Nâng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp tại Hải Dương

P.T. - C.T. 04/02/2020 19:00

“Năm 2015, tôi có đến thăm trụ sở của Samsung tại Hàn Quốc, Chủ tịch của Samsung lúc đó có đặt vấn đề với tôi rằng “tại sao Việt Nam lại dùng ít điện thoại Samsung hơn iPhone”. Lúc đó tôi có cười và nói: Nếu có chuyện như vậy thì là do tỷ lệ nội địa hoá của Samsung thấp quá mà người Việt Nam thì luôn luôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nâng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp tại Hải Dương

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao việc hợp tác về việc hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT tại địa bàn tỉnh Hải Dương do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam. Ảnh: VGP.

Đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại địa bàn tỉnh Hải Dương do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 4/2.

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho ít nhất 15 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT tại tỉnh Hải Dương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.

“Nếu coi công nghiệp là quả núi, thì CNHT là chân núi. Doanh nghiệp CNHT nào tham gia được chuỗi toàn cầu thì doanh nghiệp đó mạnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm gần đây đã trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng trên 9%”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiện, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú…

Phó Thủ tướng kỳ vọng, với sự hỗ trợ của Samsung Việt Nam - một tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc, Chương trình tư vấn phát triển CNHT do tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương phối hợp thực hiệnsẽ đem lại kết quả cao.

Nhiều công việc cần triển khai đồng bộ

Đối với việc phát triển CNHT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, để ngành CNHT đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

“Chính phủ đang nỗ lực hành động để phát triển ngành CNHT gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong thời gian tới. Tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc, bất hợp lý trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 liên quan đến phạm vi CNHT; trong đó làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Xây dựng định hướng phát triển CNHT cho một số ngành chính có thế mạnh thay thế sản phẩm nhập khẩu trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước. Tham mưu cho Chính phủ thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp CNHT, với định hướng là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp CNHT. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng ứng dụng và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành CNHT từ nay đến năm 2025, với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, hạn mức vay và tài sản thế chấp.

Với tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương xây dựng và ban hành Đề án phát triển ngành CNHT của tỉnh đến năm 2025 để cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017.

Đồng thời, tỉnh Hải Dương thực hiện rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo và bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng để nhanh chóng hấp thu công nghệ mới vào hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị sẵn có của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế tạo linh kiện, nguyên vật liệu,...

Nâng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp tại Hải Dương - 1

Toàn cảnh Lễ ký kết. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng đề nghị Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước về phát triển CNHT; tổ chức triển lãm CNHT; tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết là tham gia vào các chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.

“Tôi hy vọng rằng sau chương trình này, với sự hỗ trợ của tập đoàn Samsung Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và quan trọng hơn, Hải Dương sẽ trở thành địa bàn hấp dẫn để thu hút, phát triển công nghệ cao, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao trong tương lai”, Phó Thủ tướng nói.

Về phía các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp nỗ lực để “trưởng thành”, trở thành những nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 của nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, trong hơn 27 năm qua, mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã trải qua những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau và Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Đặc biệt, sự kiện cuối tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức rất thành công đến Hàn Quốc. Trong hội đàm với Tổng thống và các Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, một trong những nội dung quan trọng mà hai bên tiếp tục khẳng định là phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với một số địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp tại địa phương, trong đó có chú trọng ngành CNHT.

Bộ trưởng cũng đánh giá việc tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp cùng Samsung Việt Nam một Tập đoàn đa quốc gia và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là mô hình tốt cần nhân rộng trên địa bàn cả nước.

Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành Chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, các địa phương cần phải đầu tư nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp và CNHT trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp tại Hải Dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO