Thị trường trái cây nội: Rẻ vẫn ế

Duy Phương 27/07/2015 05:00

Nếu như các sản phẩm thuộc nhóm ngành chăn nuôi đang đứng trước lo ngại số lượng thịt ngoại tràn vào quá nhiều với giá thấp hơn hẳn so với giá thịt trong nước, thì đối với nhóm hàng trái cây, lại có diễn biến trái ngược. Đó là, giá trái cây nhập ngoại dù giá cao thì cũng được người tiêu dùng lựa chọn thay vì trái cây trong nước. Vì sao?

Trái cây nội phải cạnh tranh với trái cây ngoại ngay trên sân nhà. (Ảnh: TL).

Trái cây nhập ngoại áp đảo

Thông tin từ Bộ NN&PTNT mới đây cho hay, đã mở cửa cho phép nhập khẩu trở lại đối với 3 loại trái cây của Úc từ 1-8 tới, đó là cam, quýt và nho. Thông tin này nếu như khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam vui mừng vì lại được sử dụng các sản phẩm trái cây có chất lượng tốt, vị ngon nhập từ Úc, thì lại gieo thềm nhiều phần lo lắng cho người nông dân Việt Nam.

Lý do là bởi, trái cây nhập ngoại mặc dù có giá cao hơn nhiều so với trái cây trong nước song, lâu nay vẫn được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nhiều hơn.

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên thị trường cho thấy, các loại trái cây ngoại như nho, quýt, táo, bơ… được nhập từ Úc, Mỹ, Thái… dù giá thường cao hơn giá các sản phẩm trái cây cùng loại ở trong nước từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, song đây vẫn luôn là các sản phẩm bán chạy hơn trái cây nội địa.

Theo chị Trần Thị Ánh, một tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội), gần đây, các loại hoa quả cứ có nhãn mác nhập ngoại bao giờ cũng bán chạy hơn. Chị Ánh cho biết, trái bơ gắn mác Mỹ, cửa hàng chị nhập về và bán ra với giá hơn 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn cháy hàng. Trong khi bơ trồng trong nước, dù chỉ đề giá 40.000 đồng/kg vẫn rất ế ẩm, không được nhiều người chọn mua.

Tương tự, tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Lotte Mart, Sài Gòn Coop. Mart… số lượng hoa quả nhập ngoại như cherry, kiwi, cam, nho, táo… được tiêu thụ áp đảo so với các sản phẩm hoa quả, trái cây trong nước. Khi được hỏi, cùng loại trái cây là cam, quýt, nho tại sao không mua hàng nội địa giá rẻ hơn nhiều so với hàng nhập từ Mỹ, Úc, chị Dương Thùy Chi, một người tiêu dùng ở phố Chùa Láng, Hà Nội cho biết, trái cây nhập ngoại mặc dù có giá cao hơn hẳn so với trái cây trong nước, nhưng yên tâm về chất lượng, xuất xứ, hơn thế nữa, ăn các loại trái cây nhập cũng ngon hơn.

Con số thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi ra 250 triệu USD để nhập khẩu rau quả, trái cây, tăng hơn 1,4% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường đều tăng trưởng vượt bậc như Mỹ (24,5 triệu USD, tăng 17%), Nam Phi (8,2 triệu USD, tăng gần 182%), New Zealand (5 triệu USD, tăng 36%), Chile (3,6 triệu USD, tăng 27%)…

Với số lượng nhập khẩu trái cây, rau quả gia tăng như trên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này sẽ còn gia tăng hơn nữa khi chúng ta mở cửa trở lại nhập khẩu các trái cây từ Úc, vì đây là thị trường đứng trong top đầu các nhà cung cấp trái cây cho Việt Nam.

Trái cây ngoại được khách hàng ưa chuộng.

Chưa coi trọng thị trường nội địa

Nhìn vào bức tranh ngành nông nghiệp hiện nay, khi cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế đang mở rộng, rõ ràng các sản phẩm là “con đẻ” của ngành nông nghiệp như thịt lợn, thịt bò, thị gà, các loại trái cây… đều đang yếu thế hơn hẳn so với hàng hóa nhập khẩu. Song, nếu như các sản phẩm chăn nuôi trong nước bị thua thiệt vì không thể cạnh tranh về giá, thì các sản phẩm trái cây nội địa dù giá thấp hơn lại không thể “thắng thế”. Tại sao lại như vậy?

Nguyên nhân được chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính) chỉ rõ, sản xuất rau quả của Việt Nam chủ yếu do nông dân tiến hành mang tính cá thể, tự phát nên có quy mô nhỏ lẻ, phân tán chưa tạo được sản phẩm hàng hóa lớn, khó khăn trong chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, chất lượng thấp nên dẫn đến sức cạnh tranh cũng thấp so với các nước trong khu vực.

Theo vị chuyên gia này, yếu tố lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng là an toàn vệ sinh thực phẩm, song trên thực tế, hiện nay, diện tích rau quả được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap,...) hoặc sản xuất theo hướng an toàn lại chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan cũng là nguyên nhân chính dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa và cả xuất khẩu. Một điểm hạn chế nữa là sự cộng tác giữa người trồng rau quả và các doanh nghiệp chế biến, bán buôn, bán lẻ thông qua hợp đồng tiêu thụ còn ít mà chủ yếu do người trồng tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Những hạn chế này, nếu không được khắc phục, các sản phẩm trái cây trong nước sẽ khó có thể đứng vững khi làn sóng hội nhập đang ngày càng lớn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, một nguyên nhân nữa khiến sản phẩm trái cây nhập ngoại được ưu ái hơn, đó là, trái cây từ các nước Úc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản… có hệ thống quản lý chất lượng tốt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiện đại, không những đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giữ được độ tươi, ngon cho trái cây. Bởi vậy, trái cây ngoại chất lượng tốt lại tạo sự yên tâm cho người sử dụng.

Có một vấn đề cũng được nhiều chuyên gia chỉ ra, dường như chúng ta cũng chưa coi trọng thị trường nội địa khi những loại sản phẩm tốt nhất thì dành cho xuất khẩu, còn những sản phẩm kém chất lượng hơn thì để tiêu thụ trong nội địa. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm trái cây trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường trái cây nội: Rẻ vẫn ế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO