Đồng bằng sông Cửu Long: Không để thương lái ép giá lúa

Quốc Trung - Phước Đức 15/02/2019 09:00

Nông dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ lúa Đông xuân. Đây là vụ lúa chủ lực trong năm ở vùng. Thông tin giá lúa giảm, thương lái ngừng thu gom đang làm cho người dân lo lắng, các ngành chức năng đang tìm giải pháp đẩy mạnh thu gom lúa cho người dân…

Đồng bằng sông Cửu Long: Không để thương lái ép giá lúa

Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Người dân vẫn có lời

Vụ Đông Xuân 2018 – 2019, nông dân ĐBSCL xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, năng suất dự kiến đạt khoảng 11 triệu tấn. Những ngày sau Tết, giá lúa ở một số nơi có hiện tượng giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với những năm gần đây, người dân vẫn có lời. Hiện, giá lúa được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 4.500 - 5.800 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Hiện nay, nông dân ở khu vực ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, tình hình thu mua lúa gạo tại các địa phương đang chậm so với cùng kỳ năm 2018, có nơi thương lái đang lừng khừng trong việc thu mua.

Qua ghi nhận tại tỉnh Cà Mau cho thấy, một vài địa phương xuất hiện tình trạng thương lái chậm thu mua lúa, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, giá lúa vẫn ở mức trung bình, nông dân đảm bảo có lãi. Anh Nguyễn Văn Trường, nông dân trồng lúa, ngụ huyện Thới Bình, cho biết: “Vụ Đông Xuân vừa qua gia đình thu hoạch khoảng 1 ha lúa. Vụ này, do ảnh hưởng của thời tiết, nhất là do cơn bão số 1 vừa qua, nên năng suất lúa giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá lúa vẫn ở mức ổn định, đảm bảo có lãi…”.

Theo anh Trường, vụ lúa này trung bình mỗi công (1.000 m2) đất trồng lúa cho năng suất khoảng hơn 22 giạ. Sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, mỗi công cho lãi khoảng 1,5 triệu đồng. “Hiện nay, tại một số nơi cũng đang thu hoạch lúa, mấy ngày qua, cũng có thông tin cho rằng thương lái không thu mua nữa, nhiều người cũng hoang mang. Tuy nhiên, hiện nay vào thời điểm thời tiết khá thuận lợi, nếu thương lái không thu mua, thì người dân sẽ trữ lại, đợi khi nào được giá sẽ bán” – anh Trường nói.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc thương lái không thu mua lúa chỉ là trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ. Tại một số địa phương khác như TP Cà Mau, việc mua bán vẫn diễn ra, giá lúa ở mức ổn định. Bà Nguyễn Thị Lem, ngụ xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau thông tin: “Gia đình tôi vừa thu hoạch lúa trên đất tôm diễn ra đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán. Nhìn chung, giá lúa năm nay ổn định, còn năng suất thì tăng. Sau thu hoạch, thương lái đến tận ruộng lúa để thu mua với giá từ 5.200 – 5.400 đồng/kg”.

Bà Lem cho biết thêm, vụ lúa vừa qua, sau khi trừ chi phí mỗi ha lúa trên đất nuôi tôm, bà lãi hơn 35 triệu đồng. Nhờ đó gia đình có thêm tiền sắm Tết.

Ông Trần Quyết Toán – Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau cho biết, vụ lúa Đông Xuân này, nông dân địa phương trúng mùa, được giá. Đến thời điểm này, địa phương chưa ghi nhận tình trạng thương lái không thu mua lúa.

Ở Sóc Trăng, người dân cũng đang tất bật thu hoạch vụ Đông Xuân. Tuy nhiên người dân ở một số địa phương của vùng này cho biết, vụ Đông Xuân này, năng suất thấp hơn cùng kỳ năm 2018, cụ thể là ở thị xã Ngã Năm. Lý giải cho việc năng xuất lúa giảm ông Nguyễn Minh Trí – Trưởng trạm Khuyến nông, thị xã Ngã Năm cho biết: Vụ lúa Đông Xuân năm nay, do ảnh hưởng của hạn mặn, nên năng suất lúa ở địa phương giảm. Riêng giá cả, tùy vào từng thời điểm, có sự lên xuống nhưng nông dân vẫn có lãi. Tuy nhiên, tình trạng thương lái không thu mua lúa thì địa phương chưa ghi nhận.

Đồng bằng sông Cửu Long: Không để thương lái ép giá lúa - 1

Thương lái thu mua lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Rục rịch lo chuyện thu gom

Thông tin giá lúa giảm, một số nơi thương lái ngừng thu gom đã tác động đến người dân vùng ĐBSCL. Các doanh nghiệp và địa phương cũng tính toán chuyện thu gom lúa vì chuẩn bị đến giai đoạn thu hoạch rộ.

Ở TP Cần Thơ đã có 1.123/81.264ha lúa Đông Xuân thu hoạch, tập trung nhiều ở các địa phương như Cờ Đỏ, Thốt Nốt và Thới Lai. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2019. Ông Nguyễn Ngọc Hè – Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ lo lắng: “Trong số 81.264 ha lúa Đông Xuân, chỉ có khoảng 21 nghìn ha là có hợp đồng tiêu thụ, số diện tích còn lại chưa có hợp đồng sẽ bị phụ thuộc giá vào thương lái”.

Mới đây, tại cuộc họp đầu năm của TP Cần Thơ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nguồn vốn để thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân, các doanh nghiệp cho rằng, thời điểm này cần phải đẩy mạnh việc thu mua lúa để các thương lái không có cơ hội “ép giá”, đẩy giá thị trường tiếp tục đi xuống, sẽ khiến cho doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp lớn đang bao tiêu thu mua lúa trong dân cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng chưa đủ lớn để thu mua lúa trong dân, khiến cho việc thu mua xuất khẩu gặp trở ngại. Trước tình hình trên, đại diện các ngân hàng cho biết sẽ có báo cáo khẩn đến cơ quan chủ quản để xin ý kiến cho nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Quốc Hà – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Cần Thơ, kiến nghị UBND TP Cần Thơ phối hợp với các tỉnh trong khu vực cùng kiến nghị với hội sở ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ vốn chung cho vùng ĐBSCL. Theo ông Hà, nếu không tăng được định mức tín dụng vay thì phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian ngắn nhất để doanh nghiệp có vốn mua lúa cho dân. Các ngân hàng có thể vận dụng giải pháp khác tăng định mức vay, đồng thời trình hội sở ngay để tăng vốn vay cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Ghi nhận của phóng viên, mặc dù một số nơi giá lúa có giảm nhẹ, tuy nhiên giá lúa thơm, chất lượng cao, lúa trồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp vẫn ổn định, thậm chí còn được mua với giá khá cao. Đây là tín hiệu vui khi mô hình liên kết giữa người trồng lúa và doanh nghiệp được thực hiện ở vùng ĐBSCL đang dần phát huy tác dụng.

* Mô hình Cánh đồng mẫu lớn, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu đầu ra được Bộ NNPTNT triển khai ở ĐBSCL đang gặt hái được nhiều kết quả thiết thực. Việc các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã góp phần đáng kể làm giảm áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa khi vào vụ thu hoạch rộ. Đây cũng là một trong những chuyển biến tích cực của thị trường lúa gạo Việt Nam. Qua đó, lúa bị ùn ứ gần như không còn, Chính phủ không phải đưa ra giải pháp tình thế “mua lúa gạo tạm trữ” như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Không để thương lái ép giá lúa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO