Dệt may với EVFTA: Lợi thế và thách thức

Minh Phương 21/08/2019 08:00

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, dệt may là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Song để có thể tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định này, các DN ngành may mặc cần phải đạt được những quy chuẩn, quy tắc hết sức khắt khe, một trong số đó là yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Dệt may với EVFTA: Lợi thế và thách thức

Dệt may Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng.

Nhìn vào những lợi ích mà EVFTA mang lại, nổi bật lên ngành được hưởng lợi nhất chính là ngành dệt may. Lợi thế ở chỗ, thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%, trong đó, 77% các mặt hàng về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, do đó, rõ ràng, EVFTA mở ra những cơ hội lớn cho ngành may mặc nước nhà.

Mặc dù vậy, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, ở một vài năm đầu, ngành dệt may có thể gặp một số bất lợi nhất định do trong thời gian chờ thuế được giảm về 0% theo lộ trình của EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ không còn được hưởng mức thuế 9% của Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là mức ưu đãi mà EU đơn phương dành cho các sản phẩm chưa có năng lực cạnh tranh tốt từ một số nước thuộc nhóm đang/kém phát triển theo các tiêu chí mà EU quyết định. Thay vào đó, ngành này sẽ phải chịu mức thuế cao hơn từ thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) mà EU đang áp dụng - hiện đang ở mức khoảng 12%, theo số liệu từ báo cáo gần đây của VCCI về ngành dệt may ở Việt Nam.

Một thách thức được nhắc đến nhiều nhất đó là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Trong khi ngành may chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu thì yêu cầu này thực sự là một bài toán khó cho các DN xuất khẩu dệt may của nước nhà. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị nguyên liệu đầu vào trong ngành dệt may chiếm 67,1%, và đa phần nguồn nguyên liệu này được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Đài Loan, đây là những thị trường chưa có Hiệp định FTA với EU, do đó chúng ta sẽ không được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của EVFTA. Để giải được điểm nghẽn này, không còn cách nào khác, các DN dệt may phải nỗ lực chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm hẳn việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ những thị trường không tham gia FTA với EU.

Để giải được bài toán về chủ động nguồn nguyên liệu, rất cần thiết phải thu hút đầu tư vào khâu dệt và nhuộm, đây chính là hai nút thắt trong nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may. Nhấn mạnh về yếu tố này, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, EVFTA là cơ hội để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt may, đặc biệt là khâu dệt, nhuộm. Ông Giang cho biết, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều DN từ Pháp, Đức, Ý tìm đến Việt Nam để xây dựng các nhà máy kéo sợi, dệt, nhuộm… Tuy nhiên, lâu nay, một số địa phương thường có tư duy là các nhà máy dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường. “Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm”- ông Giang khẳng định và cho biết, hiện nay, các nhà đầu tư chú trọng hơn việc đưa các hệ thống công nghệ hiện đại vào sản xuất, sử dụng công nghệ xử lý nước thải tối tân. “Chúng ta cũng đã đến giai đoạn tái sử dụng nguồn nước thải để sản xuất chứ không phải như ngày trước nước thải có màu, có mùi khó chịu nữa. Vì vậy, đối với vấn đề môi trường các địa phương không nên quá lo lắng”- ông Giang nói. Cũng theo vị Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bản thân các đối tác khi hợp tác với chúng ta cũng sẽ rất khắt khe với vấn đề tác động đến môi trường, nếu những điều khoản liên quan đến môi trường bị vi phạm thì họ cũng sẽ không hợp tác, không ký hợp đồng với chúng ta. Lấy ví dụ về trường hợp của Nike, ông Giang cho hay, phía đối tác không chấp nhận doanh nghiệp Việt dùng nồi hơi tập trung, buộc chúng ta phải dùng nồi hơi điện. Và để tránh chi phí điện lên quá cao, doanh nghiệp buộc phải lắp điện mặt trời để hạ giá thành. Và như vậy, điện mặt trời cũng là một trong những giải pháp giảm tác động đến môi trường.

Có thể thấy, thị trường EU mở ra những cơ hội lớn cho ngành dệt may nước nhà, song với hàng loạt những quy định khắt khe, các DN Việt Nam cần phải hết sức nỗ lực để có thể đáp ứng được những yêu cầu từ thị trường này, một trong yêu cầu đặt ra chính là đẩy mạnh năng lực sản xuất của các công ty dệt, nhuộm trong nước để có thể giải quyết được điểm nghẽn về tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn nguyên liệu.

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019. Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam; đứng thứ hai là thị trường EU, chiếm khoảng 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%. EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài. Lý do là bởi, các đơn hàng dệt may của EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may với EVFTA: Lợi thế và thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO