Thị trường hàng bán lẻ và tiêu dùng nhanh tăng cao trong dịp Tết 2023

Linh Trang 30/01/2023 17:51

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường nhóm hàng tiêu dùng nhanh của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn Kantar ghi nhận, đà tiêu thụ hàng tiêu dùng năm 2023 đã tăng mạnh và mang lại lợi ích cho thị trường nước ngọt có gas và bia.

Giá trị hàng tiêu dùng nhanh dịp Tết 2023 tăng 7-9% so với cùng kỳ

Được biết, Tết Nguyên Đán là mùa bận rộn nhất trong năm ở Việt Nam, tạo ra nhu cầu lớn về mua sắm, quà tặng và du lịch khắp mọi miền đất nước.

Với nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Tết 2023, Kantar nhận định, các cửa hàng quy mô lớn và siêu thị đang trên đà phục hồi sau sự sụt giảm đáng kể trong quý III/2021. Xu hướng này xảy ra tương tự với cửa hàng đồ đặc sản và chợ đồ tươi sống - những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, mức tăng trưởng của mua sắm online đang chững lại, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Do ngày càng nhiều mặt hàng phục vụ mùa lễ hội xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử, cùng với nhu cầu ngày càng tăng của người mua về một hình thức mua sắm tiện lợi, kênh trực tuyến vẫn tiếp tục là phương thức mua sắm Tết dễ dàng và nhanh gọn.

Sau hai mùa Tết với mức tăng trưởng sụt giảm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh Tết 2023 được Kantar đánh giá cải thiện. Đó là bởi nền kinh tế Việt Nam nói chung đã phục hồi và người tiêu dùng cũng có cái nhìn tích cực về kinh tế.

Kantar cho rằng, giá trị hàng tiêu dùng nhanh dịp Tết 2023 sẽ tăng 7 - 9% so với năm ngoái, với động lực chính là sự gia tăng của mức giá trung bình. Khi áp lực từ lạm phát vẫn còn hiện hữu, người mua sắm siết chặt hầu bao và áp dụng các chiến lược khác nhau để thích ứng với tình hình kinh tế.

Nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh hoạ.

Phỏng vấn người dân về như cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán, chị Hồng Nhung (32 tuổi), giáo viên tại một trường tư nhân trên địa bàn Hà Nội cho biết: "Năm nào cảnh người dân xếp hàng trong siêu thị cũng kéo dài, tuy nhiên khác với 2 năm trước do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, năm nay tôi thấy mọi người đổ xô đi mua hàng nhiều hơn và sức mua cũng lớn hơn những năm trước đó".

Trong khi đó, anh Trịnh Quang (45 tuổi, Quảng Ninh) cũng cho hay: "Tết năm nay tôi mua đồ nhiều hơn những năm trước, đặc biệt là bia và nước ngọt".

Đẩy mạnh thị trường bán lẻ nhưng cũng cần an toàn, ổn định

Có thể thấy sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 đã đẩy mức tiêu dùng của người dân lên cao, đặc biệt hơn khả năng chi tiêu cũng tăng lên khi hai ngày lễ lớn Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán 2023 diễn ra liên tục trong tháng 1/2023.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).

Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%.

Xét về các địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Đà Nẵng tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; TP Hồ Chí Minh tăng 7,8%.

Và để đảm bảo cho tình hình mua sắm diễn ra an toàn, ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, trong dịp Tết Nguyên đán, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.

Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá..., lực lượng quản lý thị trường tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.

Ông Hoàng Ánh Dương cũng yêu cầu các Cục Quản lý thị trường các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là một số mặt hàng trọng điểm.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường hàng bán lẻ và tiêu dùng nhanh tăng cao trong dịp Tết 2023

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO