Trung tâm thương mại: Càng hiện đại, càng ế ẩm

An Bình 22/09/2019 08:00

Đô thị hóa nhanh chóng, đời sống thu nhập của người dân được nâng cao, kéo theo hàng loạt các trung tâm thương mại, chung cư cao cấp mọc lên. Tuy nhiên, dường như “giấc mơ” thương mại hóa của các chủ đầu tư đang tắt dần, bởi nhiều trung tâm mua sắm, khối đế thương mại của các tòa nhà chung cư ngày càng vắng khách, ế ẩm. Thậm chí có nơi bỏ trống treo biển “cho thuê” nhiều năm nay nhưng vẫn… lặng như tờ.

Trung tâm thương mại: Càng hiện đại, càng ế ẩm

Nhiều trung tâm thương mại sớm chết yểu vì không đáp ứng được đúng thị hiếu, nhu cầu của người dân. Ảnh: Quang Vinh.

Hoành tráng nhưng “chết yểu”

Ở vị trí đắc địa, hai mặt tiền trên phố Thái Hà và phố Tây Sơn (Hà Nội), nhưng Trung tâm thương mại cao cấp Parkson nằm ở khối đế của tòa nhà Viet Tower đã đóng cửa từ lâu. Việc Parkson liên tục phải đóng cửa trung tâm thương mại dường như không phải là câu chuyện quá bất ngờ với nhiều người tiêu dùng bởi khi họ bước chân vào trung tâm thương mại này đa số chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không phải để mua sắm. Parkson rời đi khá lâu, song đến thời điểm này, chủ đầu tư của Viet Tower vẫn chưa tìm được đối tác thuê mới, một mặt bằng hàng ngàn mét vuông tọa ở vị trí “vàng” lại đang bị bỏ trống, rơi vào cảnh “ế khách”.

Chị Nguyễn Minh Ngọc, một cư dân ở phố Thái Hà cho biết: Mặc dù sống ở ngay cạnh Trung tâm thương mại Parkson nhưng cả năm chắc chị chỉ vào được một đến hai lần. Vào chủ yếu là cho con cái đi chơi, xem đồ bày bán ở đây chứ cũng chẳng phải với mục đích mua sắm, vì giá quá đắt đỏ. “Trung tâm mua sắm đó chỉ phục vụ đại gia. Một cái túi xách giá lên đến 5-10 triệu đồng thì ai mua nổi” – chị Ngọc cho biết và bày tỏ quan điểm: Với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng, những trung tâm thương mại cao cấp mọc lên sẽ khó có thể sống vì vượt quá xa khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.

Ngay trên cung đường Tây Sơn đã có tới 4,5 tòa nhà mọc lên và các chủ đầu tư kỳ vọng sẽ biến những khối đế tại các tòa nhà thành các trung tâm thương mại cao cấp, hấp dẫn người tiêu dùng. Thế nhưng giấc mơ của họ không được hiện thực hóa, Parkson chỉ là một trong hàng loạt các trung tâm thương mại cao cấp bị người tiêu dùng quay lưng do không đáp ứng được đúng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng.

Trung tâm thương mại: Càng hiện đại, càng ế ẩm - 1

Tương tự số phận như Parkson hay Tràng Tiền Plaza, Trung tâm thương mại Hàng Da (Hà Nội) cũng đã “chết yểu” ngay sau khi hoàn thiện. Không như mục đích trở thành trung tâm mua sắm ban đầu, hiện nay Hàng Da chủ yếu là nơi tập kết hàng hóa cho các doanh nghiệp nội thất. Rất ít cửa hàng còn hoạt động với lượng khách vắng vẻ. Tại tầng 2, một loạt hàng nội thất được bày bán ngập lối đi, một vài tiệm vàng bạc, thêu tay hầu như không có bóng dáng khách hàng vào mua. Khi được hỏi tại sao vắng khách như vậy mà cửa hàng vẫn duy trì được, chủ một kios thêu tay ở đây cho biết, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường nhưng chủ yếu là bán hàng online.

Câu chuyện các trung tâm thương mại cao cấp bị ế khách không phải là mới. Nhiều năm trở lại đây, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày một dày đặc tại thủ đô. Tràng Tiền Plaza cũng là một cái tên gây ấn tượng với người tiêu dùng, nhưng ấn tượng nhất là về giá cả. Do các sản phẩm tại trung tâm thương mại này giá quá “khủng” nên chỉ một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Trung tâm mua sắm nằm ngay vị trí “trái tim” của Thủ đô đã phải tạm đóng cửa hàng năm trời để “tái cơ cấu”, để “thay máu”… Theo đó, thay vì chỉ có những gian hàng đồ hiệu, xa xỉ đắt tiền trước kia, nay Trung tâm thương mại này đã có thêm nhiều quầy hàng phục vụ khách bình dân…

Trung tâm thương mại chợ Mơ (quận Hoàng Mai) đi vào hoạt động 5 năm nay nhưng khối đế dành cho thương mại từ tầng 2 vẫn đang treo biển cho thuê. Mặc dù cũng nằm ở vị trí tốt, dân cư đông đúc, song trung tâm thương mại này vẫn không đạt được kỳ vọng trở thành một nơi mua sắm sầm uất. Ngược lại, càng ngày càng vắng vẻ, ế ẩm.

