Hà Nội trong giai đoạn 2 chống dịch

Minh Phương 22/03/2020 22:00

Cuối tuần qua, Bộ Công thương đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Báo cáo tại buổi làm việc, UBND TP Hà Nội cho biết, ngay khi dịch xảy ra, TP đã yêu cầu các hệ thống phân phối tập trung tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thủ đô.

Hà Nội trong giai đoạn 2 chống dịch

Các siêu thị tại Hà Nội dồi dào nguồn hàng.

Phía Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của TP trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của TP. Sở Công thương Hà Nội cũng đã làm việc với các DN sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.

Đến nay, các DN lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA Mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Đối với các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 28 đơn vị sản xuất khẩu trang, trong đó 9 đơn vị sản xuất khẩu khẩu trang y tế; 15 DN sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với năng lực sản xuất 7,8 - 13 nghìn chiếc khẩu trang y tế/tháng (tính cho 26 ngày sản xuất); 8 triệu chiếc /tháng với khẩu trang vải kháng khuẩn. TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương nắm bắt kịp thời các DN sản xuất khẩu trang, nước diệt khuẩn để đáp ứng nguồn cung phục vụ nhân dân.

“Hiện Hà Nội đang ở kịch bản số 2, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày, hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường kể cả nhu cầu có tăng cao hơn”- theo UBND TP Hà Nội.

Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao tinh thần chủ động của Hà Nội trong việc bảo đảm hàng hóa đáp ứng nhu cầu ổn định thị trường, nhu yếu phẩm cho nhân dân cũng như lên các kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Trong chỉ đạo cần tiếp tục chủ động, quyết liệt song cần hết sức bình tĩnh và chú ý vai trò của truyền thông.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, dù trong bối cảnh dịch bệnh vẫn cần đảm bảo bình ổn giá, duy trì chất lượng sản phẩm đi cùng với số lượng, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất hàng giả, kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế; chống đầu cơ tích trữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trước đó, tại cuộc họp liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa, các sản phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp với các ban, ngành, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã khẳng định: Sẽ không thiếu hàng hóa thiết yếu trong bất kỳ tình huống nào. Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu: “Các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất cần cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội trong giai đoạn 2 chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO