Theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ

Thái Duy 23/06/2017 08:25

Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XII) đã thông qua ba Nghị quyết về kinh tế cũng là ba vấn đề trong 30 năm đổi mới được đông đảo nhân dân và cán bộ quan tâm vì trực tiếp liên quan đến miếng cơm manh áo của dân. Bao cấp tồn tại đã lâu, có những lúc là chỗ dựa của kháng chiến, cái cũ là bao cấp cần thay đổi rất khó khăn.

Cái mới là cơ chế thị trường, một thời gian dài đinh ninh là chủ nghĩa tư bản, cái mới xuất hiện cũng không dễ dàng. Bình mới vì vậy vẫn lẫn lộn rượu cũ, môi trường kinh tế nhiều khi phát triển thiếu lành mạnh. Trong nước khó có doanh nghiệp nào cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì mọi ưu tiên, ưu đãi đều dành cho DNNN.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước đã không còn và nếu còn cũng chỉ nặng về hình thức, cạnh tranh với nước ngoài chỉ trong thế yếu vì doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không phát huy được thế mạnh vốn có.

Cơ chế thị trường (dù định hướng xã hội chủ nghĩa) gắn liền với cạnh tranh. Đã theo cơ chế thị trường thì cạnh tranh không những là lẽ sống của mỗi doanh nghiệp mà còn là lẽ sống của nền kinh tế mỗi quốc gia.

Malaysia nêu cao khẩu hiệu “Khả năng cạnh tranh hay là chết”. Còn triết lý sống của Singapore là: “Phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn và tốt hơn bất kỳ ai khác hoặc là chịu diệt vong”.

Hàn Quốc rất nghèo như Singapore, không có tài nguyên đi tới đâu cũng thấy khẩu hiệu “Tài nguyên có hạn – Trí tuệ vô hạn”.

Trí tuệ là kho tài nguyên vô tận nhưng con người phải học thì đầu óc mới mở mang, thông minh, sáng suốt, mới biết của cải đang ở đâu, nếu không lại như một số dân tộc giàu tài nguyên nhưng không biết khai thác, chế biến, chỉ ra sức xuất thô làm giàu cho dân tộc khác, còn mình nghèo vẫn hoàn nghèo.

Đầu thập niên 80 (thế kỷ trước) thế giới xuất hiện mấy con Rồng kinh tế đều ở châu Á như: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan.

Ba nước và vùng lãnh thổ Đài Loan chuyển sang phát triển kinh tế, hội nhập, tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thu nhập bình quân đầu người rất thấp (trên dưới 50 đô la Mỹ) và chỉ trong vòng 30 năm đã có nền công nghiệp hiện đại.

Cả ba nước và vùng lãnh thổ này đã ý thức được rất sớm: Đầu tư vào giáo dục có lãi nhất – Giáo dục là lợi khí cạnh tranh sắc bén nhất – Giáo dục là nền tảng duy nhất để thịnh vượng và phát triển bền vững”.

Singapore chọn sinh viên xuất sắc hàng đầu từ những nhóm học viên ưu tú mỗi năm và gửi họ đến các trường đại học nổi tiếng ở Anh, Canada, Úc, Newzeland… để đào tạo thành các nhà doanh nghiệp.

Trẻ, trung thực, thông minh, năng động, mạnh mẽ là những đức tính cần thiết của mỗi người nhưng với Singapore cần thêm sự nhạy bén của một nhà doanh nghiệp.

Năm 2010, Singapore trở thành nước có thu nhập bình quân tính theo đầu người cao nhất thế giới với 43.867 đô la Mỹ (hơn Việt Nam gần 40 lần).

Toàn xã hội Hàn Quốc, thường xuyên có một phần ba thanh niên tiếp tục theo học đến đại học, 85% thanh niên độ tuổi 17, 18 tuổi vẫn đang theo học bậc trung học, nhiều hơn ở Anh (46%) và ở Pháp (75%).

Hàn Quốc có số tiến sĩ tính theo đầu người cao nhất thế giới, có tập đoàn của Hàn Quốc đã thuê đến 1.000 tiến sĩ phần lớn tốt nghiệp ở Mỹ.

Trường đại học nhiều quá nên Nhà nước lo không hết, phần còn lại do tư nhân tham gia gánh vác. Có tập đoàn tư nhân có trường đại học riêng, mọi chi phí đều do tập đoàn thanh toán, nhân lực chất lượng cao cực kỳ cần thiết vì cạnh tranh muốn thắng lợi phải không ngừng nâng cao trình độ khoa học - công nghệ.

Không ngạc nhiên khi Hàn Quốc đã bỏ công nghiệp hóa kinh điển và đi ngay vào mô hình hiện đại vì công nghệ này đã phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, tương lai sẽ là một ngành kinh tế riêng biệt.

Khoảng cách giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất xa, Hàn Quốc đã bỏ công nghiệp hóa kinh điển còn ta vẫn còn đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp.

Đài Loan rất chú trọng đến khu công nghệ cao, ngay từ năm 1980 đã xây dựng khu công nghệ cao Tân Túc. Khu công nghệ cao là con đường đi vào xã hội tương lai.

Năm 2005, Mỹ có 300 khu công nghệ cao, Pháp có hơn 40 khu công nghệ cao, Trung Quốc có hơn 50 khu công nghệ cao. Riêng Việt Nam có khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và khu công nghệ cao Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Khu công nghệ cao tiêu biểu nhất thế giới là của Mỹ, mang tên Thung lũng Silicon, là cái nôi của công nghệ cao toàn thế giới. Hơn một vạn người Việt Nam sống ở Mỹ làm việc ở đây, chủ yếu làm công nghệ thông tin vốn là công nghệ mũi nhọn đang được cả thế giới hướng tới.

Nhiều người Việt Nam có trình độ chuyên môn cao giữ những vị trí quan trọng ở Thung lũng Silicon trong phát triển công nghệ của các hãng, các công ty, có chuyên gia Việt Nam rất giỏi được trả lương 500 đôla Mỹ một giờ.

Còn ở Pháp trước đây báo chí thế giới đã viết nếu không có người Việt Nam sống ở Pháp làm việc trong ngành tin học ở Pháp thì ngành tin học ở Pháp sẽ suy sụp.

Khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan còn có sáu khu công nghệ cao vệ tinh cùng với 44 công ty nước ngoài đầu tư tại Tân Trúc.

Những trí thức Đài Loan tốt nghiệp ở Mỹ sống ở Mỹ lâu đã trở về làm việc ở khu Tân Trúc rất đông. Là một hòn đảo bao nhiêu năm chẳng ai biết đến, Đài Loan với khu công nghệ cao Tân Trúc là nơi cung cấp hơn 90% thị phần chip, vi mạch, linh kiện điện tử cho thế giới, doanh thu trong năm 2010 của Tân Trúc là gần 41 tỷ đôla Mỹ.

Tân Trúc nổi tiếng thế giới, được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Á”. Malaysia có khu công nghệ cao Cyberyaga khánh thành năm 1999, rộng 7.000 ha, quy tụ các nhà máy thiết kế và sản xuất hàng điện tử cao cấp. Riêng một nhà máy của Malaysia kiêm phòng thí nghiệm khảo cứu lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ.

Còn hai khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thủ Đức của Việt Nam xây dựng chậm vừa vì giải phóng mặt bằng quá lâu vừa vì cách nhìn nhận vấn đề còn khác nhau, như trong báo cáo khoa học của giáo sư Đặng Hữu, đầu đề “Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và sự xuất hiện nền kinh tế trí thức” từ cách đây hơn 15 năm đã nêu rõ.

Khu công nghệ cao phải tạo điều kiện cho sự liên kết giữa sản xuất với khoa học, mục tiêu chủ yếu là phát hiện và phát triển các ý tưởng khoa học thành công nghệ rồi đưa ra áp dụng đại trà cho các nơi khác.

Khu công nghệ cao của ta vẫn chưa phát huy chức năng đích thực, chưa là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế trí thức mặc dù các chuyên gia, trí thức của ta làm việc ở các khu công nghệ cao ở Mỹ, ở Pháp… đông hơn Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và được trọng dụng. Báo cáo khoa học của giáo sư Đặng Hữu, cho đến hiện nay càng rất thời sự, đã mở đầu như sau:

“Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại trong những thập kỷ 80 và 90 đã dẫn tới những biến đổi sâu sắc về kinh tế, xã hội của loài người, tạo tiền đề cho sự biến chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế trí thức. Từ đầu thập niên 80 đến nay khoa học và công nghệ phát triển quá nhanh, con người không dự đoán hết”.

Các ngành truyền thống như công nghiệp, nông nghiệp, nếu ứng dụng trí thức mới, công nghệ mới đem lại giá trị hơn hai phần ba tổng giá trị thì những ngành ấy cũng là ngành kinh tế trí thức.

Cái cũ mất đi thay thế bằng cái mới, đó là đặc trưng của sự phát triển, sự tiến hóa của xã hội, phát triển từ cái mới chứ không phải từ số lượng lớn dần lên.

Công nghệ đổi mới rất nhanh, từ lúc ra đời, phát triển rồi tiêu vong của một lĩnh vực sản xuất, một công nghệ hoặc một sản phẩm làm ra trở nên rất ngắn, chỉ mấy năm, thậm chí mấy tháng.

Trước đây người ta hay chọn những công nghệ đã chín muồi, còn bây giờ phải tìm cái mới nảy sinh, vì cái chín muồi là cái sắp tiêu vong.

Chính vì vậy phải học tập, cả nước học tập, cán bộ công chức lãnh đạo càng lên cao càng phải học mới theo kịp tình hình. Báo cáo khoa học của giáo sư Đặng Hữu, phần học tập xin được trích nguyên văn:

“Thứ năm là hình thành xã hội học tập. Giáo dục rất phát triển. Mọi người đều học tập, học thường xuyên, học ở trường và học trên mạng. Mọi người thường xuyên được bổ túc, cập nhật kiến thức, phát triển trí sáng tạo, chủ động theo kịp sự đổi mới và có khả năng thúc đẩy sự đổi mới.

Đầu tư cho giáo dục và cho khoa học chiếm tỷ lệ rất cao. Nói chung đầu tư vô hình (cho con người, cho khoa học, văn hóa xã hội…) cao hơn đầu tư hữu hình (đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật). Mỹ hiện nay đầu tư vô hình nhiều hơn đầu tư hữu hình”.

Nền sản xuất xã hội đang chuyển từ nền sản xuất công nghiệp dựa chủ yếu vào máy móc tài nguyên thiên nhiên sang nền sản xuất trí thức dựa chủ yếu vào trí lực và thông tin.

Chắc chắn ba Nghị quyết về kinh tế sẽ thúc đẩy xã hội học tập, nhất là trong bộ máy Đảng, Nhà nước và Mặt trận. Nếu coi nhẹ học tập như nhiều năm qua sẽ không hoàn thành trọng trách nhân dân giao phó.

Ta tụt hậu đã khá xa và điều cần được nhắc nhở là tụt hậu đều có giới hạn, đến mức nào đó sẽ không còn theo kịp thiên hạ nữa và mắc vào cái bẫy thu nhập trung bình đang rất có thể là hiện thực đối với Việt Nam.

Bằng mọi giá phải đưa hai khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thủ Đức vào cuộc sống càng sớm càng tốt, không thể kéo dài mãi tình trạng “có” nhưng “việc làm được” còn rất xa mới tương xứng với tầm vóc của nó.

Không thể đi sau mãi sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, không thể kéo dài mãi tình trạng phi lý này ở một nước nổi tiếng ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO