Thiên đường

Trần Hữu Thăng

Hàng trăm, hàng nghìn năm nay đã có biết bao nhiêu định nghĩa về Thiên đường. Các tôn giáo có những định nghĩa riêng. Các nền văn hóa có những định nghĩa riêng. Sách, báo, từ điển Âu, Á, Cổ, Kim cũng có những định nghĩa na ná giống nhau, cũng có khi khác nhau. Phải đợi cho đến khi nhà Triết học August John Hare (1834 – 1903) phát biểu về Thiên đường thì mọi người mới cảm thấy yên tâm.

Trong định nghĩa thiên tài này, Hare cũng nhắc đến Tổ tiên loài người là ông Ađam, Hare cũng công nhận loài người hiện nay chính là con cháu của Ađam. Theo giới học thuật của nhiều nước thì định nghĩa của Hare vừa đúng đắn, vừa chặt chẽ, vừa thực tế đến mức không thể có một kẽ hở nào để phê phán, chỉ có thể bổ sung thêm vào cho rõ nghĩa, bổ sung cho định nghĩa này thêm phát sáng.

Bài viết này ca ngợi và nêu một số đóng góp của các nhà Thơ, nhà Triết học (cả dòng bác học, cả dòng dân gian) bổ sung cho định nghĩa này của Hare.

Định nghĩa của Hare về Thiên đường là: “Đối với Ađam, Thiên đường là Quê hương của ông. Còn đối với con cháu của Ađam thì Quê hương chính là Thiên đường của họ” (To Adam, Paradise was home. To the good among his descendants, home is Paradise).

Cần chú ý: Con cháu của Ađam tính đến nay đã vượt quá 7 tỷ người, ở kín các châu lục, ở trên núi, ở trên biển, gồm hơn 300 quốc gia và vùng lãnh thổ, dưới sự điều hành của Liên Hiệp Quốc. Tức là có rất nhiều Quê hương khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống dưới bầu trời này.

Có một bài hát Việt Nam về Quê hương mà không một người Việt Nam nào sống ở bất kỳ đâu trên thế giới lại không xúc động khi nhắc đến: “Quê hương, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Đây là một câu khẳng định. Ai cũng do cha mẹ sinh ra, nuôi nấng lớn lên ở Quê hương, nghĩa là ta phải chịu ơn cha mẹ, phải mang ơn người nông dân đã khó nhọc cày cấy cho ta những bát cơm ăn hàng ngày. Câu ca dao cổ:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Câu ca dao này đã phản ảnh sự vất vả một nắng hai sương của biết bao con người giúp ta khôn lớn. Ta có dám quên ơn cha mẹ, có dám không nhớ đến công ơn của xóm làng lúc ta còn thơ bé không. Đây là tiêu chuẩn cứng để đánh giá đạo đức thật có của một con người trưởng thành. Có người vì danh, vì lợi đã dám chối bỏ Quê hương nghèo khổ, chối bỏ cha mẹ, gia đình nghèo khổ. Đây thực chất là hạng người gì, có nên kết bạn, có nên hợp tác không. Phải tránh xa, không thể hợp tác được, rất nguy hiểm. Vì sao? Vì như nhà triết học người Anh, Lord George Byron (1788 – 1824) đã phê phán: “Kẻ nào không yêu Quê hương mình, thì kẻ đó chẳng có thể yêu gì cả” (He who loves not his country can love nothing). Cảm ơn Byron đã giúp chúng ta một tiêu chuẩn mang tính chìa khóa, một phép thử quan trọng để tìm ra người tốt mà kết bạn, thông qua thái độ của họ đối với Quê hương, Đất nước.

Cũng một Thi sĩ phương Tây, ông George Moore (1852 – 1933) đã có một tổng kết rất độc đáo về Quê hương, về Tổ quốc, về Đất nước của mỗi người. Ông Moore viết: “Một người đi khắp thế giới để tìm cái mình cần, cuối cùng người ấy đã tìm thấy ở chính Quê hương mình” (A man travels the world over in search of what he needs and returns home to find it). Đáng kính trọng thay những nhân sĩ, trí thức, người công nhân, người nông dân và các tầng lớp nhân dân khác trên dải đất hình chữ S yêu quý đã tìm thấy hạnh phúc đích thực, tìm thấy tương lai cho con, cho cháu ngay chính trên Quê hương, Đất nước mình. Chính họ đã vun đắp cho một nước Việt Nam mới.  

Nhìn chung, những áng thơ văn hay nhất, xúc động nhất thường được các Thi sĩ mô tả cảnh Quê hương tươi đẹp, tình cảm con người quê hương nồng ấm, thiết tha. Đại Thi hào Pháp, Fr. René Chateaubriand (1768 – 1848) đã xúc động khi nghĩ đến Quê hương: “Niềm mường tượng biết bao êm ái, ôi Quê hương một giải nên thơ” (Combien j'ai douce souvenance, du joli lieu de ma naissance). Chao ôi, nhớ đến nơi sinh ra, nhớ đến nơi chôn rau cắt rốn, nhà thơ Pháp thấy êm ái, thấy nên thơ cũng giống như niềm vui êm đềm hạnh phúc của cô gái quê đồng bằng Bắc bộ Việt Nam:

Nhà em có vại cà đầy
Có ao rau muống, 
có đầy chĩnh tương
Dẫu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ, 
dưới nhường anh em
Một nhà vui vẻ êm đềm
Đói no tùy cảnh không luồn lụy ai.
(Trích trong Ca dao Tục ngữ 
Việt Nam – NXB Văn học).

Hoặc:
Nhờ trời mưa thuận gió hòa
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau
Chim, gà, cá, lợn, cành cau
Mùa nào thức ấy, giữ màu quê ta.
(Sách đã dẫn ở trên).

Xin đảm bảo rằng cái phong cảnh mưa thuận gió hòa, cái tâm trạng ung dung tự tại của cô thôn nữ trong hai đoạn ca dao trích dẫn ở trên chính là Thiên đường dưới hạ thế. Cảnh thì ấm no, thanh bình, tình thì hạnh phúc vui vẻ, trên kính dưới nhường, trong ấm ngoài êm. Dám đảm bảo rằng nhiều người lắm tiền, nhiều của, mũ cao áo dài, lên xe, xuống ngựa đang nằm bệnh viện vì tai biến mạch máu não, vì nhồi máu cơ tim mà đọc đoạn ca dao này thì thật thèm muốn được như cô thôn nữ. Nhiều tỷ phú ước ao đổi 1 triệu đô lấy một ngày vui vẻ, nhàn nhã, không phải lo âu, đấu đá, cạnh tranh. Tài tình thay, ca dao tục ngữ Việt Nam mô tả hay đến thế, mà sao có những vần điệu nhẹ nhàng tha thiết, người không biết chữ cũng thuộc lòng những câu ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi hạnh phúc đơn sơ ước mơ nho nhỏ của làng quê yêu dấu. Cái Thiên đường Quê hương ấy được gắn bó với ta bởi những con người cụ thể, đó là mẹ ta, bởi những sự vật cụ thể, đó là củ khoai, khói bếp qua bài thơ tài tình sau đây của Thi sĩ Vũ An:

Mẹ luộc khoai bằng bếp lửa củi rền
Củi chưa khô, ngọn lửa nghèo cũng ướt.
Vung nồi đất  xoay mấy lần không khít
Khói tạt về phía mẹ, mắt con cay.
(Bài thơ tặng Mẹ - NXB Hội Nhà văn).

Mãi mãi cảm ơn Vũ An đã nhắc cho chúng ta cách học làm người. Ta phải biết cay mắt khi người mẹ nghèo phải đun củi ướt. Đó là nhân cách cần phải có để lấy đó mà phấn đấu cho một ngày mai tốt đẹp hơn, cho mẹ đỡ vất vả, cho ta đỡ cay mắt. Nhớ đến quê nghèo, nhớ đến mẹ nghèo, người con lúc nào cũng cần canh cánh bên lòng suốt đời sự bền bỉ phấn đấu, lúc nào cũng cần tự hỏi bản thân:

Mẹ ơi, sắp cuối con đường,
Làm sao để mẹ đỡ buồn vì con.
(Thơ Hồng Thanh Quang)

Đến đây mới thấy rõ mỗi người sinh ra đời có mối liên hệ với làng xóm, quê hương, đất nước đều thông qua người mẹ. Tiếng quốc ngữ của mỗi nước được gọi là Tiếng mẹ đẻ. Tổ quốc, Quê hương trong tiếng Anh là Quê mẹ (Mother country) hay Đất mẹ (Motherland). Ai yêu Quê hương, ai yêu người mẹ vất vả mang nặng đẻ đau, lại vất vả cho ta bú mớm đêm ngày thì người đó chắc chắn sẽ có Thiên đường để tận hưởng. Có thể nêu vắn tắt: “Quê hương - Mẹ - Thiên đường”. Ai từ chối Quê hương, từ chối người mẹ đẻ ra mình thì rõ ràng đã sống cuộc đời bất nhân bất nghĩa, còn đâu được hạnh phúc chốn Thiên đường. Đúng như René Chateaubriand đã tổng kết: “Có thể nói Thượng đế đã buộc chân mỗi một con người vào quê hương, đất nước của họ bằng một yêu lực vô song” (La Providence a, pour ainsi dire, attaché les pieds de chaque homme ā son sol natal invincible). Nhờ cái tình yêu vô địch ấy, mỗi con người phải xác định tình yêu Quê hương, yêu Tổ quốc như yêu cha, yêu mẹ và nếu phải chết để bảo vệ cái Thiên đường – Quê hương ấy ai ai cũng sẵn sàng. Cảm ơn Chế Lan Viên đã nói hộ nỗi lòng mỗi con người:

Ôi, Tổ quốc ta yêu như máu thịt,
Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng
Ôi, Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn lúa, con sông.

Mãi biết ơn August John Hare đã xác định cho chúng ta Thiên đường nơi hạ giới.

Mãi biết ơn Chế Lan Viên đã dạy chúng ta cách bảo vệ cái Thiên đường ấy.     

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Nạn đói đe dọa nhân loại

Nạn đói đe dọa nhân loại

Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi “thổi luồng sinh khí mới” trong việc giải quyết gốc rễ của nạn đói.
Cuộc sống như thơ mình dự cảm

Cuộc sống như thơ mình dự cảm

Với tập “Thanh không” mới ra mắt (NXB Hội Nhà văn, 2023), thơ Trang Thanh đang dần đi qua bóng tối để đến với ánh sáng, cũng như bản thân chị nhẫn nại vươn tới niềm ...
Không còn ai đọc tôi vẫn viết

Không còn ai đọc tôi vẫn viết

Trong lớp nhà văn đương đại, Lê Minh Khuê là nữ nhà văn chuyên viết truyện ngắn và truyện vừa. Dấu ấn của bà để lại trong địa hạt này đủ để gây nhớ trong lòng bạn ...

Tin nóng

Sống xanh ở Tây Giang

Sống xanh ở Tây Giang

Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Hiện địa phương đang tích cực phát triển du lịch xanh, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Xem nhiều nhất