Bà Nguyễn Thị Thu - một tiểu thương có thâm niên bán hàng nhiều năm ở khu vực chợ Mơ - cho biết: Từ hồi trung tâm được xây dựng lên khang trang, đẹp đẽ, bà con ở chợ Mơ cũ không mấy ai trụ được khi thuê kios ở đây vì quá ế khách. Người dân vào mua sắm rất lác đác do nhiều thứ bất tiện, trong khi giá thuê thì đắt đỏ nên các tiểu thương hầu như nghỉ hết. Quan sát tại Trung tâm thương mại chợ Mơ, có thể thấy, chỉ tầng 1 được lấp đầy, còn lại các tầng trên đều vắng vẻ, yên ắng.

Trung tâm thương mại: Càng hiện đại, càng ế ẩm - 2

Lời giải cho bài toán “ế ẩm”

Trên con đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài, người ta cũng đếm được không dưới chục tòa nhà cao tầng nằm san sát hai bên đường. Con phố này ngày nào cũng đông đúc, nườm nượp xe tham gia giao thông đến tắc nghẽn cả phố dài, nhưng các khối đế thương mại tại các tòa nhà trên tuyến đường này cũng rất thưa thớt người. Có tòa nhà mặc dù cư dân đã lấp kín nhưng tầng 1 của tòa nhà với mục tiêu biến thành khu mua sắm lại trống trơn. Nhiều nơi dù mặt tiền thoáng, đẹp nhưng ế khách, bỏ trống đã được cư dân ở đó trưng dụng biến thành nơi bán trà đá vỉa hè, mía đá…

Bán lẻ là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bền bỉ suốt hai thập niên qua. Số liệu thống kê cho biết, từ năm 2000 đến nay, doanh số bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng hai chữ số. Báo cáo về ngành bán lẻ 2019 của Deloitte nhận định: So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất, tạo tiền đề cho lĩnh vực bán lẻ phát triển.

Tuy nhiên, bán lẻ không phải là mảnh đất riêng của các trung tâm thương mại. Ngày nay, sự phát triển ồ ạt của các sàn thương mại điện tử đang định hình lại sân chơi này. Không có gì lạ khi một khách hàng chỉ cần nằm ở nhà bấm điện thoại thông minh là đã có thể có được món hàng như ý mà không cần phải đến tận nơi để mua sắm. Chính bởi vậy, việc xây dựng liên tiếp các tòa nhà chung cư với các khối đế thương mại được kỳ vọng trở thành nơi mua sắm sầm uất, hút khách của các chủ đầu tư đang bộc lộ những bất cập. Đó là sự quá tải các khu đô thị với những tòa nhà chọc trời mà không tính đến những nhu cầu thiết yếu, thị hiếu của người dân. Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - Giám đốc Thị trường Việt Nam của Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam) - nêu quan điểm: “Không như suy nghĩ thông thường, vị trí tốt chưa hẳn mang đến thành công cho các khối đế thương mại của chung cư, điều đó còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thật sự của cư dân và khu vực xung quanh”. Và đưa ra lời giải cho bài toán “ế ẩm” của những trung tâm mua sắm hay các khối đế thương mại tại các tòa nhà chung cư hiện nay, bà Trang cho rằng, chủ đầu tư không nên vội kỳ vọng tiền thuê cao mà trước tiên cần phải chú trọng vào việc cung cấp tiện ích cho cư dân. “Tùy theo vị trí mà các chủ đầu tư có thể cải tạo các khối đế thương mại theo nhu cầu của cư dân hay khu vực xung quanh” – bà Trang nêu quan điểm.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cũng cho rằng: Việc xây quá cấp tập các tòa nhà, trung tâm thương mại thời gian gần đây đang gây ra những áp lực lớn về giao thông đô thị. “Cứ nhìn các trung tâm mua sắm mọc san sát nhau, trong khi nhu cầu của người dân ra sao, mức thu nhập thế nào để cung ứng những sản phẩm hợp lý, xây dựng các cơ sở hạ tầng thuận tiện, quy hoạch sao cho phù hợp… thì lại không được nhà quản lý chú trọng. Đó là lý do tại sao các trung tâm thương mại cao cấp chỉ sống được trong một thời gian ngắn” – ông Phú nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm thương mại: Càng hiện đại, càng ế ẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO