Vì sao doanh nghiệp cổ phần hóa không chịu lên sàn?

H.Hương 26/11/2018 09:00

Dù đã có những biện pháp mạnh, có hành lang pháp lý, nhưng vẫn còn 667 doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH) chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo danh sách của Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 5 công ty thuộc diện trên là: Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Petrolimex Đà Nẵng, Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên Huế, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex, Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Petrolimex. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có 1 Tổng công ty, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 2 công ty và Tập đoàn Dệt may có một loạt công ty…chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong vòng 10 năm qua, đã có hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được CPH, nhưng đến giờ, chưa có thống kê cụ thể về số lượng DN đã niêm yết. Thực tế cũng chỉ ra nhiều công ty đã trở thành công ty đại chúng với quy mô vốn 300-500 tỷ đồng, vẫn không lên sàn giao dịch, mà chưa bị cơ quan chức năng nào xử lý. Nhiều nhà đầu tư ngậm quả đắng vì trót ôm cổ phần đấu giá của DN mà mãi không niêm yết, khó chuyển nhượng, giá bèo bọt…

Bộ Tài chính đã từng đưa ra hướng giám sát, xử lý các trường hợp DN đã đủ điều kiện niêm yết như 3 năm liên tiếp không bị lỗ, có kế hoạch kinh doanh khả thi trong 5 năm sau CPH, hoạt động ổn định… và cả các DN đã lên sàn Upcom hơn 2 năm mà không chuyển lên sàn HNX, HSX.

Theo phân tích của ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân khiến các DN chưa lên sàn là vì một số công ty có vốn điều lệ không đảm bảo, chưa đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định việc chậm lên sàn làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau CPH theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán.

Giới chuyên gia nhìn nhận, có tình trạng không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của cổ đông. Đã có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ tham nhũng, bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát DN CPH, biến tài sản cổ đông và Nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân và những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của DN mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần. Vì vậy, ngoài việc nêu đích danh tên các DN không chịu lên sàn cần có biện pháp xử lý mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao doanh nghiệp cổ phần hóa không chịu lên sàn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO