 nong phơi lúa tiền chữ “Đại” bằng vàng ròng được gom về sân nhà ông Bạ trước khi đem giao nộp cho chính quyền. Lợi dụng lúc người lớn không chú ý, ông Bạ và một số trẻ con hàng xóm đã “nhón” đi mỗi người khoảng 10 đồng để dành... đánh đáo.

Một trường hợp khác xảy ra tại xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, năm 1956, sau trận lụt lớn, người dân trong xã phát hiện ra có vô số tiền vàng từ một hốc đá trôi ra suối bèn hè nhau mang rổ rá đi vớt, thu được cả tạ. Sau đó được chính quyền vận động, dân chúng đã tự nguyện đem nộp lại toàn bộ cho nhà nước.

Gần hơn, giữa tháng 4/2003, một đám trẻ chăn trâu đã tình cờ phát hiện được tại hang Lèn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình một chiếc tráp gỗ, bên ngoài khắc chữ Hán và hoa văn nhũ vàng rất đẹp. Khi được những em nhỏ này đưa xuống núi, chiếc tráp đã tự động mục rã ra. Bên trong tráp có một quả cau bằng kim loại màu đen, hai lư hương bằng đồng và 2 chìa khóa kiểu cổ. Những đứa trẻ này vô tư đưa các vật nói trên về nhà chơi. Một thanh niên trong làng phát hiện đã lừa đám trẻ em này lấy mất quả cau màu đen (nghi chế tác bằng đồng đen). Hai lư hương và hai chiếc chìa khóa, Sở VH-TT đã kịp thời thu giữ để giám định. Theo dự đoán của một số cán bộ Sở VH-TT Quảng Bình, rất có thể những đồ cổ nói trên chính là một phần trong số tài sản của kho báu Vua Hàm Nghi, bởi theo sử liệu, xã Văn Hóa thuộc vùng căn cứ cũ của nghĩa quân Cần Vương. Trên đường bôn tẩu, Vua Hàm Nghi cũng có ghé lại đây một thời gian ngắn...

Đầu năm 2009, UBND huyện Tuyên Hoá, Sở VHTT và DL Quảng Bình cũng đã tiếp nhận 3 đồng tiền vàng của bà Nguyễn Thị Liên, trú tại thôn Tân Sơn, Sơn Hoá, Tuyên Hoá. Con dâu bà Liên đã phát hiện ra 3 đồng tiền cổ này tại khe nước Trọt Su trong xã. Đem vào tiệm vàng Kim Hoàn ở TP Đồng Hới thử, kết quả là những đồng tiền này đều đúc bằng vàng 999,9%, mỗi đồng tiền nặng 5 chỉ vàng. Có hai đồng đường kính 2,8cm, đồng còn lại đường kính 2,4 cm. Hai đồng tiền này đều giống nhau, một mặt có hoạ tiết mặt trời, mặt kia có 4 chữ “Hàm Nghi thông bảo”. Rất có thể, đây là những đồng tiền được đúc dập sau khi vua Hàm Nghi đã trên đường bôn tẩu. UBND tỉnh Quảng Bình đã trao 3,5 triệu đồng tiền thưởng cho gia đình bà Liên vì đã có công phát hiện và giao nộp những cổ vật có giá trị văn hoá lịch sử.

Báu vật bình phong mạ vàng, lưu giữ tại Bảo tàng cung đình Huế.

Một nguồn thông tin khác về kho báu Vua Hàm Nghi được mô tả bởi ông Lê Ổn, đại tá Biên phòng về hưu, hiện sống tại TP Đồng Hới. Năm 1955, ông Ổn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 229, Công an vũ trang, đóng quân tại Minh Hoá, Quảng Bình. Tình cờ, những người lính trong đơn vị ông đã phát hiện trên đỉnh núi Ka Ai có một vùng đất trống bằng phẳng, có 20 cây bưởi cổ thụ được trồng thành hình vòng tròn. Bí mật của câu chuyện được một già bản – lúc đó đã trên dưới 90 tuổi- ở xã Thanh Lạng, cách đó không xa giải mã. Khi già bản này còn là một thanh niên chưa đầy 20 tuổi, có một đợt gần ông cùng khoảng 30 trai tráng khác ở Thanh Lạng được huy động lên đỉnh Ka Ai... đào giếng. Nửa tháng sau, rất nhiều châu báu đã được đem lên giếng trên đỉnh núi chôn lấp. Công việc hoàn tất, ngay trong đêm, số thanh niên trai tráng này đều bị chém chết ngay tại chỗ. Bị thương, nhưng nhờ có xác 2 người khác đè lên nên già bản này may mắn được binh lính tưởng hết bỏ qua, không truy sát đến cùng. Đến gần sáng, ông mới tỉnh dậy và cố lết về được đến nhà. Quá khiếp hãi, hơn nửa thế kỷ sau ông vẫn không dám hé răng với bất kỳ ai về vụ việc. Chỉ khi ông Ổn và một số cán bộ Tiểu đòan 229 gợi chuyện, ông mới dám kể, vì tin tưởng Công an vũ trang là những người tốt.

Thuyết phục nhất, áp tết Nguyên đán 2007, lần đầu tiên sau 122 năm, sự thật về một nơi lưu giữ một phần kho báu vua Hàm Nghi đã được tiết lộ, được VTV1 quay phim và phát hình. Tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, một loạt những di vật của vua Hàm Nghi, đáng kể có một cặp kiếm, 6 hoàng bào, một cặp voi vàng, cau, trâu vàng... vẫn được gìn giữ nguyên vẹn sau bao bể dâu lịch sử. Miếu thờ cất giữ những báu vật này nằm cách căn cứ Sơn Phòng xưa chỉ chưa đầy 2km.

Rõ ràng, kho báu vua Hàm Nghi không chỉ tồn tại như một huyền thoại. Ít ra, những dấu tích, cứ liệu còn sót lại cũng chứng minh hùng hồn: sự tồn tại của, không chỉ một mà có thể là nhiều kho báu vua Hàm Nghi là điều có thật. Nó đủ hấp dẫn để đốt lên khát vọng tìm kiếm ở không ít người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Theo dấu tích kho báu Vua Hàm Nghi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO