Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

Đỗ Quang 13/07/2018 09:00

6 tháng đầu năm 2018, kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam là khá ấn tượng khi mà cả khối lượng lẫn kim ngạch đều tăng. Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu cho thấy thị trường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ khó khăn do giá gạo thế giới xuống thấp.

Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo của Việt Nam cần một chiến lược mới để tiếp tục tăng trưởng.

Cạnh tranh bằng giá

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6-2018 đạt khoảng 604.000 tấn, trị giá đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 3,6 triệu tấn, trị giá 1,8 tỉ đô la, tăng 24,6% về khối lượng và 42,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng là do 24,6% khối lượng gạo ký được những hợp đồng quan trọng từ Indonesia, Philippines và Cuba. Với giá trị tăng 42,4%, thì chính là do giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 505 đô la/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, cũng chính từ việc giá hạt gạo Việt cao so với gạo xuất khẩu của một số nước, theo giới chuyên gia, thời gian tới sẽ khó có hợp đồng hơn do các nước cạnh tranh bằng cách tiếp tục hạ giá. Có thể nêu 1 dẫn chứng: Sau khi Việt Nam và Thái Lan cùng chia nhau hợp đồng bán gạo theo thỏa thuận liên Chính phủ (G2G) cho Philippines hôm 4/5/2018 (Việt Nam 130.000 tấn, Thái Lan 120.000 tấn) thì trong hợp đồng 250.000 tấn tiếp theo được Philippines mở thầu hôm 22/5/2018 theo thỏa thuận Chính phủ -Tư nhân (G2P), Thái Lan đã có được gần 90% khối lượng gói thầu. Trong khi đó, Việt Nam không có một hợp đồng nào. Lý do chính là vì giá Việt Nam đưa ra cao hơn so với đối thủ Thái Lan.

Đáng chú ý, tại thời điểm này, giá chào hàng gạo của Thái Lan tiếp tục thấp hơn so với Việt Nam. Cụ thể: gạo 5% tấm của Thái Lan giá 398 USD/tấn, trong khi chủng loại này của Việt Nam là 403-407 USD/tấn. Đây chính là áp lực cho hạt gạo Việt khi xuất khẩu.

Cũng cần lưu ý, Bộ Tài chính Trung Quốc đã áp dụng thuế nhập khẩu mới kể từ ngày 1-7-2018 với 14 mặt hàng. Trong đó, mức thuế áp dụng đối với lúa, gạo nguyên hạt, gạo tấm, bột ngũ cốc và bột ngũ cốc dạng tấm (bột thô) nhập khẩu từ khu ASEAN sẽ có mức thuế lần lượt là 50%, 50%, 5%, 40% và 5%. Trong khi đó, có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam là vào Trung Quốc.

Thương hiệu phải đi cùng chất lượng

Theo giới chuyên gia, giá gạo thế giới sẽ còn tiếp tục giảm, khi mà nhiều quốc gia đang tích cực áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, khiến năng suất cây trồng tăng mạnh, trong đó có lúa gạo. Một điểm đáng chú ý nữa là cơ cấu thành phần bữa ăn của nhiều quốc gia cũng thay đổi. Đó là việc giảm bớt chất bột trong bữa ăn, thay vào đó là rau củ quả và thực phẩm chức năng dưỡng chất cao.

Trong nhiều năm, Việt Nam đã trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu gạo, với vị trí thứ nhất, thứ nhì. Kết quả đó cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam và đáng kể hơn đã mang lại ấm no cho hàng triệu hộ nông dân.

Tuy nhiên, trước những thách thức mới về xuất khẩu, thì việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu trong nước cũng cần thay đổi để thích ứng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trước mắt đó là việc giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng rau củ quả, và đặc biệt là cần lựa chọn được những giống lúa chất lượng cao, cho dù sản lượng có thể thấp. Thay vì quy mô, số lượng thì đã đến lúc cần chuyển mạnh sang hướng chất lượng, giá thành cao. Đây không phải là điều gì đó quá mới mẻ, đã được nói đi nói lại nhưng việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp vẫn diễn ra chưa được như ý muốn.

Và, một điều cũng rất quan trọng khi xuất khẩu là phải xây dựng bằng được thương hiệu cho hạt gạo Việt. Trong khi điều này đang rất khó khăn. Tìm cơ hội trong khó khăn, không cách gì khác là nâng chất cho hạt gạo Việt đồng thời có sách lược tiếp thị rộng rãi, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, công tác xây dựng thương hiệu luôn được Bộ này chú trọng để phù hợp với đặc thù từng thị trường và tính đến điều kiện sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có chất lượng chúng ta sẽ không phát triển được thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO